Hãng ảnh vệ tinh Israel ISI (20/4) công bố ảnh chụp Đá Chữ Thập cho thấy Trung Quốc triển khai máy bay tuần tra biển KQ-200 (Y-8Q) đến căn cứ này. Đây là một trong những động thái mới nhằm tiến hành quân sự hóa trái phép Biển Đông của Trung Quốc.
Theo hình ảnh vệ tinh trên cho thấy, có một máy bay được xác định là KQ-200 và một máy bay nằm trong hangar chỉ thò một phần đầu ra ngoài nên không thể xác định chính xác nhưng nhiều khả năng là cùng loại. Diễn biến này phù hợp với thông tin về việc Trung Quốc (3/2020) triển khai hai máy bay tuần tra săn ngầm đến Đá Chữ Thập.
Máy bay tuần tra chống ngầm KQ-200, còn được gọi là Không Tiềm – 200, là máy bay tuần tra chống ngầm hiện đại đầu tiên do Trung Quốc thực sự nghiên cứu phát triển. Đây là một trong những phương tiện chống ngầm và quản lý tuần tra trên biển quan trọng nhất từ trên không của Hải quân Trung Quốc. Nó được phát triển trên cơ sở ba loại máy bay vận tải Yun-8, Yun-9 trong dự án “Cao tân” (Công nghệ cao); do đó, nó còn được gọi là “高新6” (Cao Tân 6 hay Y-8Q). KQ-200 bay thử lần đầu tiên vào năm 2012 và được đưa vào sử dụng năm 2017. Hiện tại nó đã được trang bị cho cả 3 Hạm đội Nam Hải, Bắc Hải và Đông Hải. Máy bay được trang bị hệ thống tác chiến chống ngầm tổng hợp, hệ thống phát hiện bao gồm máy dò từ loại lớn, phao sonar, radar tìm kiếm mặt nước, khoang quang điện và hệ thống trinh sát điện tử. Máy bay có hành trình lên tới 5.000 km, có thể hoạt động liên tục trong 10 giờ và khu vực biển tuần tra có thể bao phủ hàng trăm nghìn km2.
Được biết, KQ-200 cũng có khả năng tấn công mạnh mẽ, trong bụng được thiết kế hai khoang bom, có thể mang các loại vũ khí như ngư lôi chống ngầm, thủy lôi, tên lửa chống hạm, bom chìm nước sâu…Hiện các thông số kỹ thuật của KQ-200 còn được Trung Quốc giữ bí mật. Các nhà phân tích cho rằng với việc máy bay KQ-200 được đưa vào hoạt động với số lượng lớn cho phép hệ thống chống ngầm của hải quân Trung Quốc có thể vượt qua chuỗi đảo thứ nhất, thậm chí mở rộng tới chuỗi đảo thứ hai, để tăng cường giám sát, phát hiện và theo dõi liên tục các vùng biển và kênh chính mà tàu ngầm đối phương thường xuyên xâm nhập; cung cấp sự hỗ trợ cho hoạt động của cụm tác chiến tàu sân bay và các tàu ngầm hạt nhân chiến lược.
Theo giới chuyên gia, nếu đúng như thế thì diễn biến này cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục tiến thêm một bước nữa trong việc đẩy mạnh triển khai lực lượng đến khu vực Trường Sa, bất chấp việc nước này đang đối phó với đại dịch. Việc triển khai máy bay tuần tra săn ngầm Y-8X đến khu vực Trường Sa là bước tiến mới cho phép Trung Quốc mở rộng khả năng kiểm soát khu vực nam Biển Đông. Được biết, máy bay Y-8X cũng tham gia cuộc tập trận săn ngầm của Trung Quốc mới đây ở Biển Đông và được ghi nhận xuất hiện tại khu vực tàu khoan West Capella của Malaysia ở khu vực tranh chấp phía nam Trường Sa. Bên cạnh đó, triển khai thường trực máy bay tuần tra Y-8X có vẻ như là bước leo thang cuối cùng trước khi Trung Quốc tiến thêm một bước đi cực kỳ khiêu khích và gây bất ổn nữa là triển khai chiến đấu cơ đến khu vực quần đảo Trường Sa. Diễn biến này một lần nữa cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục lợi dụng tình hình đại dịch COVID-19 để đẩy mạnh âm mưu khống chế và biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ.
Theo chuyên gia Patrick Cronin, nhà nghiên cứu cao cấp tại Học viện an ninh châu Á-Thái Bình Dương Hudso, Chính quyền Trung Quốc đang tranh thủ gia tăng các hoạt động ở Biển Đông khi các nước trong khu vực và Hoa Kỳ đang bận ứng phó với dịch viêm phổi Covid-19 có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc. Động thái này là nhằm che đậy điểm yếu của quân đội Trung Quốc. Ngoài ra, cách tiếp cận này có thể là do điểm yếu của họ. Trung Quốc có thể cố gắng che đậy sự thật rằng họ thực sự rất lo lắng và rất mong manh. Đồng thời, họ cũng đang tìm kiếm cơ hội, bởi vì mọi người đều bị phân tâm bởi dịch bệnh.
Trong khi đó, theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (21/4), trong khi tiếp tục tăng tần suất hoạt động thăm dò tài nguyên ở Biển Đông và thiết lập đơn vị hành chính cấp huyện mới để tăng cường cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc”; Trung Quốc cũng đã tăng tốc các hành động quân sự ở Biển Đông. Thông tin chính xác mới nhất cho thấy Trung Quốc đã triển khai loại máy bay tuần tra chống ngầm kiểu mới trên đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trái phép từ đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Đa Chiều cho rằng, điều này có thể tăng cường mạnh mẽ khả năng khống chế khu vực của quân đội Trung Quốc. Trong giai đoạn hiện nay, KQ-200 được triển khai ở đá Chữ Thập nhằm mấy mục đích: Một là để tìm kiếm tàu ngầm, bởi vì ở vùng nước sâu quanh quần đảo Trường Sa không chỉ có mỗi tàu ngầm hạt nhân của Mỹ hoạt động mà cả tàu ngầm của Việt Nam, Malaysia và Indonesia đều là mối uy hiếp của các tàu Trung Quốc. Thứ hai là dùng vào mục đích tuần tra. Hiện tại, tranh chấp mặt nước giữa Trung Quốc với các nước láng giềng và Mỹ rất khốc liệt, máy bay KQ-200 có thể giúp cung cấp trước các thông tin liên quan. Bên cạnh đó, Đa Chiều cho rằng, hành động này là một biểu hiện cụ thể của việc quân sự hóa Biển Đông, việc triển khai máy bay KQ-200 trên đá Chữ Thập chắc chắn sẽ gây nên sự bất bình và chỉ trích, làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các bên liên quan. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ vẫn thúc đẩy chiến lược đã có và sẽ có thêm các bố trí quân sự ở Biển Đông trong giai đoạn tới đây bất chấp sự phản đối với các lý do như “để bảo vệ sự an toàn của tuyến giao thông đường thủy và phát triển năng lượng”.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã triển khai trái phép nhiều vũ khí tấn công đến các đảo, đá ở Biển Đông, nhất là tại một số điểm như Phú Lâm (Hoàng Sa), các bãi cạn Vành Khăn, Chữ Thập và Xu Bi (Trường Sa) vốn có sẵn đường băng, nhà chứa máy bay, bãi đỗ, hệ thống radar, cụ thể: (i) Máy bay tiêm kích J-10. Đây là chiến đấu cơ có khả năng tác chiến đa nhiệm với tầm chiến đấu lên đến 1.250 km, tốc độ tối đa đạt Mach 2.2 (tức lớn hơn 2 lần vận tốc âm thanh, khoảng 2.700 km/giờ). Tùy vào mục tiêu mà J-10 được trang bị vũ khí, nhưng về cơ bản thì dòng chiến đấu cơ này có thể mang theo nhiều loại tên lửa và bom như: Bom dẫn đường bằng laser LT-2, bom dẫn đường bằng vệ tinh FT-1, nhiều loại tên lửa đối không có tầm bắn từ 20 – 300 km, tên lửa tấn công mặt đất hoặc tàu chiến… Về trang bị điện tử thì J-10 tích hợp nhiều loại radar, cảm biến tối tân cùng hệ thống kiểm soát hỏa lực điện tử. (ii) Máy bay tiêm kích J-11. Đây cũng là dòng máy bay chiến đấu đa nhiệm, có tầm chiến đấu khoảng 1.500 km và tốc độ tối đa khoảng Mach 2.1 (2.500 km/giờ). J-11 có thể mang theo nhiều loại tên lửa đối không với tầm bắn từ 20 – 170 km, cùng một số loại rốc két và bom. J-11 có các phiên bản J-11BH và J-11BSH chuyên dành cho hải quân Trung Quốc. Bên cạnh đó, cũng từ loại J-11, Trung Quốc đã phát triển nên mẫu J-15 chuyên dụng để trang bị trên tàu sân bay của nước này. (iii) Máy bay ném bom H-6K. H-6K là phiên bản mới của dòng máy bay ném bom H-6 vốn được phát triển từ dòng máy bay ném bom Tu-16 của Liên Xô. Về cơ bản, oanh tạc cơ H-6 có tầm tác chiến khoảng 1.600 km với vận tốc tối đa xấp xỉ 1.000 km/giờ. H-6 có thể mang theo nhiều loại bom, bao gồm cả bom thông minh, đồng thời còn có thể mang theo nhiều loại tên lửa tấn công mặt đất và tấn công tàu chiến như KD-88, CJ-10, C-101, C-301, C-601, YJ-12… với nhiều tầm bắn khác nhau và lên đến 400 km. Đặc biệt, máy bay H-6 còn có thể mang tên lửa đạn đạo DF-21 có tầm bắn lên đến 1.700 km với tốc độ tối đa lên đến Mach 10 (hơn 22.000 km/giờ), được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”. (iv) Máy bay trinh sát hải quân KQ-200. Được phát triển từ dòng máy bay trinh sát Y-8, KQ-200 có tầm bay lên đến 5.000 km, tốc độ tối đa khoảng 600 km, đủ khả năng hoạt động liên tục trong 10 giờ. Theo chuyên trang Navalnews, KQ-200 tập trung chủ yếu vào khả năng tìm diệt tàu ngầm khi tích hợp các hệ thống cảm biến và có khả năng thả các thiết bị thăm dò. Cùng với đó, KQ-200 có thể mang theo một số loại tên lửa đối hạm YJ-83K tầm bắn 200 km, ngư lôi, tên lửa tấn công tàu ngầm. (v) Tên lửa đối không HQ-9. Đây được xem là hệ thống tên lửa S-300 “phiên bản Trung Quốc”. HQ-9 có tầm bắn hơn 300 km với phiên bản xa nhất là HQ-9B. Tốc độ bay của HQ-9 đạt Mach 4.2 (hơn 9.000 km/giờ), với trần bay từ 27- 41 km. Phiên bản được Trung Quốc triển khai trên các đảo và bãi đá ở Biển Đông có tầm bắn khoảng 200 km. (vi) Tên lửa hành trình đối hạm YJ-12. Loại tên lửa này có tầm bắn lên đến 400 km cùng tốc độ tối đa đạt khoảng Mach 4 (khoảng 9.000 km/giờ) tùy theo phiên bản. Đây là loại tên lửa hành trình khá hiện đại. Từ năm 2018, AMTI phát hiện Trung Quốc triển khai YJ-12 trên các bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi. Loại tên lửa này cũng có thể được khai hỏa từ oanh tạc cơ H-6. (vii) Tên lửa đối hạm YJ-62. Nếu YJ-12 được Trung Quốc triển khai ở Trường Sa, thì YJ-62 lại có mặt ở đảo Phú Lâm (Hoàng Sa). Về tốc độ, thì YJ-62 chỉ đạt mức cận âm, tức khoảng 1.000 km/giờ, tầm bắn từ 290 – 400 km. Năm 2016, bên cạnh HQ-9 thì YJ-62 cũng được Trung Quốc triển khai đến đảo Phú Lâm.
Nhìn chung, đây là một bước đi nguy hiểm trong việc quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc ra sức lấp liếm xưa nay nhằm đạt tới mục đích hiện thực hóa cái gọi là “Đường biên giới 9 đoạn” vô lý mà họ tự ý vạch ra, không dựa trên bất cứ cơ sở khoa học hay pháp lý nào, mưu đồ biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc.