Saturday, May 4, 2024
Trang chủBiển nóngGiới chuyên gia: TQ cần từ bỏ hoạt động quân sự hóa...

Giới chuyên gia: TQ cần từ bỏ hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông

Từ khi Trung Quốc kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19, nước này đã liên tục có các hành động khiêu khích trên Biển Đông, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực.

Trung Quốc liên tiếp thực hiện những hành động trái phép, gây hấn trên khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông từ cuối 3 đến đầu tháng 4, thời điểm cả thế giới đang căng sức chống dịch Covid-19. Dư luận cho rằng, Bắc Kinh đã và đang lợi dụng tình hình này để chiếm lợi thế trên vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền trái phép.

Giáo sư Carlyle A. Thayer, Học viện Quốc phòng Australia cho rằng Trung Quốc – nước để dịch Covid-19 khởi phát đã nhanh chóng chuyển từ nạn nhân của dịch bệnh trở thành quốc gia đi đầu trong kiềm chế dịch. Theo ông Carl Thayer, có thể cho rằng, Trung Quốc đang tận dụng tình hình virus lây lan mạnh ở châu Âu và Mỹ để tăng cường vị trí lãnh đạo của mình như là quốc gia thành công trong kiềm chế dịch Covid-19 lây lan cũng như trên các mặt trận khác. Trong vấn đề Biển Đông, từ trước đến nay Trung Quốc luôn duy trì và không từ những phi pháp hành vi như vậy. Về cơ bản, chính quyền Bắc Kinh không thay đổi chính sách cơ bản là đòi hỏi chủ quyền phi pháp thông qua cái gọi là “yêu sách đường 9 đoạn”. Ngay cả khi không có dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc cũng vẫn sẽ làm như vậy. Nói cách khác, những hành động đó của Trung Quốc phản ánh cách tiếp cận ngang nhiên mà họ vẫn thực hiện bất chấp sự phản ứng từ thế giới lâu nay.

Điểm đáng chú ý là sự việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam diễn ra chỉ khoảng 1 giờ trước khi hai chính phủ Việt Nam và Trung Quốc tiến hành điện đàm về hợp tác chống dịch Covid-19. Theo GS. Carl Thayer, chi tiết và bối cảnh sự việc cho thấy hành động của Trung Quốc là có chủ ý ở mức độ chiến lược. Có thể, Trung Quốc thực hiện hành động này nhằm tiếp tục gây áp lực đối với Việt Nam.

Tiến sỹ Gerhard Will, nguyên chuyên gia của Quỹ Khoa học và chính trị Đức (SWP) cho rằng Trung Quốc cần từ bỏ hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông, thể hiện sự sẵn sàng và khả năng hợp tác trong lĩnh vực an ninh, kinh tế trên nền tảng bình đẳng và tuân thủ luật pháp quốc tế; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC), cho rằng đàm phán COC đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề trên Biển Đông. Theo ông Gerhard Will, một trong những điều kiện để giải quyết tranh chấp hoàn toàn là các bên liên quan phải tin tưởng nhau để đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế có thể đi đến thành công. Bên cạnh đó, ASEAN cần đóng vai trò quan trọng trong đàm phán COC và điều quan trọng là các nước ASEAN phải đoàn kết trong vấn đề này. Khi đạt được sự đồng thuận, các nước ASEAN có thể đàm phán với Trung Quốc, giống như việc các nước ASEAN đã soạn ra Hiệp ước ASEAN để các nước khác có thể ký kết và tham gia. Ngoài ra, ASEAN cần xây dựng một hệ thống chính sách an ninh bền vững, trong đó có sự tham gia của không chỉ những các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, mà cả các nước như Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Tiến sỹ Gerhard Will cũng đánh giá, phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) trong vụ kiện của Phillipines là một văn bản luật quốc tế quan trọng, cho thấy rõ tính bất hợp pháp của cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc.

Carl Schuster, một thuyền trưởng của Hải quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu và cựu Giám đốc Trung tâm Tình báo hỗn hợp Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ nhận định Trung Quốc đang lợi dụng và khai thác những thách thức liên quan đến coronavirus mà Hải quân Hoa Kỳ phải đối mặt để cải thiện vị thế của mình ở Biển Đông và sẽ hoạt động ở đó trong khi Mỹ đang lâm vào thế bế tắc; đồng thời cho biết sự sẵn sàng chiến đấu của Hoa Kỳ đang bị sụt giảm có thể thúc đẩy Trung Quốc khi thực hiện một số cuộc tập trận gia tăng ở Biển Đông, chẳng hạn như những cuộc tập trận đã diễn ra hồi tháng Ba. Ngoài ra, ông Schuster xem vụ chìm tàu ​​đánh cá Việt Nam gần đây là ví dụ minh họa cách Trung Quốc củng cố vị thế của mình trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực.

Chuyên gia Prashanth Parameswaran của tờ The Diplomat nhận định, ngay cả khi Covid-19 đang tác động đến các quốc gia trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vấn đề Biển Đông vẫn là một điều đáng lưu tâm theo dõi. Mặc cho những ảo tưởng về sự “yên bình” đang ngự trị Biển Đông, chúng ta vẫn thấy được những căng thẳng tiếp diễn trong năm vừa qua. Một sự cố ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam đã cho thấy rõ những xung đột hiện hữu đó. Sự vụ có liên quan đến việc tàu cá Việt Nam chìm ngoài khơi Biển Đông, “sự có mặt” của tàu Hải cảnh Trung Quốc, cũng như một loạt các bình luận phản ứng của cả hai bên, cũng như việc Việt Nam trao công hàm phản đối cho đại diện ngoại giao Trung Quốc, trong khi phía Bắc Kinh cho rằng tàu Việt Nam đã tiến vào khu vực lãnh thổ của họ, rằng “đây là hành động bất hợp pháp”, các tàu Việt Nam từ chối rời đi, và tự “va chạm” với tàu Trung Quốc sau khi có những “động thái nguy hiểm”. Mặc cho các chi tiết cụ thể trong vụ việc là gì đi nữa, vụ việc vừa qua đã nói lên nguy cơ căng thẳng tiềm ẩn nhưng liên tục ở Biển Đông, ngay cả trong lúc các nước đang tập trung mọi nguồn lực để đối phó với dịch Covid-19.

Chuyên gia Prashanth Parameswaran cho rằng bất chấp những lời kêu gọi về việc tạm thời đình chỉ xung đột hoặc hạn chế gia tăng căng thẳng để giải quyết đại dịch, trong lĩnh vực hàng hải và các vấn đề như Biển Đông, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự “đình chiến” và những khiêu khích có chủ ý vẫn còn ở mức cao. Thật vậy, các động thái liên quan đến vụ chìm tàu Việt Nam cũng tương tự như các trường hợp trước đây chúng ta đã thấy – bao gồm việc hủy bỏ đối thoại, cố tình ngăn cản, làm gián đoạn hoạt động thăm dò tài nguyên, và quấy rối, đâm chìm tàu cá của ngư dân. Những sự vụ này rõ ràng đang đi ngược lại các cơ chế trước đây mà cả hai bên đã đạt được để quản lý căng thẳng hàng hải, cũng như các tài liệu ở cấp độ cao hơn như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Nhận định về hành động đâm chìm tàu cá Việt Nam của tàu hải cảnh Trung Quốc, tờ Washington Examiner cũng cho rằng vụ việc nêu bật cách Trung Quốc đang khẳng định quyền kiểm soát đối với vùng biển được nhận định là tuyến đường thủy quốc tế quan trọng trong nhiều thập kỷ. Còn Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, trong bài viết trên Washington Examiner, nói với mưu đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc, nước này muốn khẳng định rằng “không ai được phép hoạt động mà không có sự cho phép của Trung Quốc, bằng không sẽ đối mặt với nguy cơ xảy ra bạo lực với lực lượng bảo vệ bờ biển hoặc lực lượng dân binh Trung Quốc”.

Trong khi đó, ông Tom Rogan, nhà bình luận chính sách đối ngoại của tờ Washington Examiner, nhấn mạnh trên thực tế, Trung Quốc chỉ quan tâm đến “ngọn núi” kinh tế toàn cầu nhằm bảo đảm các chuỗi cung ứng toàn cầu giao nhau với Trung Quốc và Bắc Kinh có quyền truy cập vào mạng lưới tài sản trí tuệ và tài nguyên thúc đẩy đổi mới kinh tế. Do đó, Bắc Kinh tích cực trong vấn đề biển Đông và nhiều lần đánh bắt cá khu vực kinh tế độc quyền (EEZ) của các nước khác như Indonesia, Việt Nam. Những lần như thế, các đội tàu đánh cá “dân binh” Trung Quốc không quan tâm đến hệ sinh thái.

Nhìn chung, giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng dịch bệnh COVID-19 và việc các nước đang tập trung giải quyết khủng hoảng y tế trong nước để gia tăng các hoạt động phi pháp trên Biển Đông. Hành động này của Trung Quốc đã đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định trong khu vực; đồng thời kêu gọi các nước cần tăng cường hợp tác, đối phó với mối đe dọa từ Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới