Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChuyên gia Mỹ tố cáo TQ tàn phá sông Mê Kông

Chuyên gia Mỹ tố cáo TQ tàn phá sông Mê Kông

Các chuyên gia Mỹ chấm dứt “kỷ nguyên che đậy”, chứng minh Trung Quốc khống chế dòng chảy sông Mê Kông, gây hạn cho hạ lưu.

 

Trong ba thập niên qua, Trung Quốc đã xây dựng 11 đập ở thượng nguồn khiến các quốc gia ở hạ lưu lo ngại Trung Quốc kiểm soát dòng chảy sông Mê Kông. Dữ liệu vệ tinh của Công ty Eyes on Earth Inc. (EoE, Mỹ) cho thấy các đập Trung Quốc giữ nước ở thượng nguồn trong mùa mưa, gây hạn cho khu vực hạ lưu. Cụ thể, mực nước tại thượng nguồn sông Mê Kông ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trên mức trung bình vào mùa mưa từ tháng 5 – 10.2019. Trong khi đó, mực nước ở hạ lưu sông Mê Kông vào cùng thời điểm này có lúc thấp hơn 3 m so với mức cần thiết, cùng lúc phải chịu tình trạng hạn hán nghiêm trọng chưa từng thấy, theo EoE.

 Nghiên cứu công bố vào tháng 4 của EoE cho thấy kể từ khi Trung Quốc hoàn thành đập Nọa Trác Độ năm 2012, 11 đập cùng lúc giữ lại nhiều nước hơn so với giai đoạn 20 năm trước, lượng xả ra ngày càng ít. “Điều này khiến tần suất, mức độ nghiêm trọng của tình trạng hạn hán ở hạ lưu ngày càng tăng. Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đang phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử”, ông Alan Basist, Giám đốc Công ty EoE, nói trong buổi tọa đàm trực tuyến do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức ngày 7.5.

“Phát hiện mới chứng minh mối lo ngại lâu nay là: Trung Quốc tích trữ nhiều nước, làm giảm mực nước khu vực hạ lưu sông Mê Kông”, chuyên gia Brian Eyler, thành viên cấp cao và Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson (Mỹ), cho biết.

Chấm dứt thời kỳ che đậy thông tin

Lâu nay, Trung Quốc luôn giữ kín thông tin về việc vận hành 11 con đập. “Tuy nhiên, với dữ liệu hình ảnh vệ tinh rõ ràng, chúng ta có thể chứng minh kỷ nguyên che đậy thông tin đã chấm dứt”, chuyên gia Eyler nhấn mạnh. Sử dụng công nghệ cảm biến đặc biệt SSMI/S để thu thập dữ liệu vệ tinh từ năm 1992 – 2019, EoE có thể ước tính các hồ chứa nước Trung Quốc có tổng công suất hơn 47 tỉ m3. Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ cho nghiên cứu của EoE trong khuôn khổ Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông.

Hôm 13.4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ nghiên cứu của EoE, cho rằng tỉnh Vân Nam cũng hứng chịu hạn hán nghiêm trọng vào năm ngoái và lượng nước trong hồ chứa tại các đập thủy điện giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.

Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ tại buổi tọa đàm đã đưa ra thêm bằng chứng phản bác luận điệu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Cụ thể, chuyên gia Eyler cung cấp hình ảnh vệ tinh cho thấy đập Cảnh Hồng, đập Nọa Trác Độ từ tháng 5.2019 – 4.2020 có mực nước ở hồ chứa không thay đổi, có tháng còn tăng. Khu vực hạ lưu mới thật sự chịu cảnh hạn hán nghiêm trọng và đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam không có nước ngọt, theo ông Eyler.

Chuyên gia Basist nhấn mạnh: “Dữ liệu vệ tinh với độ chính xác 89% cho thấy Trung Quốc dùng các đập khống chế dòng chảy tự nhiên, hủy hoại hệ sinh thái toàn bộ dòng sông

Mê Kông, từ đó đe dọa sinh kế của hàng chục triệu người dân ở khu vực hạ lưu”.

Trung Quốc làm gì với nước giữ trong đập ?

Chính quyền Trung Quốc không có hiệp ước chính thức với các nước hạ lưu nhưng luôn hứa hẹn sẽ hợp tác quản lý dòng sông dài 4.350 km. Dù vậy, các chuyên gia Trung tâm Stimson thường nghe những bên liên quan của Trung Quốc lặp lại quan điểm đáng lo ngại: không chia sẻ dù chỉ một giọt nước nếu Trung Quốc chưa sử dụng trước, bất kể khu vực hạ lưu phải trả giá.

“Các đập Trung Quốc hiếm khi được yêu cầu vận hành để sản xuất điện. Tuy chưa có bằng chứng nhưng chúng tôi không thể loại trừ khả năng Trung Quốc chuyển nước từ thượng nguồn sông Mê Kông vào các lưu vực khác để phục vụ tưới tiêu nội địa hoặc mục đích khác. Trung Quốc từng có dự án chuyển nước Nam – Bắc trị giá 62 tỉ USD”, ông Eyler nói.

Ủy hội Sông Mê Kông và Cơ chế hợp tác Mê Kông – Lan Thương đang phối hợp điều tra để xác định nguyên nhân thật sự của đợt hạn hán năm 2019. “Nghiên cứu của EoE đưa ra bằng chứng rõ ràng cho bất kỳ luận điểm nào còn nghi ngờ về tác động của các con đập Trung Quốc”, ông Eyler nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới