Monday, January 6, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTQ lập quận và đặt tên các thực thể địa lý ở...

TQ lập quận và đặt tên các thực thể địa lý ở Biển Đông đều không có giá trị về mặt pháp lý

Sau khi thất bại thảm hại trong vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng ra Tòa Trọng tài Thường trực La Hay, Trung Quốc đang tìm mọi cách để hợp pháp hóa yêu sách phi lý và sự chiếm đóng bất hợp pháp các cấu trúc trên Biển Đông của họ bằng những hành động tuyên bố ngang ngược. Mới đây nhất, Trung Quốc tranh thủ khi các nước đang bận ứng phó với đại dịch Covid-19, liên tiếp đưa ra những “công bố” phi lý.

Một là, ngày 18/4/2020, Quốc vụ viện Trung Quốc ngang nhiên công bố lập cái gọi là “quận Tây Sa” có trụ sở đặt ở đảo Phú Lâm, quản lý quần đảo Hoàng Sa và bãi Macclesfield (Trung Quốc gọi là Trung Sa) cùng các vùng biển xung quanh; “quận Nam Sa” có trụ sở đặt ở đá Chữ Thập, quản lý quần đảo Trường Sa cùng vùng biển xung quanh.Đặt hai quận này trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà Trung Quốc công bố bất hợp pháp năm 2012.

Hai là, ngày 19/4/2020, Bộ Dân chính Trung Quốc tự tiện công bố cái gọi là “đặt tên tiêu chuẩn” cho 25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý nằm trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của họ ở Biển Đông. Cùng với việc đặt tên cho các thực thể này, Trung Quốc cũng công bố kinh độ và vĩ độ của các đảo, bãi đá và thực thể.

Mục tiêu của Trung Quốc là thông qua các tuyên bố nói trên để thể hiện cái gọi là “sự quản lý” của Bắc Kinh đối với các thực thể và vùng biển ở Biển Đông; từng bước hợp pháp hóa sự chiếm đóng bất hợp pháp bằng vũ lực của họ ở Biển Đông cũng như yêu sách vùng biển phi lý trong “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực vụ kiện Biển Đông của Philippines ra phán quyết ngày 12/7/2016 bác bỏ. Xa hơn nữa, Trung Quốc chuẩn bị để đối phó với việc các nước ven Biển Đông có thể dùng biện pháp pháp lý trong tương lai.

Tuy nhiên, những việc làm kể trên của Trung Quốc hoàn toàn không có giá trị về mặt pháp lý vì trên thực tế đây chỉ là hành động đơn phương từ phía Trung Quốc. Theo luật pháp quốc tế, một tuyên bố có giá trị pháp lý quốc tế cần phải thỏa mãn hai yếu tố: thứ nhất, tuyên bố phải dựa trên luật pháp quốc tế; thứ hai, tuyên bố đó phải có được sự công nhận của các quốc gia liên quan. Chúng ta cùng xem xét tuyên bố của Trung Quốc dựa trên các yêu tố này.

Về yếu tố thứ nhất, một điều rất rõ ràng là những gì Trung Quốc đã và đang làm hoàn toàn đi ngược luật pháp quốc tế. Căn cứ các chứng cứ pháp lý và quyền thụ đắc lãnh thổ, Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các tư liệu pháp lý, lịch sử hiện còn lưu giữ tại các trung tâm lưu trữ quốc tế chứng minh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và năm 1988, Trung Quốc tiếp tục sử dụng vũ lực đánh chiếm 6 cấu trúc thuộc Trường Sa (một cấu trúc khác là bãi Vành Khăn, Trung Quốc đánh chiếm năm 1995). Hành động chiếm đóng của Trung Quốc bằng vũ lực vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, không mang lại cho Trung Quốc chủ quyền hợp pháp đối với các cấu trúc này.

Ngoài ra, việc công bố của Quốc vụ viện Trung Quốc còn nói rằng hai quận mới thành lập không chỉ quản lý những thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi Macclesfield (Trung Quốc gọi là “quần đảo Trung Sa”) mà còn quản lý vùng biển xung quanh các thực thể. Điều này hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế.

Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc cũng là thành viên, các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng. Những thực thể ở Trường Sa, cũng như bãi Macclesfield, đều thuộc dạng này.

Vậy thì Trung Quốc dựa trên cái gì để tự cho mình quyền quản lý những khu vực đó? Chủ quyền không có và UNCLOS không cho phép. Giới cầm quyền Bắc Kinh đã bất chấp tất cả để đưa ra những tuyên bố bất hợp pháp.

Về yếu tố thứ hai (thái độ của các quốc gia liên quan), rõ ràng Việt Nam không ngừng lên tiếng phản đối bất cứ hành động nào của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này với các bằng chứng lịch sử và pháp lý. Mới đây nhất, trong công hàm gửi lên Liên hợp quốc ngày 30/3/2020, Việt Nam đã một lần nữa khẳng định điều này.

Sau Việt Nam Philippines cũng đã lên tiếng phản đối công bố ngày 18/4/2020 của Trung Quốc. Mỹ không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng bất bình trước việc làm này cũng đã lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh. Mới đây nhất, hôm 22/4/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên án việc Trung Quốc tận dụng cơ hội khi thế giới đang tập trung vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 để tiếp tục có những hành vi khiêu khích; phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc ép buộc, bắt nạt các nước láng giềng ở Biển Đông.

Còn việc Trung Quốc tuyên bố hai quận mới thành lập quản lý các vùng biển ở Biển Đông thì vấp phải sự phản đối của cả cộng đồng quốc tế; các nước đều kêu gọi Trung Quốc tuân thủ UNCLOS. Yêu sách về các vùng biển ở Biển Đông của Trung Quốc còn bị Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay bác bỏ trong vụ kiện Biển Đông của Philippines.

Công bố ngày 19/4/2020 của Bộ Dân chính Trung Quốc đặt tên cho 80 thực thể ở Biển Đông lại càng vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế. Theo tọa độ của các thực thể mà Trung Quốc nêu trong công bố ngày 19/8, nhiều thực thể đều là các bãi ngầm nằm dọc theo “đường lưỡi bò” phi pháp, trong đó một số thực thể nằm sâu trong thềm lục địa của các nước ven Biển Đông, thậm chí chỉ cách đất liền Việt Nam khoảng 60 hải lý.

UNCLOS quy định rõ những gì mà các nước có thể và không thể tuyên bố chủ quyền, theo đó không nước nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với các thực thể ngầm nếu chúng không nằm trong phạm vi 12 hải lý cách đất liền. Trung Quốc là thành viên của UNCLOS, vậy mà Trung Quốc đang phớt lờ các quy định của UNCLOS hay rắp tâm cố ý chống phá luật pháp quốc tế qua việc tuyên bố chủ quyền đối vơi các bãi ngầm nằm cách xa đất liền Trung Quốc tới 600-700 hải lý.

Cũng cần nhấn mạnh ở đây rằng việc đặt tên gọi cho các thực thể hay vùng biển như thế nào đi chăng nữa cũng không có giá trị trong việc xác định chủ quyền hay quyền quản lý của nước đó. Chẳng hạn như: Ấn Độ dương không có nghĩa vùng biển này là của Ấn Độ; tên gọi tiếng Anh của Biển Đông là biển “Nam Trung Hoa” không có nghĩa đây là vùng biển của Trung Quốc….

Như vậy, cho dù giới cầm quyền Bắc Kinh bất chấp các quy định của luật pháp quốc tế cũng như ý kiến của cộng đồng quốc tế, cố tình đưa ra các tuyên bố về việc thành lập các “đơn vị hành chính” hay đặt tên cho các thực thể ở Biển Đông thì đều vô giá trị về mặt pháp lý. Chúng ta cùng xem ý đồ của họ trong những việc làm này là gì?

Rõ ràng Trung Quốc đang cố thúc đẩy yêu sách “đường lưỡi bò” mặc dù đã bị Tòa Trọng tài bác bỏ. Trung Quốc đang tìm mọi cách để chiếm đoạt, không chỉ ở Trường Sa, Hoàng Sa mà họ còn lấn vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước ven Biển Đông, vốn đã được thừa nhận theo UNCLOS. Với cách làm lâu nay của những người cầm quyền ở Bắc Kinh có thể thấy rõ ý đồ thâm hiểm của họ.

Bắc Kinh đặt tên như vậy thì sau này họ sẽ rêu rao rằng đảo này, đá kia, bãi ngầm này là của Trung Quốc lâu đời rồi; Trung Quốc đã đặt tên rồi nên vùng biển này là của Trung Quốc theo cái gọi là “quyền lịch sử” – một khái niệm không có trong các quy định của UNCLOS và nếu như các nước có hoạt động khai thác thì họ sẽ cho là xâm phạm. Tức là họ tìm mọi cách để biến “không” thành “có”, do vậy cần phải ngăn chặn ngay từ đầu.

Qua những việc làm này càng thấy rõ bản chất của giới cầm quyền Bắc Kinh, họ đang sử dụng chiêu bài nham hiểm là biến mọi thứ thành “sự đã rồi” và sau này Trung Quốc sẽ có cớ để lu loa rằng những thực thể mang tên như thế kia là thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Việc các nước liên quan, trong đó có Việt Nam lên tiếng phản đối những hành động này của Trung Quốc là cần thiết để trước hết là đáp ứng cho yếu tố thứ hai nêu trên – tuyên bố đó phải có được sự công nhận của các quốc gia liên quan phục vụ cho cuộc chiến pháp lý lâu dài với Trung Quốc ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới