Đầu năm nay, tạp chí Tri thức thế giới của Trung Quốc số 1/2020 đã đăng tải bài viết của tác giả Ngô Sỹ Tồn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc với tiêu đề: “Triển vọng tình hình Biển Đông năm 2020, những biến động khó lường”. Bất cứ ai có kiến thức và am hiểu về tình hình Biển Đông khi đọc kỹ nội dung bài viết trên đều có thể nhận ra, bằng lập luận một cách vô căn cứ, áp đặt ý muốn chủ quan, ông Ngô Sỹ Tồn đã và đang thực hiện cái gọi là “tuyên truyền đen” để xuyên tạc, bôi nhọ những hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Ngô Sỹ Tồn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc
Mở đầu bài viết, ông Ngô Sỹ Tồn cho rằng, năm 2019, vấn đề Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải) vẫn nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia xung quanh vùng biển này vừa là vấn đề thu hút truyền thông quốc tế theo dõi và đưa tin, vừa là vấn đề được bàn thảo đến trong hàng loạt các hội thảo mang tính học thuật cũng như những tham vấn chính trị song phương và đa phương. Dự đoán năm 2020, tình hình Biển Đông mặc dù vẫn có thể tương đối ổn định và nằm trong tầm kiểm soát, tuy nhiên các nhân tố tiêu cực và bất ổn cũng sẽ tăng lên rõ rệt, không thể xem nhẹ những áp lực mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong việc duy trì “chủ quyền” và ổn định trên Biển Đông. Cùng với việc thúc đẩy tiến trình trao đổi xây dựng văn bản Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), quá trình xây dựng các “luật lệ” trong khu vực sẽ bước vào giai đoạn cạnh tranh ảnh hưởng và “quyền” dẫn dắt, những biến động mới có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Sau phần mở đầu như trên, tác giả bài viết đi vào đánh giá tình hình Biển Đông năm 2019, chỉ ra ba cặp mâu thuẫn ảnh hưởng và năm xu thế phát triển chính của tình hình Biển Đông trong tương lai. Nhưng xuyên suốt nội dung và tư tưởng của bài viết, ông Ngô Sỹ Tồn luôn “đổ lỗi” cho các nước liên quan và bên ngoài là “thủ phạm” gây phức tạp tình hình Biển Đông và Trung Quốc, trong bất cứ tình huống nào đều là bên “bị hại”. Làm cứ như 80% diện tích Biển Đông Trung Quốc “nhận xằng” là đương nhiên của họ và đang bị các nước gây “phiền phức”.
Do đứng trên quan điểm nhất quán và xuyên suốt là tuân thủ và “bênh vực” lập trường, chính sách Biển Đông phi lý, vô căn cứ của Trung Quốc qua yêu sách “đường chín khúc”; luôn coi Mỹ và các nước phương Tây là thế lực bên ngoài cản trở cái gọi là “nỗ lực duy trì hoà bình và ổn định trên Biển Đông” của Bắc Kinh nhằm tập hợp lực lượng để kiềm chế Trung Quốc, nên tác giả bài viết, ông Ngô Sỹ Tồn, đã tập trung vào phê phán, chỉ trích hành động của Mỹ trên Biển Đông trong thời gian qua, bao gồm hoạt động tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông, xây dựng các dự luật mới nhằm vào Trung Quốc; lên án Mỹ tăng cường hợp tác quân sự với các nước đồng minh và đối tác, đồng thời gia tăng nâng cao năng lực quân sự cho các nước trong khu vực. Ngoài Mỹ, tác giả cũng chỉ trích các nước phương Tây khác đang “can dự” vào Biển Đông theo hướng “nghiêng về một bên”. Từ đó, ông ta cho rằng, trong thời gian tới, tình hình Biển Đông sẽ đi theo xu hướng phức tạp, rối ren, nhiều biến động khó lường trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, quân sự, đến thực địa, pháp lý.
Không quá khó hiểu khi bài viết của ông Ngô Sĩ Tồn “sặc mùi” đả kích và chỉ trích Mỹ, đồng thời đề cao những “thành tựu” mà Trung Quốc đạt được với một số bên yêu sách trên Biển Đông như Philippines, Malaysia trong năm 2019 vừa qua. Trong khi vị chuyên gia “đầu ngành” về nghiên cứu biển của Trung Quốc này lại cố tình “lờ” đi một thực tế là: Không chỉ năm 2019 mà các năm trước đó cũng vậy, Biển Đông “dậy sóng” hay “bão tố” đều do Bắc Kinh gây ra là chủ yếu chứ không phải là từ bên ngoài. Đó là bởi vì ông Ngô Sỹ Tồn được biết đến là học giả vào hàng có tiếng tăm trong giới nghiên cứu Biển Đông ở Trung Quốc, nhưng cũng là người khá bảo thủ và “cúc cung” phục vụ tận tụy cho quan điểm của giới lãnh đạo Trung Quốc, bất kể đúng sai. Do đó, ông được coi là “cây bút” và tiếng nói “chủ trò” của giới học giả Trung Quốc trong “cuộc chiến” bảo vệ lập trường, quan điểm đòi hỏi yêu sách “chủ quyền” phi lý ở Biển Đông của Bắc Kinh, đồng thời là “cái loa” tuyên truyền khá đắc lực ở cả trong nước và trên trường quốc tế của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Một trong những đối tượng mà Trung Quốc rất “cay cú” và cũng rất “chờn” là Mỹ và các hoạt động FONOP của nước này trên Biển Đông. Nên không chỉ trong bài viết này mà trong nhiều tài liệu khác, Bắc Kinh luôn tập trung vào tuyên truyền, xuyên tạc và chỉ trích sự “can dự” của Mỹ vào vấn đề Biển Đông, “đổ lỗi” cho Mỹ là nguyên nhân khiến cho an ninh khu vực trở nên bất ổn và rối ren. Trung Quốc luôn “bất bình” rằng, Mỹ muốn tận dụng “điểm nóng” Biển Đông để kiềm chế sự “trỗi dậy” nhanh chóng của họ. Chính vì vậy mà ở nhiều chỗ trong bài phân tích của mình, ông Ngô khẳng định “chính sách và thủ đoạn của Mỹ ở Biển Đông là nhằm kiềm chế Trung Quốc” để từ đó đưa ra “cáo buộc” mang đầy tính chủ quan rằng, “sự hiện diện quân sự với tần suất cao, thường xuyên, mang tính hệ thống và có sự kết nối giữa các nước trong và ngoài khu vực ở Biển Đông đã khiến tình hình an ninh hàng hải trở nên khó lường hơn trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị giữa nước lớn ở Biển Đông đang ngày càng trở nên gay gắt”.
Có một điều rất dễ nhận thấy rằng, trong khi ông Ngô Sỹ Tồn liên tục chỉ trích Mỹ là “kẻ gây rối” ở Biển Đông, lên án Mỹ trong năm qua đã “7 lần triển khai các hoạt động FONOP nhằm vào Trung Quốc tại Biển Đông”. Nhưng thực tế lại chỉ ra, chính Trung Quốc mới là bên chủ đạo tiến hành các hoạt động trên thực địa, gây căng thẳng trên khắp Biển Đông trong suốt một năm qua. Đó là, một mặt, họ chủ động tiến hành các hành vi “gây hấn” trên biển với tần suất thường xuyên hơn và tính chất nghiêm trọng hơn, nổi bật như vụ cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia ở cụm bãi cạn Luconiatrung tuần tháng 5/2019; vụ cử số lượng lớn các tàu “bán quân sự” đến bao vây đảo Thị Tứ của Philippines, đâm chìm tàu cá của ngư dân nước này đang đánh cá ở đó rồi bỏ chạy hồi tháng 6/2019; vụ đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ tháng 7 đến tháng 10/2019. Ngoài ra, Trung Quốc cũng gia tăng tần suất các cuộc tập trận quân sự. Nếu như theo ông Ngô Sĩ Tồn “cáo buộc”, trong năm 2019, Mỹ đã tiến hành 7 đợt FONOP trên Biển Đông thì chỉ tính riêng trong nửa cuối năm 2019, theo thống kê, Trung Quốc đã tiến hành đến 25 cuộc tập trận quân sự trên Biển Đông, trong đó lần đầu tiên họ tập trận với quy mô lớn tại khu vực quần đảo Trường Sa từ 29/6 đến 03/7/2019. Mặt khác, Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến hành “quân sự hoá” các đảo, đá mà họ “cưỡng chiếm” và bồi đắp trái phép; ráo riết hoàn thiện các công trình phục vụ quân sự như lắp đặt hệ thống phá sóng máy bay, tăng cường sử dụng vũ khí lazer gây nhiễu, phóng thử tên lửa đạn đạo chống hạm và đi vào sử dụng nhiều thiết bị công cụ mới nhằm tăng cường năng lực “kiểm soát” Biển Đông.
Tính chất “tuyên truyền đen” trong bài viết của ông Ngô Sỹ Tồn còn thể hiện rất rõ qua việc ông nhiều lần bóp méo, xuyên tạc và vu cáo các quốc gia có yêu sách chủ quyền hợp pháp ở Biển Đông là “đang dựa vào Mỹ để chống lại Trung Quốc” trong đó có cả Việt Nam. Ông Ngô đã không cảm thấy “ngượng mồm” khi vô lý chỉ trích Việt Nam “đơn phương tiến hành các hoạt động ở Biển Đông”, cố ý như không hiểu rằng theo Luật biển quốc tế, Việt Nam có một phần chủ quyền hợp pháp ở Biển Đông nên “hoạt động đơn phương” đó là chuyện bình thường như các quốc gia có chủ quyền khác. Ông lại còn cáo buộc Việt Nam “lôi kéo các nước bên ngoài như EU, Anh, Pháp… can dự vào Biển Đông theo hướng nghiêng về phía Việt Nam”; đồng thời ngang nhiên đặt điều, “Mỹ đã tận dụng Việt Nam để cản trở tiến trình đàm phán COC”…
Xét ở khía cạnh này, đầu tiên phải khẳng định là, mục tiêu xuyên suốt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam là bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá trong quan hệ đối ngoại. Do đó, việc Việt Nam mở rộng quan hệ với các đối tác trong và ngoài khu vực trên cơ sở lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc là thực hiện theo đúng mục tiêu đối ngoại xuyên suốt trên của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ trước đến nay đều chứng thực một chân lý rằng, không bao giờ người Việt Nam “dựa dẫm” vào bất cứ ai để “mưu lợi” cho mình. Với truyền thống bất khuất, quật cường, người Việt Nam chỉ biết “đem sức ta mà giải phóng cho ta” và luôn luôn giành thắng lợi.
Việc học giả Trung Quốc cố tình và ra sức lợi dụng vấn đề quan hệ đối ngoại của Việt Nam để vu cáo, xuyên tạc đường lối và chính sách nhất quán, xuyên suốt của Việt Nam chẳng qua là bởi trên bàn cờ tranh chấp Biển Đông gần đây, Trung Quốc thông qua con bài kinh tế đã bước đầu lôi kéo, mua chuộc được Philippines và tiếp sau đó là Malaysia đồng ý ký thỏa thuận “khai thác chung” ở Biển Đông với họ. Nhưng với Việt Nam, Bắc Kinh đã tốn bao công sức từ “dụ dỗ” và “lèo lái” đến “dọa nạt” và gây sức ép mà vẫn chưa đạt được ý đồ. Không những thế, trước những cách thức Trung Quốc hành xử ngang ngược, phi lý và phi pháp xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông với tần suất thường xuyên hơn, mức độ cứng rắn hơn và tính chất nguy hiểm hơn, thì Việt Nam lại càng tỏ ra “cứng đầu” hơn, càng quyết tâm huy động và sử dụng mọi công cụ, biện pháp để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông của mình. Dã tâm “độc quyền” kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc luôn luôn vấp phải sự đấu tranh kiên cường, không khoan nhượng của Việt Nam. Điều này đã khiến Bắc Kinh phải giở đến “con bài” là dùng kênh học giả để vừa tuyên truyền định hướng, vừa “đánh động” mang tính răn đe, kiềm chế ý chí, hành động của Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm những vị trí quan trọng như Chủ tịch luân phiên của ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc “lo lắng” Việt Nam sẽ càng được nhiều bạn bè trên thế giới ủng hộ lập trường chính nghĩa và lợi ích chính đáng trong vấn đề Biển Đông, nên họ phải huy động nhiều “chiêu thức”, thông qua nhiều kênh khác nhau với các biện pháp đa dạng và linh hoạt hơn để phần nào tác động đến quyết sách và hành động của Việt Nam trong thời gian tới.
Như đã nói ở trên, ông Ngô Sỹ Tồn được biết đến là học giả “không tồi” ở Trung Quốc, tức là có học thức, có hiểu biết và như vậy ông nói cái gì cũng phải chuẩn xác và có căn cứ khoa học. Song nếu không nhầm thì vào năm 2012, khi bị các phóng viên và giới học giả quốc tế chất vấn về tọa độ chính xác của “đường chín khúc” mà Trung Quốc tự nhận trên Biển Đông, ông đã trả lời rằng, một năm nữa sẽ có bằng chứng cụ thể về tọa độ của “đường chín khúc”. Thế nhưng, không hiểu do ông “quên” hay sao mà đến nay đã tám năm rồi mà không thấy cả chính phủ của ông lẫn cá nhân ông công bố. Lẽ nào ông lại “nói bừa”, nói cho “sướng mồm” vậy? Và cũng nghe nói, chính ông là người đã đề nghị Chính phủ Trung Quốc bỏ tiền ra “thuê” một số học giả nước ngoài, trong đó có ông Mark Valencia, một học giả của Mỹ để ông này nghiên cứu, viết bài ủng hộ lập trường của Trung Quốc về “đường chín khúc” phi pháp trên Biển Đông.
Nhẽ ra, nếu là một nhà khoa học, một học giả chân chính thì khi nói về những diễn biến phức tạp của tình hình ở Biển Đông trong năm 2019 cũng như các năm trước, ông phải dựa trên tình hình thực tế, dựa trên những chứng cứ khoa học, những cơ sở pháp lý đúng đắn và khách quan, trong đó không thể bỏ qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) để phân tích, đánh giá và nhìn nhận, chứ không thể một mực đổ lỗi tất cả cho bên ngoài, cho các nước khác, trong khi ra sức “bênh vực” Trung Quốc là nước vô can. Ông không hiểu hay cố tình không hiểu một thực tế: Khi Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở bãi Tư Chính, các nước lớn bên ngoài khu vực như Mỹ, Anh, Pháp, EU, Australia… đều lên tiếng phản đối Trung Quốc và ủng hộ lập trường của Việt Nam. Việt Nam lấy đâu ra “lắm tiền, nhiều của” như Trung Quốc mà “mua chuộc” các nước ấy để họ ủng hộ thế? Vì thế, e rằng tuy mang danh là học giả, nhưng có lẽ ông nên một lần nữa cắp sách đi “học thật” đi. Cuối cùng, xin nói với ông Ngô Sỹ Tồn rằng, việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là mối quan tâm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Việt Nam hoan nghênh nỗ lực và đóng góp của tất cả các nước, các bên trong và ngoài khu vực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Việt Nam cũng hoan nghênh và đánh giá cao việc cộng đồng quốc tế có những đóng góp xây dựng nhằm bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải và duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; ủng hộ các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả DOC, khuyến khích các bên xây dựng một COC thực chất và hiệu quả.
Hiện nay, mặc dù giữa Việt Nam và Trung Quốc còn có nhận thức và lập trường khác biệt về vấn đề Biển Đông, nhưng nếu hai bên tiếp tục duy trì hòa bình và hợp tác vì lợi ích chungthì sẽ tạo nền tảng và cơ sở để hai bên thu hẹp bất đồng, từng bước giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, không để xảy ra xung đột. Việt Nam tin tưởng Trung Quốc luôn ý thức đúng đắn về vai trò nước lớn của mình ở khu vực, lại đang khởi xướng ý tưởng xây dựng “cộng đồng chung vận mệnh”, nên sẽ ủng hộ, cùng Việt Nam và các nước biến điều đó thành hiện thực. Làm được như vậy, Việt Nam và Trung Quốc sẽ đóng góp một “mô hình” tốt để giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình với tinh thần đối tác vì trách nhiệm cộng đồng.
Chủ quyền quốc gia là vấn đề hết sức thiêng liêng và có ý nghĩa đặc biệt đối với mọi người dân Việt Nam yêu nước trong bất cứ hoàn cảnh, thời đại nào. Do đó, Việt Nam đã, đang và sẽ kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước nếu nó bị đe dọa, xâm phạm.