Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) cho biết, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước có số lượng đăng ký cấp bằng phát minh, sáng chế công nghệ nhiều nhất thế giới. Đây là một trong những tín hiệu cho thấy Chương trình “Made in China – 2025” đang đạt hiệu quả.
Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (PCT), nền tảng của hệ thống bằng sáng chế hiện tại, được ký kết vào những năm 70 của thế kỷ trước. Hệ thống này thiết lập quy trình nộp bằng sáng chế duy nhất để bảo vệ các phát minh ở mỗi quốc gia tham gia thỏa thuận. Ngay từ thời kỳ đầu khi hệ thống này mới tồn tại, Hoa Kỳ đã là nhà lãnh đạo không thể tranh cãi về số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế. Người ta tin rằng bầu không khí của chủ nghĩa tư bản tự do là động lực khích lệ tinh thần sáng tạo và đổi mới, và đó là lý do tại sao Hoa Kỳ thu hút những bộ óc tốt nhất từ khắp nơi trên thế giới làm việc trong môi trường thuận lợi nhất, để rồi cuối cùng xây dựng tiềm năng khoa học và công nghệ của Mỹ. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có những thay đổi lớn trong vị trí xếp hạng giữa các quốc gia.
WIPO (7/4) cho biết, Trung Quốc đã nộp 58.990 hồ sơ xin cấp bằng sáng chế vào năm ngoái, vượt qua 57.840 hồ sơ của Mỹ trong cùng năm. Kể từ khi hệ thống Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (PCT) có hiệu lực vào năm 1978, Mỹ luôn là nước có số lượng hồ sơ xin cấp bằng sáng chế cao nhất thế giới, nhưng chỉ sau 20 năm số hồ sơ của Trung Quốc đã tăng gấp 200 lần và đây là lần đầu tiên sau 40 năm Trung Quốc đẩy Mỹ ra khỏi vị trí số một về lượng hồ sơ xin cấp bằng sáng chế.
Theo số liệu thống kê của WIPO, hiện hơn một nửa số hồ sơ xin cấp bằng sáng chế, khoảng 52,4%, là từ châu Á. Sau Trung Quốc và Mỹ, Nhật Bản đang xếp vị trí thứ ba, tiếp đó là Đức và Hàn Quốc. Quyền sở hữu bằng sáng chế được đánh giá như một trong những dấu hiệu quan trọng cho sức mạnh kinh tế và kiến thức thực tiễn công nghiệp của một quốc gia. Trong đó, Huawei Technologies là hãng công nghệ dẫn đầu về số hồ sơ xin cấp bằng sáng chế trong ba năm liên tiếp, đặc biệt là số hồ sơ hãng này nộp ở văn phòng châu Âu. Năm ngoái, chính quyền Mỹ đã đưa Huawei và 68 chi nhánh của công ty ở bên ngoài Mỹ vào danh sách đen thương mại, cáo buộc hãng viễn thông Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ, điều mà Huawei liên tục phủ nhận. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã không ít lần kêu gọi các nước đồng minh không nên cho phép Huawei tham gia mạng di động 5G, cho rằng thiết bị của hãng này có khả năng được Trung Quốc dùng để làm công cụ gián điệp.
WIPO nhận định, các công ty, doanh nghiệp và nhà khoa học Trung Quốc vượt Mỹ về đăng ký sở hữu quyền phát minh và sáng chế là do nhận được sự hậu thuẫn lớn từ Chính quyền Trung Quốc. Đặc biệt, trợ cấp của chính phủ đã hỗ trợ rất nhiều cho các công ty này tại một giai đoạn phát triển nhất định. Trong những thập kỷ qua, Trung Quốc đã có một bước tiến lớn về khoa học và công nghệ nhờ các chính sách tập trung của chính phủ nhằm đưa đất nước đi lên trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi đó, Hoa Kỳ chỉ hỗ trợ phát triển đổi mới ở mức trung bình. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc đang vượt lên phía trước.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia nhận định, giáo dục khoa học và công nghệ ở Trung Quốc đang dần bắt kịp với trình độ của các nước phát triển. Trung Quốc là nước đông dân, tương ứng là số lượng các nhà khoa học và viện nghiên cứu cũng rất nhiều. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi số lượng bằng sáng chế đang tăng nhanh. Đồng thời, Hoa Kỳ hỗ trợ tốc độ phát triển cỡ trung bình trong vấn đề này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, tổng số bằng sáng chế là chỉ số rất quan trọng về tiềm năng khoa học và công nghệ của đất nước. Nhưng đây không phải là chỉ số duy nhất. Trước hết, ngoài số lượng, còn có những đánh giá định tính về bằng sáng chế, bao gồm giá trị khoa học và công nghệ của bằng sáng chế, vì điều này quyết định vai trò của một bằng sáng chế cụ thể trong sự phát triển của khoa học và công nghệ. Thứ hai, mức độ độc đáo của các công trình khoa học, số lượng dự án đột phá. Tất cả điều này cũng là một chỉ số về mức độ phát triển của tiềm năng khoa học và kỹ thuật.
Hiện nay, để ngăn chặn sự Trung Quốc sao chép, học hỏi kinh nghiệm, Mỹ đang cố gắng hạn chế xuất khẩu công nghệ của mình sang Trung Quốc. Huawei và một số công ty công nghệ khác đã bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen, khiến họ gặp khó khăn hơn trong việc mua công nghệ, linh kiện và phần mềm từ các nhà cung cấp ở Mỹ. Mới đây, Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng quyết định đưa ra các quy tắc xuất khẩu mới đối với các công nghệ của Mỹ. Nếu chúng được giới thiệu, ngay cả các nhà sản xuất chip nước ngoài, như TSMC, sẽ không thể cung cấp sản phẩm của họ cho Trung Quốc, vì trong thiết bị mà TSMC đang sử dụng cũng có ứng dụng công nghệ của Mỹ.