Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhong cách ngoại giao ‘chiến lang’ của Bắc Kinh

Phong cách ngoại giao ‘chiến lang’ của Bắc Kinh

Kể từ khi dịch bệnh lan tràn trên khắp thế giới, không một tuần lễ nào mà không có một nhà ngoại giao Trung Quốc gây tai tiếng trên mạng hay trên các phương tiện truyền thông.

Trong đại dịch, nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc đã tham gia vào các cuộc khẩu chiến khi các sản phẩm y tế đến từ Trung Quốc được cho là bị lỗi hoặc khi nhiều quốc gia lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về dịch bệnh.

Đây được cho là kiểu ngoại giao “chiến lang”, vốn được lấy cảm hứng từ hai bộ phim hành động rất ăn khách của nước này là Chiến Lang I và Chiến Lang II lần lượt ra mắt năm 2015 và 2017.

 “Trung Quốc đang có một thương hiệu ngoại giao mới. Những thế hệ các nhà ngoại giao trẻ tuổi của nước này dường như cạnh tranh lẫn nhau để trở nên “cực đoan” hơn. Họ sẵn sàng đe dọa hay thậm chí là xúc phạm những quốc gia nơi họ được điều tới”, Francois Godement, cố vấn cấp cao cho viện Montaigne có trụ sở tại Paris (Pháp) nói với tờ New York Times.

Ví như, theo tờ Le Point của Pháp, đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã gần đây đã bị ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian triệu mời lên Bộ ngoại giao để phản đối về một bài viết nặc danh – nhưng được cho là của chính viên đại sứ – đăng trên trang web của Sứ Quán Trung Quốc tại Paris, có chứa nội dung nhục mạ chính quyền và chính giới Pháp.

Được biết, trước khi nhận nhiệm sở tại Pháp, vị đại sứ Trung Quốc này cũng đã từng có những lời lẽ khiếm nhã đối với chính quyền Canada nơi ông làm đại sứ, hay trước đó là tại châu Phi.

Tuy nhiên, hành vi khiêu khích của đại sứ Lô Sa Dã không phải là trường hợp “cá biệt”. Nổi tiếng nhất trong số này là Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, tháng Ba vừa qua đã thản nhiên phát tán thuyết âm mưu cho rằng virus corona xuất xứ từ Mỹ chứ không phải là từ Trung Quốc.

“Trung Quốc dường như khuyến khích các nhà ngoại giao của họ đưa ra những phát ngôn mạnh bạo về tình hình dịch bệnh. Việc ông Triệu Lập Kiên được thăng chức và đưa ra những thuyết âm mưu về nguồn gốc của virus có thể khiến dư luận trong nước cho rằng, luận điệu này là chắc chắc”, Susan Shirk, giám đốc của Trung tâm Thế kỷ 21 tại Đại học California (Mỹ) nói với tờ New York Times.

 Ngoài ra còn có Quế Tòng Hữu (Gui Congyou), đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển, đã bị triệu mời lên bộ Ngoại Giao nước Bắc Âu 40 lần trong hai năm mà vẫn tại chức và tiếp tục nhục mạ chính quyền sở tại.

Tại Đức, chính phủ nước này cũng từng phàn nàn rằng, các nhà ngoại giao Trung Quốc thúc ép một số quan chức và công ty lớn tại Đức viết thư để thể hiện sự biết ơn đối với Trung Quốc vì đã hỗ trợ đối phó dịch Covid-19.

“Điều tương tự cũng xảy ra ở Ba Lan. Trung Quốc gây áp lực khiến cho Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda phải gọi điện cho ông Tập Cận Bình để cảm ơn về sự hỗ trợ”, Đại sứ Mỹ tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, Georgette Mosbacher nói với tờ New York Times.

“Trung Quốc đang trở nên hung hăng hơn, quyết đoán hơn và hành vi của họ trong suốt đại dịch Covid-19 đã minh họa điều này”, Tobias Ellwood, thành viên của Nghị viện Anh nói với NTD, đài truyền hình có trụ sở tại Mỹ.

Không chỉ các nhà ngoại giao, truyền thông Trung Quốc cũng từng đưa ra những phát biểu mạnh bạo, như Tờ Hoàn Cầu từng ví nước Úc giống “bã kẹo cao su dính trên đế giày của Trung Quốc” và “phải chà vào đá mới gỡ được”, sau khi Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của dịch bệnh.

 Tuy nhiên, chiến lược ngoại giao mang phong cách “chiến lang” của Trung Quốc giờ đây đã không mang lại hiệu quả như Bắc Kinh mong muốn.

“Trong nhiều thập niên [chính quyền Trung Quốc] đã có thể đẩy lùi [phản ứng của] các nước khác bằng cách đe dọa hậu quả kinh tế,… nhưng tôi không nghĩ [cách đe dọa này] sẽ phát huy tác dụng nữa”, Helle Dale, chuyên gia cao cấp về ngoại giao công tại Quỹ Di sản, có trụ sở tại Washington, nói với The Epoch Times.

RELATED ARTICLES

Tin mới