Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiới tình báo liên tiếp có những cáo buộc nhắm vào TQ

Giới tình báo liên tiếp có những cáo buộc nhắm vào TQ

Truyền thông Australia tiết lộ tài liệu tình báo trao đổi giữa các nước phương Tây với nhiều cáo buộc Trung Quốc che giấu nguồn gốc đại dịch Covid-19.


Ấn bản The Saturday Telegraph, thuộc Australian Daily Telegraph, ngày 4/5 cho biết đã thu thập được một tài liệu tình báo dài 15 trang, được soạn thảo bởi các chính phủ phương Tây quan tâm đến dịch Covid-19.

Tài liệu bao gồm những cáo buộc Trung Quốc cố tình ém nhẹm bằng chứng bùng phát virus corona. Nội dung tài liệu chỉ trích hành động của Trung Quốc là “đòn tấn công vào minh bạch quốc tế”.

Trong khi đó, tờ Guardian dẫn các nguồn tin tình báo cho biết “tài liệu 15 trang” do Australian Daily Telegraph đăng tải không xuất phát từ mạng lưới tình báo “Ngũ Nhãn” (gồm 5 nước Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand).

Theo tóm tắt tài liệu trên Australian Daily Telegraph, tình báo phương Tây cho rằng Trung Quốc đã ém nhẹm thông tin về virus như phá hủy bằng chứng liệu virus từng có trong các phòng thí nghiệm, từ chối cung cấp mẫu sinh phẩm cho các nhà khoa học quốc tế đang nghiên cứu vaccine.

Dự án nghiên cứu nhiều rủi ro

Tài liệu tình báo rò rỉ có đề cập đến nhà khoa học Thạch Chính Lệ và nhóm của bà tại Viện Virus học Vũ Hán.

Bộ tài liệu dẫn lại việc nhóm của bà Thạch năm 2013 phát hiện các mẫu virus corona từ hang dơi tỉnh Vân Nam có cấu tạo di truyền tương đồng đáng kinh ngạc với chủng virus gây nên Covid-19.

Ít nhất 1 trong 50 mẫu virus tại phòng thí nghiệm của bà Thạch có gen tương đồng với SARS-CoV-2 đến 96,2%.

Nhóm của bà Thạch còn thử nghiệm tổng hợp các mẫu virus corona tương tự chủng gây nên SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng), nhằm phân tích khả năng truyền từ dơi sang động vật hữu nhũ. Theo tài liệu tình báo, nhóm đã điều chỉnh cấu tạo của virus cho thử nghiệm này.

Nghiên cứu tháng 11/2015 do nhóm bà Thạch phối hợp với Đại học North Carolina kết luận virus tương tự SARS có thể lây trực tiếp từ dơi sang người và không có cách điều trị.

Nghiên cứu thừa nhận mức nguy hiểm của công việc, nhưng đánh giá “tiềm năng chuẩn bị và giảm bùng phát trong tương lai cần được cân nhắc cao hơn rủi ro tạo ra những mầm bệnh nguy hiểm hơn”.

Theo Ralph Baric, giáo sư Đại học North Carolina, đồng tác giả nghiên cứu với bà Thạch, virus lai ghép mà chương trình hợp tác tạo nên “có khả năng gây bệnh cao”. Ông xác nhận “các biện pháp điều trị virus gây nên SARS năm 2002 và thuốc ZMapp để điều trị virus Ebola đều không thể vô hiệu hóa hay khống chế virus này”.

Cổng thông tin của Viện Virus học Vũ Hán xác nhận bà Thạch, Giám đốc Trung tâm Bệnh Truyền nhiễm Mới nổi, nghiên cứu về virus gây nên SARS và từng có thời gian làm việc ở Australia.

Cộng sự của bà Thạch, ông Chu Bằng, hiện là lãnh đạo Dự án Truyền nhiễm và Miễn dịch Virus Dơi, từng làm việc tại Australia trong các giai đoạn 2011-2014 và trước đó là 2009-2010. Trong thời gian này, ông Chu phụ trách tìm dơi hoang dã gửi từ Queensland đến phòng thí nghiệm ở Victoria để gây mê, mổ và nghiên cứu về virus.

Thượng nghị sĩ Sarah Henderson nhận định các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu về virus trên loài dơi trên lãnh thổ Australia là “rất đáng quan ngại”.

Bà nhấn mạnh mọi dự án nghiên cứu liên quan đến công dân nước ngoài “cần được giám sát kỹ lưỡng vì khả năng gây tổn hại đến “an ninh quốc gia hoặc an ninh sinh học” của Australia.

Mỹ đã rút tài trợ cho những thí nghiệm gây tranh cãi tại Vũ Hán vào tháng 10/2014, lo ngại nguy cơ bùng phát đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, lệnh hoãn tài trợ được dỡ bỏ vào tháng 12/2017.

Cáo buộc phòng thí nghiệm thiếu an toàn, quản lý kém

Theo Australian Daily Telegraph, cộng đồng khoa học đã có nhiều tranh cãi về những dự án nghiên cứu virus như tại Vũ Hán vì rò rỉ mầm bệnh có thể dẫn đến dịch bệnh.

Đã có nhiều quan ngại sâu sắc về mức độ an toàn của Viện Virus học Vũ Hán có đủ khả năng xử lý những chủng virus chết người.

Trong một điện tín của đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, được Washington Post phát hiện, các nhà khoa học và nhà ngoại giao cảnh báo với chính phủ Mỹ về bất cập trong biện pháp đảm bảo an toàn và yếu kém trong quản lý tại phòng thí nghiệm nghiên cứu virus corona.

Trong tài liệu tình báo bị rò rỉ, những người viết báo cáo dẫn lại một nghiên cứu do Đại học Công nghệ Hoa Nam công bố vào ngày 6/2. Nghiên cứu này kết luận “virus corona chết người có thể đã xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Mức độ an toàn cần được gia tăng đối với những phòng thí nghiệm có yếu tố nguy hiểm sinh học với rủi ro cao”.

Tài liệu tình báo cho biết bài nghiên cứu bị thu hồi không lâu sau đó vì tác giả thừa nhận thiếu “bằng chứng trực tiếp”. Tài liệu cũng lưu ý rằng “chưa có nhà khoa học nào xác nhận hay phản bác những kết luận trong bài nghiên cứu” của chuyên gia Đại học Công nghệ Hoa Nam.

Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ ngày 3/5 nhận định virus gây nên Covid-19 không được tạo ra trong phòng thí nghiệm, nhưng vẫn tiếp tục điều tra khả năng đại dịch là hậu quả từ một tai nạn trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Không chia sẻ thông tin

Bên cạnh các mối lo ngại thời gian qua về nghiên cứu virus của Trung Quốc và phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, tài liệu tình báo đăng trên Australian Daily Telegraph cũng đề cập đến cáo buộc “ém nhẹm và phá hủy bằng chứng” ở Trung Quốc.

Tài liệu cho biết “các mẫu bệnh phẩm ở những phòng thí nghiệm di truyền học được lệnh phải phá hủy, quầy hàng tại chợ động vật hoang dã được tẩy rửa, trình tự gen không được chia sẻ công khai, phòng thí nghiệm ở Thượng Hải đóng cửa để ‘trùng tu’, những bài viết học thuật phải gửi chờ duyệt bởi Bộ Khoa học và Công nghệ còn dữ liệu về ‘ca nhiễm thầm lặng’ không triệu chứng được giữ bí mật”.

Tài liệu cho biết Trung Quốc từ chối cung cấp mẫu bệnh phẩm sống cho các nhà khoa học quốc tế đang nghiên cứu vaccine. Mỹ và một số nước khác đã nhiều lần đề nghị Trung Quốc cung cấp mẫu bệnh phẩm sống từ các ca nhiễm virus corona đầu tiên. Theo tài liệu tình báo, Trung Quốc vẫn không đáp ứng đề nghị này dù đây là yếu tố quan trọng để phát triển vaccine và xác định nơi virus khởi phát.

Văn bản do Australian Daily Telegraph thu thập còn đề cập đến Hoàng Diễm Linh, một nhà khoa học làm việc trong Viện Virus học Vũ Hán và được đồn đoán là “bệnh nhân số 0” của đại dịch Covid-19. Hình ảnh và tiểu sử của bà Hoàng sau đó bị xoá khỏi trang mạng của Viện Virus học Vũ Hán.

Ngày 16/2, cơ sở nghiên cứu của Trung Quốc phủ nhận thông tin bà Hoàng là ca nhiễm virus corona đầu tiên. Họ khẳng định bà còn sống và vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên, đến nay tung tích của nhà khoa học vẫn là bí ẩn.

Theo các phân tích trong tài liệu tình báo, giới chức Trung Quốc đã bắt đầu kiểm soát thông tin liên quan đến virus từ ngày 31/12.

Ngày 1/1, dù chưa có điều tra chính thức về nguồn gốc của virus, chợ hải sản Vũ Hán đã bị đóng cửa và khử trùng. Theo New York Times, động vật và cũi nhốt thú tại khu chợ không được lấy mẫu xét nghiệm. Tờ báo nhận định việc đóng cửa và khử trùng “đã tiêu hủy bằng chứng con vật nào có thể là nguồn virus corona và người nào đã nhiễm bệnh nhưng sống sót”.

Ủy ban Y tế Hồ Bắc yêu cầu những công ty nghiên cứu gen ngừng thí nghiệm virus mới và hủy toàn bộ mẫu sinh phẩm. Ngày 3/1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ra lệnh chuyển tất cả mẫu sinh phẩm bệnh phổi Vũ Hán đến những cơ sở thí nghiệm được chỉ định hoặc phải phá hủy. Cơ quan này đồng thời ra lệnh cấm xuất bản liên quan đến căn bệnh bí ẩn.

Tài liệu tình báo nói Trung Quốc đã liên tục phủ nhận dịch bệnh trong giai đoạn đầu, “bất chấp bằng chứng về truyền nhiễm người sang người từ đầu tháng 12”. Đến ngày 20/1, Trung Quốc mới xác nhận kết luận này.

“Tổ chức Y tế Thế giới cũng hành động y hệt. Tuy nhiên, giới chức ở Đài Loan đã nêu quan ngại từ ngày 31/12, còn các chuyên gia ở Hong Kong là vào ngày 4/1”, báo cáo liệt kê lại.

Tài liệu tình báo này đồng thời chỉ trích những điểm bất hợp lý trong lệnh cấm đi lại của Trung Quốc với các nội dung: “Hàng triệu người rời khỏi Vũ Hán sau khi bùng phát dịch và trước khi Bắc Kinh phong tỏa thành phố ngày 23/1”, “Hàng nghìn người bay sang nước khác. Xuyên suốt tháng 2, Bắc Kinh tạo sức ép để Mỹ, Italy, Ấn Độ, Australia, các láng giềng Đông Nam Á và những nước khác đừng tự bảo vệ mình thông qua hạn chế đi lại, mặc dù Trung Quốc áp dụng hạn chế khắt khe trong nước”.

Tài liệu nhấn mạnh các chính phủ phương Tây đang phản ứng trước “đòn tấn công vào minh bạch quốc tế” từ Trung Quốc.

“Khi các nhà ngoại giao Liên minh Châu Âu (EU) chuẩn bị một báo cáo về đại dịch, Trung Quốc đã tạo sức ép thành công để Brussels loại những nội dung nói Trung Quốc đưa thông tin sai lệch”, tài liệu tiết lộ.

“Khi Australia kêu gọi điều tra độc lập về đại dịch, Trung Quốc đe dọa cắt thương mại với Australia. Trung Quốc cũng phản ứng kịch liệt trước kêu gọi minh bạch từ Mỹ”, tài liệu này cho biết.

Global Times của Trung Quốc đã chỉ trích Australian Daily Telegraph sau những thông tin này nói đây là “tài liệu không được kiểm chứng để bôi nhọ Trung Quốc”.

Hiện ngoài Australia, cả Mỹ và EU đều đã kêu gọi những điều tra độc lập về nguồn gốc của dịch Covid-19.

Chuyên gia hàng đầu về virus của Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci, trong phỏng vấn độc quyền với National Geographic hôm 4/5, cũng nói các bằng chứng khoa học nghiêng về khả năng virus bắt nguồn từ thiên nhiên và lây từ động vật sang người. Ông phủ nhận khả năng virus được chế tạo từ phóng thí nghiệm.

Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 5/5 cũng nói khả năng cao virus xuất phát từ chợ hải sản Vũ Hán.

RELATED ARTICLES

Tin mới