Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (5/5) lên án Trung Quốc đang lạm dụng cách hành xử hung hăng trên Biển Đông và đẩy mạnh chiến dịch tung thông tin sai lệch để né trách nhiệm về đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley đã tổ chức một cuộc họp báo chung về việc Mỹ tăng cường điều tàu chiến, máy bay tuần tra ở Biển Đông.
Phát biểu tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper lên án các hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian qua. Theo ông Mark Esper, “trong lúc Trung Quốc tăng tốc chiến dịch tung thông tin sai lệch để đổ lỗi và đánh bóng hình ảnh của họ, chúng tôi tiếp tục nhìn thấy cách hành xử hung hăng từ phía Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trên Biển Đông, từ đe dọa tàu hải quân Philippines đến làm chìm tàu cá của Việt Nam và đe dọa những nước khác không được tiến hành hoạt động phát triển dầu khí xa bờ”.
Trước các hành động hung hăng này, Mỹ đã điều động hai tàu hải quân tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông vào tuần qua. Các hoạt động này của Mỹ nhằm gửi thông điệp Washington sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải và thương mại cho tất cả quốc gia dù lớn hay nhỏ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhận định nhiều nước đang tập trung cho hồi phuc sau đại dịch. Trong bối cảnh đó, “những đối thủ chiến lược của Mỹ” đang tìm cách lợi dụng khủng hoảng vì lợi ích riêng dù khiến những nước khác chịu thiệt; đồng thời cáo buộc Trung Quốc không minh bạch từ thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát; nhấn mạnh nếu Trung Quốc minh bạch hơn, mở cửa hơn, thẳng thắn hơn trong việc cung cấp cho các nước quyền tiếp cận, báo cáo, cung cấp quyền tiếp cận không chỉ với những người ở thực địa mà còn với những điều Bắc Kinh có được về virus để các nước tìm hiểu, có lẽ Mỹ lúc này đang trong một vị thế rất khác.
Không nhưng vậy, Bộ trưởng Esper kêu gọi Trung Quốc cho phía Mỹ tiếp cận với những ca nhiễm sớm, giới nghiên cứu và các nhà khoa học Trung Quốc. Ông cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách tận dụng cơ hội để thúc đẩy thông điệp nước này là “người tốt”. Ông đề cập đến việc Trung Quốc hỗ trợ khẩu trang và vật tư y tế cho nhiều nơi, nhưng trong nhiều trường hợp các trang thiết bị lại kém chất lượng và không đáp ứng được kỳ vọng. Bên cạnh đó, những ràng buộc là rất lớn trong nhiều trường hợp. Họ nói với một quốc gia rằng bạn có thể lấy số khẩu trang này “nhưng hãy công khai ca ngợi Trung Quốc tốt như thế nào, họ đang làm hiệu quả ra sao”; cho rằng Bắc Kinh đang cố đánh bóng hình ảnh nhưng sau hậu trường lại răn đe, điển hình là các đe dọa trả đũa nhắm vào Australia.
Trước đó, ông Mark Esper (04/5) cho rằng, trước các hành động của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của quân đội Mỹ đã tăng cường ứng phó và đẩy nhanh nhịp độ các hoạt động của Mỹ ở đây, bao gồm các hoạt động trên mặt nước, dưới nước và trên không.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley nhận định, với các chứng cứ hiện tại vẫn chưa thể đưa ra kết luận, nhưng cho thấy virus này là tự nhiên chứ không phải nhân tạo. Ông Mark Milley cũng kêu gọi Trung Quốc cho phép các nhà điều tra Mỹ vào cùng tham gia.
Được biết, Mỹ gần đây tăng cường điều tàu chiến, máy bay tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Theo đó, Mỹ (30/4) đã triển khai 04 máy bay ném bom B-1B Lancer đến biển Đông. Trong đó, hai máy bay ném bom B-1B Lancer thuộc Phi đội máy bay ném bom 28 tại căn cứ không quân Ellsworth ở bang South Dakota (Mỹ) đã bay một chặng 32 tiếng nhằm thực hiện chiến dịch trên biển Đông. Một ngày trước đó (29/4), hải quân Mỹ điều tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hills đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 28/4, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry của Mỹ đến gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị TQ chiếm trái phép).
Đáp trả kêu gọi của Mỹ, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trần Húc (06/5) tuyên bố nước này sẽ không ưu tiên mời các chuyên gia quốc tế tham gia điều tra nguồn gốc chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho đến sau khi đại dịch được khống chế; nhấn mạnh ưu tiên của Trung Quốc trước tiên là đánh bại đại dịch và chống lại nỗ lực chính trị hóa vô lý và “lố bịch” về virus SARS-CoV-2. Trước đó, Người phát ngôn Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc Lý Hoa Mẫn (28/4) ngang ngược cho rằng Bắc Kinh đã phản ứng với sự hiện diện của tàu USS Barry bằng cách điều một số tàu chiến và máy bay chiến đấu để “đuổi một tàu chiến Mỹ xâm phạm lãnh hải Trung Quốc ở quần đảo Tây Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) ở Biển Đông”; vu cáo động thái của Mỹ “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh Trung Quốc”; tuyên bố các hoạt động tuần tra của Hạm đội 7 “không phù hợp với bối cảnh cả thế giới đang phải nỗ lực chống lại đại dịch toàn cầu và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định khu vực”.
Trong khi đó, giới truyền thông Trung Quốc liên tục có các bài phân tích, nhận định bao biện cho hoạt động của nước này ở Biển Đông và lên án, chỉ trích Mỹ vu cáo, bôi nhọ Trung Quốc liên quan đại dịch COVID-19. Theo Đông Phương, Trung Quốc tuyên bố đã xử lý dịch bệnh một cách minh bạch và có trách nhiệm. Trong một tuyên bố tuần trước cáo buộc các tàu chiến Mỹ xâm nhập vào cái gọi là “lãnh hải Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam), quân đội Trung Quốc nói Mỹ nên tập trung nỗ lực vào việc ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh trong nước và làm những việc hữu ích hơn cho cuộc chiến quốc tế chống lại dịch bệnh. Tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc (30/4) có bài viết cáo buộc “Mỹ đẩy mạnh bá quyền ở Biển Đông giữa đại dịch”; cố tình bôi nhọ rằng “ngay cả khi dịch virus Corona đầy chết chóc đang lan rộng khắp thế giới và trật tự kinh tế, chính trị quốc tế dự kiến sẽ được điều chỉnh đáng kể, Washington dường như đang quyết tâm can thiệp vào vùng biển này”. Tờ báo này còn vu cáo rằng “các động thái gần đây của Mỹ tại Biển Đông trông có vẻ quái lạ, cả ở góc độ năng lực hoạt động (của hải quân Mỹ hiện nay) lẫn nhu cầu thực tế về mặt an ninh tại vùng biển này”; cho rằng “quân đội Mỹ tại Tây Thái Bình Dương đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Thời báo Hoàn Cầu còn ngang ngược cáo buộc Mỹ vừa muốn theo đuổi “quyền lãnh đạo khu vực”, vừa muốn “ổn định mối quan hệ với các đồng minh, đối tác tại châu Á-Thái Bình Dương” thông qua việc can dự quá đáng vào Biển Đông trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát”, xuyên tạc chính quyền Tổng thống Trump đã tiếp tục “đẩy mọi việc đi quá xa” và vấn đề Biển Đông cần được đặt ra ngoài cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung để ngăn chặn tình trạng mâu thuẫn hai nước có thể leo thang ngoài tầm kiểm soát, tránh chạy đua vũ trang có thể xảy ra”.