Philippines kịch liệt phản đối Trung Quốc thành lập 2 quận mới trên Biển Đông, đồng thời không công nhận tên gọi Trung Quốc sử dụng cho các thực thể trên biển.
Theo ABS-CBN News, Bộ Ngoại giao Philippines ngày 30/4 lên tiếng phản đối động thái ngang ngược của Trung Quốc khi thành lập 2 quận quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cùng các vùng biển lân cận.
“Chính phủ Philippines kịch liệt phản đối việc thành lập quận “Nam Sa” và “Tây Sa” dưới quyền hạn của “thành phố Tam Sa” tự xưng vào ngày 18/4 của Trung Quốc”, Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố.
“Chúng tôi không thừa nhận Tam Sa và các đơn vị trực thuộc, cũng như mọi động thái phát sinh từ đó”, thông cáo nhấn mạnh.
Chính phủ Philippines đã gửi công hàm phản đối động thái lập quận, đặt tên thực thể trên Biển Đông, cùng với vụ việc tàu Trung Quốc chĩa radar ngắm bắn vào một tàu hải quân Philippines trên vùng biển nước này.
Phía Philippines cũng không chấp nhận những “danh xưng tiêu chuẩn” mà Trung Quốc tự đặt cho 80 thực thể trên Biển Đông. Theo đó, cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” được Bộ Dân chính và Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc công bố hôm 19/4.
Danh sách 80 thực thể bao gồm 25 đảo, đá cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông, đi kèm tọa độ cụ thể. Hầu hết thực thể này tập trung ở phần phía Tây Biển Đông. Một số nằm dọc theo “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố và rất gần đất liền của Việt Nam.
Động thái diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố lập 2 quận quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Philippines tiếp tục sử dụng phán quyết năm 2016 của Tòa án Quốc tế trong vụ kiện Biển Đông. Chính phủ Manila khẳng định phán quyết đã “giải quyết một cách toàn diện những tuyên bố chủ quyền quá quắt và hành động phi pháp của Trung Quốc” trên vùng biển.
“Philippines kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, cũng như Tuyên bố chung về Hành xử giữa Các bên trên Biển Đông”, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết và nhắc lại cam kết giữa các bên không tiến hành những động thái gây leo thang hoặc phức tạp hóa tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực.