Trước những động thái liên tục gây hấn của phía chính quyền Bắc Kinh ở Biển Đông, Hà Nội mong muốn quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế được tôn trọng.
Báo trong nước thông tin, hôm 21/4, trả lời câu hỏi của báo chí về thông tin gần đây liên quan đến tình hình phức tạp ở vùng biển của một số nước ASEAN, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, với tư cách quốc gia ở Biển Đông và thành viên ASEAN, Việt Nam quan tâm, theo dõi sát tình hình.
Người phát ngôn khẳng định các bên liên quan phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thể hiện cam kết phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông, khu vực và trên thế giới.
Ảnh chụp màn hình báo Zing.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21/4 nói rằng họ vừa “giao thiệp nghiêm khắc” để đáp trả điều mà họ gọi là “Việt Nam tuyên bố chủ quyền một cách bất hợp pháp ở biển Hoa Nam (tức Biển Đông)”, theo hãng tin Reuters.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nhấn mạnh rằng bất kỳ nỗ lực nào phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc chắc chắn đều sẽ bị thất bại.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra qua lời phát biểu của Người phát ngôn Cảnh Sảng tại cuộc họp báo hàng ngày hôm thứ Ba.
Trước đó, Reuters dẫn 3 nguồn thạo tin về an ninh khu vực cho biết tàu thăm dò Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc đang theo dõi tàu thăm dò dầu khí do công ty Petronas của Malaysia điều hành ngoài khơi nước này.
Dữ liệu của Marine Traffic ngày 18/4 cho thấy tàu Hải dương Địa chất 8 vẫn ở trong EEZ của Malaysia. Một nguồn tin trong lĩnh vực an ninh Malaysia cho biết tàu thăm dò Trung Quốc ngày 17/4 có lúc được khoảng 10 tàu Trung Quốc hộ tống, trong đó có tàu dân quân biển và tàu hải cảnh.