Friday, December 27, 2024
Trang chủBiển nóngViệt Nam kiên quyết phản đối TQ thành lập cái gọi là...

Việt Nam kiên quyết phản đối TQ thành lập cái gọi là “quận Tây Sa”, “quận Nam Sa” ở Biển Đông

Sau khi Trung Quốc (18/4) cho biết Quốc Vụ viện nước này đã phê chuẩn thành lập “quận Tây Sa”, “quận Nam Sa” trực thuộc cái gọi là “Thành phố Tam Sa”, giới chức Việt Nam đã đưa ra các tuyên bố phản đối, lên án mạnh mẽ những hành vi phi pháp của Trung Quốc.

Trước việc Trung Quốc ngày 18/4/2020 thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (19/4) tuyên bố: Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai.

Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng đã ra Thông cáo về việc Trung Quốc thành lập khu Tây Sa và khu Nam Sa thuộc cái gọi là thành phố Tam Sa. Thông cáo nêu rõ, là chính quyền địa phương thuộc TP. Đà Nẵng, trực tiếp quản lý quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, UBND huyện Hoàng Sa kiên quyết phản đối việc Trung Quốc ban hành quyết định thành lập cái gọi là “khu Tây Sa và Nam Sa” thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Lập trường này đối với cái gọi là “thành phố Tam Sa” cũng đã được nêu rõ tại Nghị quyết số 26/2012/NQ-HĐND ngày 04/7/2012 của HĐND TP Đà Nẵng và các tuyên bố của UBND huyện Hoàng Sa trong suốt thời gian qua. Thông cáo nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia đầu tiên khai phá, chiếm hữu và xác lập chủ quyền một cách liên tục, hoà bình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động nêu trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và trái với các thỏa thuận giữa hai nước và khu vực, làm phức tạp tình hình ở khu vực Biển Đông và tổn hại đến các nỗ lực hợp tác giữa các nước. UBND huyện Hoàng Sa kịch liệt phản đối và yêu cầu Trung Quốc huỷ bỏ ngay lập tức quyết định sai trái trên, chấm dứt ngay các hoạt động bất hợp pháp trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Giới nghiên cứu sử Việt Nam cũng đưa ra các tuyên bố lên án, chỉ trích Trung Quốc. Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng thay mặt giới sử học thành phố Đà Nẵng cực lực phản đối hành động trắng trợn của Trung Quốc khi tuyên bố thành lập cái gọi là chính quyền huyện Tây Sa. Ông Bùi Văn Tiếng nêu rõ, cùng với sự kiện tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi mới đây cho thấy một hình ảnh Trung Quốc luôn tráo trở thừa nước đục thả câu, lợi dụng lúc thiên hạ chống đại dịch toàn cầu để thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế. Vi phạm lần này của phía Trung Quốc không chỉ Việt Nam cực lực phản đối mà đã và đang bị nhiều nước cực lực phản đối, bởi họ đang hành xử theo kiểu cậy mạnh hiếp yếu trên biển Đông. Trung Quốc không chỉ phâm xạm chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Indonesia mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh hàng hải quốc tế. Theo ông Bùi Văn Tiếng, nhà cầm quyền Bắc Kinh vừa phê chuẩn việc thành lập trái phép cái gọi là “huyện Tây Sa” và “huyện Nam Sa”, vi phạm nghiêm trọng và thô bạo đến chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và huyện Hoàng Sa của TP Đà Nẵng.Sự vi phạm lần này của Trung Quốc không mới, chỉ là sự tiếp nối vi phạm trước đây khi Trung Quốc phê chuẩn thành lập trái phép cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Điều đáng nói, vi phạm của Trung Quốc lần này diễn ra đúng thời điểm cả thế giới trong đó có Việt Nam đang gồng mình chống lại đại dịch COVID-19 có nguồn gốc từ chính Trung Quốc.

Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, TP Đà Nẵng lên tiếng phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc khi thành lập cái gọi là “huyện Tây Sa” và “huyện Nam Sa”; cho biết hành vi của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Với tư cách là chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, tôi phản đối hành động của Trung Quốc về việc thành lập 2 huyện, trong đó vi phạm chủ quyền Hoàng Sa của TP Đà Nẵng.

Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa là ngư trường quen thuộc của nhiều thế hệ ngư dân Việt Nam. Trung Quốc đã và đang có nhiều hành động leo thang nhằm độc chiếm Biển Đông. Trung Quốc không chỉ xua hàng ngàn tàu đánh cá bằng sắt cỡ lớn xuống đánh, phá, hủy hoại môi trường, tài nguyên, chèn ép ngư dân Việt Nam, mà còn ngang nhiên đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam ngay trên vùng biển Việt Nam; khẳng định việc Trung Quốc ngang ngược tuyên bố thành lập 2 đơn vị hành chính trên vùng biển truyền thống, chủ quyền của Việt Nam khiến ngư dân rất phẫn nộ.

Trước đó, Cục Dân Chính Trung Quốc (18/4) ngang ngược thông báo Quốc vụ Viện Trung Quốc đã phê chuẩn (trái phép) quyết định thành lập 02 Khu quản lý biển, trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Theo thông báo trên, Chính phủ Trung Quốc đã thông qua quyết định thành lập cái gọi là “huyện đảo Tây Sa” và “Nam Sa” thuộc “thành phố Tam Sa”. Đây là đơn vị hành chính mà Trung Quốc đã ngang nhiên thành lập vào năm 2012 để quản lý “Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa” – cách Bắc Kinh gọi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc ngang ngược cho biết, huyện đảo Tây Sa sẽ “quản lý” toàn bộ khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trung Sa; trụ sở của cái gọi là huyện đảo Tây Sa sẽ đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Huyện đảo Nam Sa sẽ “quản lý” toàn bộ quần đảo Trường Sa và trụ sở của cái gọi là huyện đảo Nam Sa sẽ đặt tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới