Saturday, September 21, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChuyên gia Timothy R.Heath: Mỹ phải thay đổi chiến lược vì đảo...

Chuyên gia Timothy R.Heath: Mỹ phải thay đổi chiến lược vì đảo Guam nằm trong tầm bắn của tên lửa TQ

Trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng hiện đại hóa lực lượng quân sự, đe dọa trực tiếp an ninh của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khiến Washington phải điều chỉnh chiến lược quốc phòng mới nhằm tăng cường khả năng đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng.

Ngay sau khi Mỹ rút toàn bộ máy bay ném bóm chiến lược B-52 khỏi căn cứ trên đảo Guam, Không quân Mỹ (2/5) đã thông báo đã điều 4 máy bay ném bom B-1 cùng khoảng 200 quân nhân đến đảo Guam. Việc điều động này nhằm củng cố “trật tự quốc tế dựa trên luật” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Tuy nhiên, quân đội Mỹ không thông tin số oanh tạc cơ và quân nhân trên sẽ đồn trú bao lâu.

Theo chuyên gia nghiên cứu cấp cao Timothy R.Heath (thuộc Tổ chức RAND, Mỹ) nhận định, Mỹ phải thay đổi chiến lược vì đảo Guam giờ đây đã nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc. Ưu điểm của chiến lược mới là khiến đối phương khó dự đoán hơn, đồng thời thích nghi hơn với tình hình hiện tại. Mỹ đang tính cách có thể triển khai tấn công từ nhiều hướng. Cũng từ chiến lược này, theo ông Heath, Washington có thể tính toán thêm các địa điểm đồn trú luân phiên khác ở khu vực mà không cần phải lệ thuộc vào một vài đối tác.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và nay đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng, các chỉ trích về việc kết thúc chương trình đồn trú luân phiên máy bay ném bom tầm xa ở đảo Guam đã không nhớ đến việc suốt từ thập niên 1980 – 2004, máy bay ném bom chiến lược của Mỹ cũng không hề hiện diện tại đây. Ông Schuster nhấn mạnh chiến lược của Mỹ trong khu vực Indo-Pacific dựa trên 3 nguyên tắc. Một là xây dựng, duy trì quan hệ hợp tác dựa trên lợi ích chung về hòa bình, ổn định. Hai là kết hợp sự hiện diện thường trực các lực lượng hải quân và lực lượng chiến thuật, các hoạt động khó đoán trước bởi các đơn vị tác chiến nhanh, có khả năng hoạt động toàn cầu. Ba là linh hoạt và phản ứng nhanh. Trong trường hợp trên, theo ông Schuster, khác với một chiến hạm, máy bay ném bom có thể dễ dàng tiếp cận khu vực mục tiêu trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, một máy bay ném bom được tích hợp vũ khí tấn công siêu thanh thì rõ ràng không nhất thiết phải thường trú trong khu vực và càng không cần thiết khi máy bay phải trú đóng trong tầm tấn công của đối phương. Không những vậy, theo chuyên gia Carl O.Schuster, cách thức này còn làm đối phương khó tính toán, đồng thời tăng cường hiệu quả răn đe. Theo đó, sự thay đổi sách lược của Mỹ còn giúp nước này có thêm nhiều chọn lựa, phối hợp linh hoạt giữa không quân và hải quân, nhằm xây dựng khả năng tấn công mở rộng.

Tiến sỹ Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định bằng việc đưa oanh tạc cơ về lại lục địa Mỹ, Washington có thể bất ngờ điều động trở lại khu vực Indo-Pacific mà Bắc Kinh khó có thể dự báo là nhằm hiện diện ở eo biển Đài Loan, hay Biển Đông hay một khu vực nào đó ở Thái Bình Dương. Và nếu xảy ra xung đột thì chiến lược này khiến Trung Quốc phải dàn trải binh lực phòng thủ từ nhiều hướng, nên thiếu tính tập trung.

Theo giới chuyên gia, không chỉ thay đổi về sách lược của không quân như đã nói, mà Mỹ còn đang định hình mô thức mới cho hoạt động của hải quân ở khu vực Indo-Pacific nói chung cũng như Biển Đông nói riêng. Cụ thể, trong lúc tàu sân bay USS Theodore Roosevelt phải neo ở đảo Guam do dịch bệnh Covid-19 lây lan, thì Lầu Năm Góc gần đây điều động tàu đổ bộ tấn công USS America (LHA-6) hoạt động ở khu vực. Giống như một số tàu khác thuộc các lớp Wasp hay America, tàu USS America có sàn tàu rộng và đã triển khai mang theo chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35. Nhờ đó, LHA-6 vẫn có thể tổ chức tác chiến như tàu sân bay. Bên cạnh đó, sự đa dạng đó cũng thể hiện trong việc Washington gần đây đã điều động tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords, thuộc lớp Independence, đến hoạt động ở Biển Đông. Việc này cho thấy Mỹ đang cải thiện sức mạnh, tính hiệu quả cho tàu tác chiến cận bờ hoạt động ở Biển Đông. Việc tàu lớp Independence được trang bị tên lửa đột kích hải quân thế hệ mới (NSM) có ý nghĩa quan trọng để tăng cường sức mạnh. NSM là loại tên lửa đối hạm hiện đại, thậm chí có nhiều ưu điểm so với tên lửa Harpoon vốn đã có hơn 40 năm đồng hành cùng nhiều lớp tàu chiến Mỹ.

Được biết, từ đầu tháng 3 đến nay, Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động phi pháp trên Biển Đông. Trong số các hành động nói trên có thể kể đến vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và EEZ của Malaysia, tuyên bố thành lập “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt tên cho khoảng 80 cấu trúc trên biển Đông…

Trước những hành vi trên của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và các nghị sĩ Mỹ đã lên án cách hành xử của Trung Quốc ở biển Đông là bất hợp pháp, gây hại cho các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, Mỹ gần đây cũng tăng cường điều tàu chiến, máy bay tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Theo đó, Mỹ (30/4) đã triển khai 04 máy bay ném bom B-1B Lancer đến biển Đông. Trong đó, hai máy bay ném bom B-1B Lancer thuộc Phi đội máy bay ném bom 28 tại căn cứ không quân Ellsworth ở bang South Dakota (Mỹ) đã bay một chặng 32 tiếng nhằm thực hiện chiến dịch trên biển Đông. Một ngày trước đó (29/4), hải quân Mỹ điều tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hills đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 28/4, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry của Mỹ đến gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm trái phép.

RELATED ARTICLES

Tin mới