Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) đã hoạch định kế hoạch tái cơ cấu toàn diện trong 10 năm tới, trong đó sẽ tập trung ưu tiên vào việc ngăn chặn các hành động bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Kế hoạch mới của USMC mang tên Force Design 2030 (tái cơ cấu lực lượng) được Tư lệnh USMC David Berger công bố cuối tháng 3/2020, lực lượng này sẽ có bước chuyển mạnh từ ưu tiên chống khủng bố sang việc ngăn chặn Trung Quốc chiếm đóng một số đảo trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Theo đó, dựa trên Chiến lược quốc phòng quốc gia năm 2018 do Tổng thống Donald Trump công bố năm 2018, USMC sẽ chuyển trọng tâm nhiệm vụ từ tác chiến chống khủng bố trên đất liền sang đối phó với các nguy cơ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cụ thể là Trung Quốc và Nga. Đặc biệt, trước nguy cơ bành trướng trên biển từ Trung Quốc, USMC sẽ được coi như đội quân tiền phương của lực lượng hải quân và hai lực lượng sẽ tăng cường phối hợp với nhau.
Kế hoạch Force Design 2030 tuy không đề cập cụ thể tới các nội dung tác chiến nhưng cũng giả định việc bố trí phân tán hệ thống tên lửa hành trình phòng thủ ven biển (CDCM), tên lửa tấn công, hệ thống cảm biến, các căn cứ tàu trinh sát và căn cứ dự phòng tại một số đảo kéo dài từ phía Nam đảo Kyushu (Nhật Bản) tới Đông Bắc Đài Loan. Kế hoạch mới cũng cho biết, USMC sẽ tiến hành các hoạt động tác chiến xung quanh đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), quanh các đảo thuộc quần đảo Trường Sa để có thể giành chiến thắng trước hình thái tác chiến “vùng xám” mà Trung Quốc hay thực hiện thông qua sử dụng tàu vũ trang số lượng lớn đổ bộ chiếm đảo hay ngụy trang tàu vũ trang dưới vỏ bọc tàu cá.
Theo kế hoạch tái cơ cấu, thủy quân lục chiến Mỹ sẽ cắt giảm xuống còn quy mô 17.000 lính vào năm 2030, đồng thời giải tán 7 trung đội xe tăng – thiết giáp với quan điểm rằng số xe cơ giới này sẽ nhờ tới lục quân hỗ trợ khi cần thiết, giảm số đơn vị tấn công bằng trực thăng từ 7 xuống 5, số đơn vị vận tải trực thăng từ 8 xuống còn 5. Các trung đội pháo cũng được cắt giảm từ 16 xuống còn 5. Tuy nhiên, sẽ tăng biên chế các trung đội tên lửa, pháo tầm xa từ 7 lên 21 đội để gánh vác nhiệm vụ tác chiến tiền phương. Ngoài ra, cũng sẽ tăng thêm số đơn vị trinh sát, giám sát, tình báo (ISR) và đảm nhận nhiệm vụ tấn công đối hạm và đối đất bằng máy bay không người lái từ 3 đơn vị lên thành 6 đơn vị.
Trước đó, Chỉ huy Thủy quân lục chiến Mỹ David Berger (2/10/2019) tuyên bố lực lượng này đang thực hiện các chương trình, trong đó có tăng cường huấn luyện chiến đấu đổ bộ, để sẵn sàng cho kịch bản chiến tranh với Trung Quốc và Nga. Tướng Berger cho rằng Thủy quân lục chiến Mỹ phải cơ động và tập trung nhiều hơn vào tác chiến hàng hải, nhằm đối phó với “mối đe dọa hiện hữu lâu dài” từ Trung Quốc. Người chỉ huy Thủy quân lục chiến Mỹ cũng đồng thời cáo buộc Trung Quốc muốn thay thế vai trò của Mỹ trên bàn cờ quốc tế; khẳng định Mỹ sẽ ưu tiên tập trung đối phó với các hoạt động trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai, Con đường, cũng như các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tuy nhấn mạnh sự đe dọa hiện hữu từ Bắc Kinh, ông Berger cũng cho rằng lực lượng hiện tại của Trung Quốc chưa có đủ năng lực để răn đe các lực lượng Mỹ, hay ngăn cản Mỹ hoạt động tự do trên các vùng biển.
Thời gian gần đây, Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đã tăng cường hiện diện ở Biển Đông và Hoa Đông để ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực. Theo đó, Hải quân Mỹ đã điều Đơn vị Thủy quân lục chiến viễn chinh số 11 (11th MEU) từ vùng Vịnh (trực thuộc Hạm đội 5) đến tham gia Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương nhằm tăng cường an ninh hàng hải và ổn định cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong tháng 8/2019, Thủy quân lục chiến Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận kéo dài 11 ngày tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, với các nội dung tác chiến trên biển, trên không cũng như hoạt động đổ bộ. Đây được coi là động thái đáp trả các hoạt động hung hăng của Trung Quốc trên các vùng biển ở khu vực châu Á.
Được biết, Thủy quân lục chiến Mỹ là một quân chủng của Quân đội Mỹ có trách nhiệm cung cấp lực lượng tiến công từ phía biển, sử dụng phương tiện vận chuyển của Hải quân Mỹ để nhanh chóng đưa các lực lượng đặc nhiệm vũ trang hỗn hợp. Nó là một trong số 8 lực lượng đồng phục của Mỹ. Theo cơ cấu lãnh đạo dân sự trong Quân đội Mỹ thì Thủy quân lục chiến là một thành phần của Bộ Hải quân Mỹ, thường hoạt động sát cánh bên các lực lượng hải quân Mỹ cho các mục đích huấn luyện, vận chuyển và tiếp vận. Tuy nhiên, theo cơ cấu lãnh đạo quân sự thì Thủy quân lục chiến Mỹ là một quân chủng riêng biệt.
Thủy quân lục chiến Mỹ có khoảng trên 203.000 binh sĩ và dưới 40.000 binh sĩ trừ bị. Nó là quân chủng nhỏ nhất trong các lực lượng vũ trang của Mỹ thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Tuy nhiên Thủy quân lục chiến Mỹ lớn hơn toàn bộ lực lượng vũ trang của một số cường quốc quân sự nổi bật khác, thí dụ như nó lớn hơn lực lượng vũ trang hiện dịch của Israel hay toàn bộ Lục quân Anh. Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ chiếm khoảng 6% ngân sách quân sự của Mỹ. Chi tiêu cho mỗi binh sĩ thủy quân lục chiến là $20.000 ít hơn chi tiêu cho bất cứ binh sĩ nào trong các quân chủng khác. Toàn bộ lực lượng có thể được sử dụng cho cả các chiến dịch lớn và các chiến dịch thủy bộ.