Với vai trò là một tổ chức quốc tế đa phương lớn nhất thế giới nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Liên hợp quốc (LHQ) có thể đóng vai trò quan trọng trong giải quyết những tranh chấp quốc tế như tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Vừa qua, Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ vừa gửi công hàm lên Tổng thư ký LHQ phản đối lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Đây là hành động cần thiết, hoàn toàn phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế hiện nay.
Các nước trong tranh chấp có thể đưa tranh chấp ra Đại hội đồng LHQ để thảo luận. Tuy nhiên, phần lớn các nước trên thế giới đều trung lập về vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa nên Đại hội đồng LHQ khó có thể ra một nghị quyết có lợi cho chủ quyền Việt Nam. Thêm vào đó, Đại hội đồng LHQ không có thẩm quyền để phân xử tranh chấp lãnh thổ, chỉ có cơ quan xét xử của LHQ, tức Toà án Công lý Quốc tế, mới có thẩm quyền này. Vì thảo luận trước Đại hội đồng LHQ không có khả năng giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam và các nước ASEAN nên dùng thảo luận này để tranh thủ sự ủng hộ của thế giới cho những mục tiêu giới hạn hơn nhưng cần thiết cho mình.
Việt Nam và các nước ASEAN nên yêu cầu LHQ thành lập một ủy ban ad hoc về tranh chấp Biển Đông. Trước tiên, Uỷ ban này có thể giám sát tình hình, điều phối các nước liên quan để tiến hành đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp một cách công bằng và báo cáo với LHQ một cách trung lập. Hoạt động của Uỷ ban này có thể được triển khai dưới sự chấp nhận của các nước trong tranh chấp.
Hiện nay, tranh chấp trên Biển Đông rất phức tạp, liên quan đến rất nhiều nước, như tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc, Đài Loan; Tranh chấp chủ quyền toàn bộ hay một phần Trường Sa giữa Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei; Tranh chấp các vùng biển giữa Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia. Toà án Công lý Quốc tế (IJC) là cơ quan duy nhất của LHQ có thẩm quyền phán quyết về tranh chấp lãnh thổ. Điều kiện cần thiết để Tòa có thể giải quyết tranh chấp là tất cả các nước trong tranh chấp đồng ý đưa vụ việc ra Tòa giải quyết. Các nước liên quan tranh chấp chưa cùng đồng ý điều này.
Trung Quốc đã dù vũ lực để chiếm và đang chiếm giữ toàn bộ Hoàng Sa, một phần Trường Sa và dùng sức mạnh cương và nhu để củng cố cái gọi là chủ quyền của họ đối với khu vực tranh chấp này. Nếu để tình trạng này càng kéo dài thì càng bất lợi cho Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam phải thúc đẩy nghiên cứu về việc đưa tranh chấp ra Toà. Ngoài việc phân xử tranh chấp, một quốc gia có thể yêu cầu Toà ra một ý kiến tư vấn mà không cần các nước khác trong tranh chấp đồng ý việc giải quyết này của Tòa. Ý kiến tư vấn của Toà không có tính ràng buộc nhưng là một tiếng nói mạnh mẽ. Việt Nam có thể dùng phương tiện này để góp phần bảo vệ chủ quyền của mình, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà chúng ta có nhiều tin tưởng là Toà sẽ ra ý kiến tư vấn có lợi cho Việt Nam.
Trong tranh chấp trên Biển Đông, “đường lưỡi bò” do Trung Quốc đòi hỏi không liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa. Nó vi phạm trầm trọng các quy định của UNCLOS về phân chia các vùng biển cho các nước. UNCLOS đã quy định nhiều cơ chế để giải quyết tranh chấp liên quan đến việc thực thi Công ước như: thông qua hòa giải, thông qua Tòa án Quốc tế về Luật Biển, Trọng tài, Trọng tài đặc biệt (theo quy định cụ thể của UNCLOS, đặc biệt là phần XV, Phụ lục V, VI, VII, VIII). Vì vậy, song song với việc đưa tranh chấp ra Tòa án Công lý Quốc tế, Việt Nam cũng nên nghiên cứu và xem xét việc đưa tranh chấp phân định vùng biển ra các cơ quan này.
Hiện nay, quan hệ quốc tế đã bước sang kỷ nguyên văn minh, không còn thời mà nước lớn có thể dùng vũ lực để đánh nước nhỏ bất cứ khi nào họ muốn. Luật quốc tế hiện nay đã có nhiều văn bản quy định về việc cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực. Việt Nam cần vận dụng các quy định này để bảo vệ cho mình. Hơn nữa, thông qua các thiết chế của LHQ, Việt Nam cần vận động sự quan tâm của dư luận, ủng hộ của quốc tế về vấn đề Biển Đông. Điều này sẽ tăng thêm áp lực cho Trung Quốc và từ đó giảm đi sự tùy tiện của họ trong hành động. Ngoài ra, các vấn đề gây căng thẳng hay các đụng độ trên Biển Đông (nếu có) cũng cần được công khai để tranh thủ sự tác động của công luận.
Vì ranh giới lưỡi bò của Trung Quốc đòi hỏi 75% Biển Đông, vi phạm UNCLOS nghiêm trọng, nên nếu tìm được một giải pháp buộc các nước liên quan phải tuân thủ UNCLOS thì điều đó sẽ góp phần chống lại việc Trung Quốc thực hiện ranh giới đó. Việc đạt được giải pháp này lại rất khả thi vì UNCLOS là một Công ước của LHQ mà 157 nước đã phê chuẩn hay ký kết, bao gồm tất cả các nước trong tranh chấp trên Biển Đông.
Từ khi Trung Hoa Dân Quốc công bố ranh giới lưỡi bò vào năm 1947 cho tới nay, Trung Hoa Dân Quốc và Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa chưa bao giờ chính thức nói ý nghĩa của ranh giới đó là gì: Nó là ranh giới cho chủ quyền đối với các đảo hay cho cả chủ quyền đối với các vùng nước? Nếu cho cả chủ quyền đối với các vùng nước thì với tư cách gì: nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, biển lịch sử. Tuy Trung Quốc đã có nhiều hành động thực tế bên trong ranh giới lưỡi bò, thí dụ như: khảo sát vùng James Shoal sát bờ biển Malaysia (1983), ký hợp đồng khảo sát vùng Tư Chính của Việt Nam với Crestone (1992), quy định là tất cả các bản đồ của Trung Quốc phải vẽ ranh giới lưỡi bò (2006), cản trở hợp đồng của BP với Việt Nam trong vùng Nam Côn Sơn (2007), cản trở hợp đồng của Exxon Mobil với Việt Nam (2008), nhưng Trung Quốc chưa bao giờ chính thức nói ranh giới đó là gì.
Một số học giả Trung Quốc nói rằng ranh giới “đường lưỡi bò” là ranh giới biển lịch sử của Trung Quốc, Trung Quốc chưa bao giờ chính thức công nhận quan điểm đó. Bên cạnh đó biển lịch sử là một khái niệm không có trong UNCLOS, Công ước mà TQ đã phê chuẩn. Trung Quốc có đề cập tới cái gọi là chủ quyền lịch sử của họ ở Biển Đông hay cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, Trường Sa và những vùng biển lân cận, Trung Quốc chưa bao giờ chính thức nói là phạm vi của những vùng biển đó là ranh giới lưỡi bò.
Chiến lược của Trung Quốc có thể là không chính thức tuyên bố ý nghĩa của ranh giới lưỡi bò để tránh sự phản đối, song song đó họ vẫn thực hiện những tuyên bố và hành động để củng cố cái gọi là chủ quyền của họ bên trong ranh giới này, để rồi sau này họ sẽ diễn dịch rằng việc không có nước nào phản đối ranh giới lưỡi bò có nghĩa là sự công nhận. Vì vậy, Việt Nam và ASEAN cần tạo áp lực để Trung Quốc nói rõ về ranh giới lưỡi bò để tạo điều kiện cho các nước trên thế giới có phản ứng thích hợp. Đưa tranh chấp ra LHQ là cơ hội tốt để gây áp lực cho Trung Quốc làm điều này.