Tuesday, November 19, 2024
Trang chủĐàm luậnCảnh giác trước âm mưu và hành động của TQ ở Biển...

Cảnh giác trước âm mưu và hành động của TQ ở Biển Đông

Hiện nay, dịch bệnh trên thế giới vẫn đang ở trong tình trạng căng thẳng. Số lượng người nhiễm virus Sars Cov 2 và chết bởi dịch COVID 19 vẫn tăng lên từng ngày. Các nước châu Âu và Hoa Kỳ đang căng mình để chống dịch. Nhân cơ hội đó, đang xuất hiện khoảng trống quyền lực, nên Trung Quốc đang tận dụng thời cơ để tăng cường ảnh hưởng nhằm phát huy các lợi thế của mình, trong đó có biển Đông.

Gần đây, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động trên biển Đông. Các hoạt động tập trận, dùng tàu sân bay giễu võ giương oai, đe doạ Đài Loan, và mới đây là đâm chìm tàu cá Việt Nam là bằng chứng cho các hoạt động đó.

Việt Nam đã kiên quyết phản đối hành động sai trái này. Đồng thời, ngày 30/3/2020, Việt Nam cũng đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản bác các lập luận và luận điểm sai trái của Trung Quốc trong các bản công hàm của họ ngày 12/12/2009 và ngày 23/3/2020.

Rất có thể, vì công hàm ngày 30/3/2020 của Việt Nam, cùng với việc quan hệ Việt – Mỹ ngày càng phát triển, mà Trung Quốc đã “hăm doạ” và “trả thù” bằng cách cho đâm chìm tàu cá, mặc dù trước đó, các tàu cá Việt Nam không bị ngăn cản khi vào sâu sát đất liền của Trung Quốc để bán hải sản.

Bộ Ngoại giao Philippines, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, các Nghị sĩ Hoa Kỳ đã ra tuyên bố ủng hộ Việt Nam và lên án Trung Quốc trong sự kiện đâm chìm tàu cá vừa rồi.

Hình minh hoạ. Các container hàng đợi ở cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn hôm 20/2/2020 để xuất hàng vào Trung Quốc
Hình minh hoạ. Các container hàng đợi ở cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn hôm 20/2/2020 để xuất hàng vào Trung Quốc Reuters

Trung Quốc rất bực sau sự kiện vừa rồi, đặc biệt sau khi các giới chức Hoa Kỳ lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Dự kiến thời gian sắp tới, Trung Quốc sẽ tìm cách gây sức ép với Việt Nam trên 5 lĩnh vực sau :

  1. Về kinh tế. Tương tự như đã trả thù kinh tế với Philippines sau khi Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Toà trọng tài năm 2013. Khả năng, Trung Quốc sẽ tìm cách chặn việc xuất khẩu hàng hoá nông sản của Việt Nam tại các cửa khẩu biên giới bằng các hàng rào kỹ thuật. Báo chí đã cho biết nhiều đoàn xe vận tải nông sản đang bị ứ tại các cửa khẩu biên giới, khiến bà con nông dân và thương lái thiệt hại nặng nề. Bởi vì Trung Quốc yêu cầu nhập hàng hoá chính ngạch chứ không phải con đường tiểu ngạch. Yêu cầu này khiến người dân Việt Nam không thể đáp ứng trong một thời gian ngắn, khiến cho hàng hoá nông sản bị hư hỏng vì không để lâu được. Ngoài ra, Trung Quốc có thể gây sức ép về kinh tế với nhiều mặt hàng mà Việt Nam đang xuất khẩu sang Trung Quốc, cũng như chặn hoặc hạn chế các nguyên liệu cần thiết cho sản xuất mà Việt Nam cần thiết phải nhập từ Trung Quốc. Trong status ngày 12/4/2020 trên Facebook của nhà báo Vũ Kim Hạnh – Nguyên Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, Nguyên Tổng biên tập báo Sài Gòn tiếp thị, hiện là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng chất lượng cao Việt Nam, cho biết, đã có người nhờ bà giúp mua lại một số doanh nghiệp Việt Nam nằm trong “danh sách đen” của Hải quan Trung Quốc. Các doanh nghiệp này vì nằm trong “danh sách đen” của Hải quan Trung Quốc nên không thể xuất hàng sang Trung Quốc được, và có nguy cơ phá sản. Chính vì vậy, các “ông chủ” Trung Quốc đang lùng mua các doanh nghiệp Việt Nam đang lâm vào tình trạng khó khăn này. Để làm gì thì ai cũng biết, đó là phục vụ cho nhiều mục đích của Trung Quốc.
  2. Trên thực địa, Trung Quốc có thể sử dụng lực lượng dân quân biển vốn là lực lượng hải quân trá hình, cùng với các tàu Hải cảnh, Hải giám hỗ trợ để quấy nhiễu, đe doạ cô lập các cấu trúc ngoài Trường Sa mà Việt Nam đang chiếm giữ. Đặc biệt, các lực lượng này nếu bao vây các giàn DK gần khu vực Tư Chính thì phía Việt Nam sẽ gặp nguy hiểm, bởi vì dự trữ lương thực cùng các nhu yếu phẩm cho các chiến sĩ trên DK chỉ sử dụng trong vòng hai tháng mà thôi.
  3. Trung Quốc có thể mua chuộc, lôi kéo ngư dân Việt Nam để phục vụ cho các mục đích của họ. Ví dụ, vừa rồi họ đã cố tình để cho nhiều ngư dân Việt Nam vào sâu trong các vùng biển Trung Quốc để bán cá với giá cao hơn, tuy nhiên bất ngờ họ có thể đâm chìm như vừa rồi. Ngoài ra, cơ quan an ninh trước đây cho biết có ngăn chặn được một số vụ mang tàu cá của Việt Nam với đầy đủ số hiệu chuyển qua đường bộ sang Trung Quốc.Các tàu này chắc chắn để thực hiện các ý đồ không tốt. Chưa kể Trung Quốc còn có thể tăng giá, tìm cách thu hút mua hải sản của Việt Nam, khiến các ngư dân Việt Nam mạo hiểm đi đánh cá tại những vùng nguy hiểm hoặc thuộc vùng biển của các quốc gia khác. Và từ đó, Trung Quốc sẽ cung cấp thông tin chứng minh ngư dân Việt Nam luôn xâm phạm và đánh cá trộm nên bị đâm chìm là không có gì sai. Mới đây, ngày 11/4, Mark Valencia đã viết bài trên Bưu điện Hoa Nam buổi sáng để kết luận là dựa trên số liệu thì ngư dân Việt Nam là người đánh bắt cá trộm lớn nhất ở khu vực biển Đông.
  4. Trung Quốc đang mở rộng các hoạt động của các phương tiện quân sự của họ trên biển Đông. Thông tin cho biết, tàu sân bay Liêu Ninh của họ đang hướng về biển Đông, đi qua eo biển Ba Sỹ. Trung Quốc có thể nhân cơ hội Mỹ đang giảm sự xuất hiện của các tàu sân bay vì dịch bệnh, để tuyên bố một vùng nhận diện phòng không tại khu vực Hoàng Sa và 7 căn cứ quân sự mà Trung Quốc đang chiếm ở Trường Sa, như một phép thử xem khả năng đe doạ và phản ứng của thế giới tới đâu. Khu vực biển này thì Trung Quốc hoàn toàn có thể kiểm soát được trong thực tế.

Hình minh hoạ. Ngư dân Bùi Văn Minh và chiếc tàu neo ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Tàu của ngư dân Bùi Văn Minh đã bị tàu Trung Quốc đe doạ, phun vòi rồng

Hình minh hoạ. Ngư dân Bùi Văn Minh và chiếc tàu neo ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Tàu của ngư dân Bùi Văn Minh đã bị tàu Trung Quốc đe doạ, phun vòi rồng Reuters

Ngoài ra, 15/5 hàng năm, từ 1999, Trung Quốc đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, nhưng các lực lượng của Trung Quốc bắt đầu thi hành lệnh này năm 2007. Năm nay, Trung Quốc có thể tuyên bố và đơn phương áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá này từ đầu tháng 5 để “dằn mặt” các quốc gia khác. Hiện nay, tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá đang di chuyển tới vùng biển giáp ranh giữa Malaysia và Việt Nam. Không loại trừ các hành động xâm phạm, bao vây các phương tiện thăm dò dầu khí của Malaysia và Việt Nam, cũng như có thể “giương đông kích tây” để ra tay ở các địa điểm quan trọng khác.

5. Trung Quốc còn có thể tìm cách can thiệp vào nhân sự của Việt Nam. Năm nay Việt Nam đang bước vào thời kỳ chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ XIII. Thủ đoạn quen thuộc của Trung Quốc là thu thập thông tin, tìm các điểm yếu, các sai phạm, dàn dựng các hình ảnh và thông tin có tính chất xấu để can thiệp vào quá trình chuẩn bị và thực hiện nhân sự của Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới