Sunday, January 5, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChuyên gia: Sự ‘che đậy có chủ ý’ và viện trợ ‘tặng...

Chuyên gia: Sự ‘che đậy có chủ ý’ và viện trợ ‘tặng than trong tuyết’ của TQ

Washington cần phải đánh giá lại mối quan hệ với Bắc Kinh vì chính quyền này đã để cho một mầm bệnh chết người lan rộng khắp thế giới, khiến các nền kinh tế trên toàn cầu bị đình trệ, chuyên gia về Trung Quốc, ông Gordon Chang cho biết.

“Đây là lúc tôi nghĩ rằng người Mỹ cần phải nhận thức sự độc hại của chính quyền Trung Quốc đối với Hoa Kỳ và bản chất cơ bản của cuộc tấn công của nó [đối với thế giới tự do]”, ông nói.

Sự che đậy có chủ ý

Vào giữa tháng 12, đã xuất hiện những bằng chứng cho thấy virus có thể lây lan ở người. Các bác sĩ ở Vũ Hán, trong đó có bác sĩ Lý Văn Lượng đã lên tiếng cảnh báo các đồng nghiệp của họ về một dạng viêm phổi mới lây lan giữa các bệnh nhân.

 Chính quyền Trung Quốc đã bịt miệng những bác sĩ này và tuyên bố rằng virus có thể “kiểm soát được”. Vào ngày 14/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dẫn lời các quan chức Trung Quốc, tuyên bố rằng không có bằng chứng rõ ràng về việc virus lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên, sáu ngày sau tuyên bố của WHO, Hoa Kỳ đã có bệnh nhân đầu tiên nhiễm chủng virus lạ, cùng ngày một nhà nghiên cứu phổi nổi tiếng của Trung Quốc thừa nhận rằng virus có thể lây lan từ người sang người.

Ba ngày tiếp theo, chính quyền Vũ Hán đã phong tỏa toàn thành phố. Nhưng trước đó, đã có khoảng 5 triệu người rời khỏi Vũ Hán đến các vùng khác của Trung Quốc hoặc ra nước ngoài.

Đến tháng 2, chính quyền Trung Quốc thậm chí còn chỉ trích các quốc gia áp đặt lệnh cấm du lịch đối với du khách đến từ Trung Quốc.

“Trung Quốc đã biết rõ rằng virus này sẽ lây lan. Nhưng họ đã cố gắng ru ngủ các chính phủ không hành động”, ông Chang nói.

“Thủ phạm ở đây là có thật. Các vị có thể nói họ thật liều lĩnh, các vị có thể nói họ có chủ ý. Họ [chính quyền Trung Quốc] có thể cảnh báo thế giới về đại dịch, nhưng họ đã không làm điều đó. Thực tế là họ đã cố gắng dập tắt [các phản ứng sớm của] thế giới”, ông Chang nói.

 Tô vẽ hình ảnh toàn cầu

Sau khi sự che đậy thông tin của Bắc Kinh khiến cho dịch bệnh hoành hành trên toàn thế giới, chính quyền Trung Quốc còn nhìn thấy một cơ hội để đảo ngược hình ảnh của họ.

Trên Twitter, hơn 100 nhà ngoại giao Trung Quốc, với nhiều người trong số họ đã mở tài khoản trong những tháng gần đây, đã quảng cáo Trung Quốc như một vị cứu tinh của thế giới và tuyên bố rằng virus có nguồn gốc đến từ các quốc gia khác, như Hoa Kỳ.

Cụ thể, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã viết trên Twitter rằng, Quân đội Hoa Kỳ đã đưa virus đến Vũ Hán. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sau đó đã phải triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Mỹ và tổ chức một cuộc điện đàm với một nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc để phản đối về nội dung tweet này.

“Chúng tôi chưa từng nghe Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra lời xin lỗi Hoa Kỳ về dòng tweet sai, nguy hiểm, khiêu khích đó”, ông Chang nói.

Trong một nỗ lực để biến mình thành một ‘nhà lãnh đạo toàn cầu’ trong việc chống lại sự bùng phát, chính quyền Trung Quốc đã gửi các chuyên gia y tế và vật tư y tế cho các quốc gia bị nhiễm virus.

 Ví dụ, một bài báo ngày 26/3 trên Tân Hoa Xã đã mô tả viện trợ của Trung Quốc cho các nước khác là “ấm áp”, là “tặng than trong tuyết” và “viện trợ của Trung Quốc qua hàng ngàn dặm đã nhận được sự chú ý của thế giới”.

Theo ông Chang, những nỗ lực tuyên truyền của Bắc Kinh đã “cố gắng viết lại không chỉ lịch sử, mà có thể nói, nó đang cố gắng viết lại cả hiện tại”. Nhưng những nỗ lực quảng bá như vậy không phải đều thành công. Rất nhiều quốc gia như Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Anh… đã phải thu hồi trang thiết bị y tế mua của Trung Quốc sau khi phát hiện chúng bị lỗi hoặc không đạt tiêu chuẩn.

Những tham vọng của chính quyền Trung Quốc

Chính quyền Hoa Kỳ gần đây đã tăng cường kiểm tra các dự án do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn. Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, kế hoạch đầy tham vọng để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp châu Âu, châu Phi, Trung Á và Đông Nam Á, đã bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ trích là bẫy nợ các nước đang phát triển. Các chuyên gia và quan chức cũng đã “tuýt còi” công nghệ 5G của Trung Quốc, phát triển bởi các công ty có quan hệ mật thiết với Bắc Kinh, là những rủi ro an ninh quốc gia.

Theo ông Chang, đối với các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ, đây nên là thời điểm để nhận ra những mối đe dọa dài hạn như vậy từ chính quyền Trung Quốc và cắt đứt những mối quan hệ, hợp tác kinh tế với nó.

“Tôi nghĩ chúng ta sẽ đi đến nhận thức rằng không thể chung sống hòa bình trên cơ sở lâu dài với Trung Quốc”, ông nói. “Hoặc là Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, hoặc là Hoa Kỳ. Không thể là cả hai”.

RELATED ARTICLES

Tin mới