Wednesday, October 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaQuan điểm và cách tiếp cận của Australia đối với chiến lược...

Quan điểm và cách tiếp cận của Australia đối với chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”

Australia theo đuổi một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở với chính sách ngoại giao tích cực với các đối tác và các quốc gia cùng quan điểm ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đầu tư vào các thiết chế khu vực, tăng cường hợp tác quốc phòng và hợp tác phát triển bền vững.

Quan điểm của Australia đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được thể hiện rõ nét trong Sách trắng Quốc phòng của Australia năm 2013 và 2016, đều xem khu vực này là trọng tâm chiến lược của Australia. Sách trắng chính sách đối ngoại của Australia năm 2017 định nghĩa Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là “khu vực kéo phía Đông của Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương, nối với nhau qua khu vực Đông Nam Á, bao gồm Ấn Độ, Bắc Á và Mỹ”. Do đó, Australia theo đuổi một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở với chính sách ngoại giao tích cực với các đối tác và các quốc gia cùng quan điểm ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đầu tư vào các thiết chế khu vực, tăng cường hợp tác quốc phòng và hợp tác phát triển bền vững. Một trật tự khu vực ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chính thức được xem một trong những lợi ích chiến lược của Australia. Đây cũng chính là mục tiêu sâu xa nhất của sáng kiến giáo dục nổi bật của Chính phủ Australia mang tên “Kế hoạch Colombo mới”, qua đó đưa hàng nghìn sinh viên Australia sang học tập tại các quốc gia ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Có thể nói, Australia theo đuổi một cách toàn diện việc xây dựng cấu trúc chiến lược rộng khắp này.

Qua đó, mục tiêu chính sách của Australia là nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với các đặc điểm sau: (i) áp dụng đối thoại và hợp tác giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tuân thủ pháp luật quốc tế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hay sự ép buộc; (ii) các thị trường mở nhằm khuyến khích giao thương hàng hóa, dịch vụ, dòng vốn và ý tưởng; (iii) hội nhập kinh tế mang tính hòa nhập và cởi mở đối với tất cả các nền kinh tế trong khu vực; (iv) quyền tự do đi lại hàng hải, hàng không được bảo đảm và quyền của các nước nhỏ được bảo vệ; (v) Mỹ vẫn tham gia tích cực trong khi Trung Quốc cũng đóng vai trò xây dựng. Tại Đối thoại Shangrila 2017, nguyên Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã mô tả khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là “nơi mà việc tuân thủ quy tắc sẽ mang lại hòa bình lâu dài, nơi mà quyền của tất cả các nước đều được tôn trọng và là nơi mà các thị trường mở tạo điều kiện cho tự do về thương mại, dòng vốn và ý tưởng…”.

Từ giữa thập niên 90 của thế kỷ XX cho đến gần đây, Australia luôn tự nhìn nhận họ là một phần của châu Á – Thái Bình Dương, sắp xếp các lợi ích chiến lược và quốc phòng trong khuôn khổ khu vực. Sự thay đổi chiến lược bắt đầu từ năm 2012, khi trong hàng loạt văn bản chính sách và tuyên bố công khai, Chính phủ Australia tìm kiếm một cấu trúc chiến lược mới, kết nối khắp khu vực Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương.

Có nhiều yếu tố dẫn đến việc này. Trước tiên, sự gia tăng dòng chảy năng lượng, tài nguyên và hàng hóa trên các tuyến hàng hải huyết mạch trên Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương trở thành “động mạch” của một cấu trúc khu vực mang tính thống nhất hơn. Sự phân chia cũ giữa hai hệ thống đại dương dần sụp đổ trong bối cảnh sự phát triển kinh tế ngày càng kết nối hai bên. Cùng với đó, các nhà chiến lược nhận ra rằng khi lợi ích kinh tế của các cường quốc châu Á ngày càng gắn bó với mạng lưới thương mại mở rộng, các nước sẽ bắt đầu tái định hình chính sách chiến lược để bảo vệ lợi ích của mình. Chẳng hạn như trong quá khứ, lợi ích chiến lược cốt lõi của Trung Quốc chủ yếu giới hạn ở khu vực Đông Bắc Á. Giờ đây, khi sự giàu có của Trung Quốc dựa trên những yếu tố bên ngoài, đặc biệt là năng lực thương mại của họ, Bắc Kinh cũng có tầm nhìn chiến lược rộng mở hơn.

Ở khía cạnh khác, “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” không đơn thuần mô tả một khu vực mà còn định hình quan niệm về một khu vực, qua đó mang lại cho Ấn Độ sự trỗi dậy mạnh mẽ hơn. Trong bối cảnh Trung Quốc trở nên mạnh hơn và bắt đầu hành động để bảo vệ lợi ích từ xa, Ấn Độ cũng tăng cường vai trò quan trọng của mình một cách đáng chú ý.

Từ quan điểm của Australia, Ấn Độ là một quốc gia có cùng lợi ích với Canberra trong việc kiềm chế ảnh hưởng khu vực và toàn cầu của Trung Quốc. Điều này dẫn đến việc Australia tăng cường sự trao đổi, hợp tác với Ấn Độ. Cấu trúc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tạo nên một khuôn khổ rộng lớn hơn cho chính sách chiến lược khu vực, giúp cho New Delhi có thêm tiếng nói và kết nối những nỗ lực của Ấn Độ – Australia. “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” còn là quan điểm về khu vực mà Australia đóng một vai trò trung tâm lớn hơn. Châu Á – Thái Bình Dương là cách nghĩ về khu vực mà Australia chỉ nằm ở vùng ngoại vi. Với quan điểm mới về “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Canberra trở nên đóng vai trò mang tính bản lề và quyết định hơn. Tuy nhiên, sự nổi lên của chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” trong quan điểm của Australia cũng đặt ra một số thách thức cho Canberra. Điều này thể hiện rõ nhất ở mâu thuẫn ngày càng tăng giữa quan hệ kinh tế quan trọng của Australia với Trung Quốc và sự phụ thuộc sâu sắc của Australia với Mỹ.

Cách tiếp cận với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Australia cũng khá dè dặt. Australia đã từ chối ký kết Bản ghi nhớ (MOU) với Trung Quốc, đồng thời thẳng thừng không đưa ra cam kết tại Diễn đàn Hợp tác BRI. Tuy nhiên, qua thời gian, Australia cũng dần muốn tham gia một số khía cạnh của BRI. Canberra đang cố gắng cài đặt lại quan hệ với Bắc Kinh sau một giai đoạn ngoại giao nguội lạnh. Những cam kết quan trọng với BRI có thể là cách thức để Canberra xoa dịu mối quan hệ này. Dù vậy, cách tiếp cận của Australia với BRI cũng đã phản ánh khoảng cách giữa quyết tâm theo đuổi chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” với tình hình thực tế tại châu Á – Thái Bình Dương.

Xét bối cảnh khu vực cũng như nguồn lực tương đối hạn chế của Australia, thực tế trên không bất ngờ nhưng là lời cảnh báo về những thách thức cố hữu tại khu vực – vốn là nơi các cường quốc đang cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, đồng thời là nơi các lợi ích chiến lược – kinh tế đan xen. Đối với một quốc gia tầm trung với các lợi ích chiến lược – kinh tế phức tạp như Australia, thời đại của “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” được dự báo sẽ rất thách thức.

RELATED ARTICLES

Tin mới