Tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh tại châu Âu và Mỹ, song đang được kiểm soát và ngăn chặn tốt ở khu vực châu Á. Một số nước trong khu vực đã triển khai các biện pháp đóng cửa biên giới, cách ly người bệnh và người nghi nhiễm, ắp đặt lệnh giới nghiêm… để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Tính đến 6h sáng ngày 13/4, giờ Việt Nam, theo trang worldometers.info, trên thế giới có hơn 1,8 triệu ca nhiễm, hơn 114.000 người chết vì bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Có nhiều ca bệnh nhất thế giới là Mỹ. Sau đó lần lượt là các nước Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức, Anh, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Bỉ.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc, nước này ghi nhận thêm 25 ca nhiễm và 3 ca tử vong mới, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong ở nước này lên lần lượt 10.537 trường hợp và 217 trường hợp. Theo hãng thông tấn Yonhap, đây là lần thứ hai kể từ cuối tháng 2, Hàn Quốc có dưới 30 ca nhiễm virus mới. Tuy nhiên nhà chức trách vẫn cảnh giác cao với những ổ dịch ở nhà thờ và bệnh viện cũng như các ca bệnh đến từ nước ngoài. Trong khi đó, Trung Quốc đại lục có thêm 108 ca nhiễm virus corona mới và thêm 2 ca tử vong, trong khi ngày trước đó chỉ có 99 ca nhiễm và không có trường hợp tử vong nào. Riêng tỉnh Hồ Bắc tiếp tục không có ca nhiễm mới. Ngoài ra, trong ngày 12/4, Trung Quốc ghi nhận 61 ca dương tính nhưng không có triệu chứng. Trung Quốc là nước xuất hiện các ca bệnh COVID-19 đầu tiên trên thế giới nhưng hiện đã kiểm soát thành công dịch bệnh. Tổng số ca nhiễm bệnh của nước này là 82.160 và 3341 ca tử vong.
Trong nhiều tháng qua, Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc) luôn được thế giới khen ngợi vì kiểm soát tốt dịch COVID-19. Tại các khu vực này, số người tử vong thấp, thiệt hại kinh tế do các biện pháp đóng cửa và cách ly không quá lớn, công nghệ theo dõi tiếp xúc trình độ cao, sớm đóng cửa biên giới và áp đặt quy định đeo khẩu trang. Tất cả những biện pháp trên giờ đã trở thành tiêu chuẩn chung cho cả thế giới trong phòng chống COVID-19.
Tại Hong Kong, vùng lãnh thổ này đã áp dụng chiến lược “nén và xả”. Có nghĩa là chính quyền sẽ thực thi các biện pháp mạnh tay hơn khi tình trạng lây nhiễm COVID-19 ở mức cao và sẽ nới lỏng kiểm soát khi tỷ lệ lây nhiễm giảm xuống đến ngưỡng chấp nhận được. Các trường học, trung tâm thể hình, quán bar và nhiều địa điểm giải trí bị đóng cửa một phần.
Tại Đài Loan, Chính quyền Đài Loan đã áp dụng các biện pháp kiểm soát bệnh dịch từ rất sớm và quyết liệt, trong đó nổi bật là quyết định đóng cửa biên giới. Nhờ đó, Đài Loan đã tránh được kịch bản lây lan diện rộng từ Trung Quốc và giữ số ca nhiễm bệnh tại hòn đảo này ở mức dưới 400. Bên cạnh đó, Đài Loan đã mở rộng chiến dịch xét nghiệm quy mô và giãn cách xã hội, chuẩn bị hàng nghìn giường bệnh, và chỉ xem xét mở cửa biên giới khi dịch bệnh tại Mỹ và châu Âu được kiểm soát, có thể phải tới tháng 8 hoặc tháng 9. Giới chức Đài Loan cho biết họ sẽ phải duy trì các biện pháp phòng dịch thêm nhiều tháng nữa. Đài Loan phải theo đuổi cách tiếp cận cân bằng giữa ngăn ngừa dịch với bảo vệ cuộc sống của người dân.
Tại Hàn Quốc, nước này theo đuổi cách tiếp cận phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế phục thuộc vào ngoại thương khi đối diện khủng hoảng y tế: Chính quyền sẽ tìm cách duy trì mạch sống của nền kinh tế bị tác động tiêu cực nhưng không làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong nội địa. Với các biện pháp kiểm soát hiệu quả, nhất là xét nghiệm trên diện rộng, tỉ lệ các ca nhiễm mới tại Hàn Quốc trong tháng 3 chỉ dao động từ 30-100 ca/ngày, giảm nhiều so với mức 900 trường hợp dương tính tại thời điểm dịch bùng phát cao điểm. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đưa ra biện pháp ngừng miễn visa cho các nước áp dụng lệnh cấm đi lại với người Hàn Quốc và hạn chế đi lại không cần thiết với người nước ngoài, ở chiều ngược lại, quan chức ngoại thương và ngoại giao Hàn Quốc lại tìm cách thu hút sự ủng hộ quốc tế về miễn trừ với giới doanh nhân.
Tại Trung Quốc, ngay từ khi phát hiện dịch bệnh, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp cứng rắn nhằm khoanh vùng, cách ly dịch bệnh. Những biện pháp này bao gồm cô lập hoặc cách li những người có triệu chứng nhẹ nhằm cắt đứt sớm khả năng virus lây lan, các cách điều trị kết hợp cho bệnh nhân đã dương tính với virus và kiểm tra thân nhiệt diện rộng đối với người dân tại các địa điểm công cộng; xây dựng hàng loạt bệnh viện dã chiến chuyên điều trị người nhiễm bệnh; triển khai các biện pháp cứng rắn phong tỏa toàn bộ các địa phương nhiễm dịch nặng; dừng hệ thống giao thông công cộng, đóng cửa biện giới, hạn chế di chuyển ở các vùng ít chịu ảnh hưởng…
Tại Campuchia, sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia Trung Quốc, việc cấp visa cho du khách quốc tế đã nhanh chóng bị tạm dừng. Campuchia cũng đang cân nhắc khả năng cải tạo các khách sạn và trường học thành nơi cách li cho người hồi hương nếu cần thiết.
Tại Việt Nam, tập trung phòng, chống dịch bệnh theo nguyên tắc: Ngăn chặn, hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm, nhất là từ nước ngoài; phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh; điều tra dịch tễ, phân loại, sàng lọc, cách ly chặt chẽ; khoanh vùng, dập dịch; điều trị kịp thời, hiệu quả. Tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, thực hiện theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương, khai báo y tế tự nguyện, thông báo kịp thời với cơ sở y tế về tình hình sức khoẻ nếu có yếu tố, biểu hiện nghi nhiễm bệnh COVID-19. Hoàn thiện các phương án, kịch bản chống dịch bệnh ở các quy mô khác nhau; bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư và nhân lực để phòng, chống dịch trong tình huống dịch bùng phát mạnh. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch. Có chính sách động viên, hỗ trợ kịp thời những người tham gia phòng, chống dịch. Các địa phương có dịch phải ưu tiên mọi điều kiện, nguồn lực để chống dịch, dập dịch. Tuyên truyền, thông tin kịp thời, minh bạch tới người dân về tình hình dịch bệnh, xử lý nghiêm những người đưa thông tin sai sự thật, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch bệnh. Động viên nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, trách nhiệm xã hội, cùng tham gia phòng, chống dịch, ủng hộ các lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kịp thời chia sẻ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, những người lao động phải tạm ngừng việc, những người trong vùng dịch; phối hợp với các nước hỗ trợ kịp thời người Việt Nam ở nước ngoài. Thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại, ngoại giao, đặc biệt là các hoạt động ngoại giao của ASEAN.Thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác phòng, chống dịch bệnh; thông tin kịp thời, thường xuyên để các nước hiểu được chủ trương, chính sách của Việt Nam trong quá trình phòng, chống dịch bệnh.