Ngang ngược thành lập 2 huyện quản lý Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thể hiện Trung Quốc mưu đồ củng cố lợi ích trước khi Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông ban hành.
Nhà nghiên cứu Collin Koh từ Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore nhận định trên SCMP rằng Trung Quốc ngang ngược thành lập 2 huyện quản lý Hoàng Sa và Trường Sa là có mưu đồ, trong thời điểm các cuộc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đang diễn ra.
“Rõ ràng Bắc Kinh đang muốn củng cố lợi ích ở Biển Đông trước khi Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông được công bố”.
Ông Koh nói thêm: “Ngay cả khi không có Bộ quy tắc ứng xử nào thành hiện thực, khi đó Bắc Kinh cũng sẽ ở thế mạnh hơn ở Biển Đông”.
Các cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN về bộ quy tắc ứng xử đang diễn ra, được kỳ vọng đi đến kết luận vào năm 2021. Dự thảo thỏa thuận gần nhất được giới thiệu hồi tháng 8/2018.
Bắc Kinh đã từ chối làm cho thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý.
Nhà nghiên cứu cũng cho rằng động thái mới cho thấy Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục xây dựng thêm các cấu trúc và tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.
2 huyện này trực thuộc cái được gọi là “thành phố Tam Sa” được Trung Quốc dựng lên từ tháng 7/2012 nhằm thực hiện kế hoạch kiểm soát Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines.
Bất chấp dịch COVID-19, Trung Quốc vẫn tiếp tục leo thang các hành động ngang ngược trên Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần lên tiếng chỉ trích động thái triển khai các thiết bị quân sự trái phép của Trung Quốc tại các đảo Bắc Kinh bồi đắp và xâm lấn trái phép thuộc Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý tuyên bố chủ quyền với hai quần đảo trên Biển Đông này.
Ngày 26/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhấn mạnh: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo đó, mọi hoạt động tại 2 quần đảo này phải được sự cho phép của Việt Nam”.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 18/4, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc, nhằm vào các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi của các bên có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
“Trung Quốc nên chấm dứt hành vi bắt nạt của mình, ngừng các hành động khiêu khích và gây bất ổn này”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.