Wednesday, January 1, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaHọc giả Mỹ: TQ đang vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc...

Học giả Mỹ: TQ đang vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Giới chuyên gia, học giả Mỹ nhận định Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp trên Biển Đông bằng chiến thuật “tấn công quyến rũ” quen thuộc, đánh lạc hướng sự chú ý của thế giới với tham vọng của nước này.

Nhà khoa học chính trị Jeffrey W. Hornung tại tổ chức phi lợi nhuận RAND Corp của Mỹ cho rằng, xuất phát từ chiến thuật quen thuộc, Trung Quốc đã và đang thực hiện “cuộc tấn công quyến rũ” trên phạm vi toàn cầu để cố gắng phân tán sự chú ý của thế giới vào những cáo buộc liên quan đến trách nhiệm của Bắc Kinh trong việc bùng nổ đại dịch Covid-19. Hơn một thập kỷ trước, người ta thường nghe thấy Trung Quốc nói theo đuổi trỗi dậy hòa bình và vì thế mà dường như các nước trong khu vực không có gì phải lo lắng. Nhưng những lời lẽ đó hóa ra chính là một đòn tấn công quyến rũ. Vào giữa những năm 2010, Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh chiến dịch hàng hải chống lại các nước láng giềng. Cho dù đó là câu chuyện Trung Quốc triển khai lực lượng quân sự, bán quân sự để đối đầu với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông hay việc ngang nhiên bồi đắp, xây đảo nhân tạo trái phép quy mô lớn ở Biển Đông… tất cả đều cho thấy tuyên bố trỗi dậy hòa bình không phải ý định thực sự của Bắc Kinh. Theo Hornung, có thể thấy, đòn tấn công quyến rũ một lần nữa lại được Trung Quốc sử dụng khi nhìn vào cách ứng phó với đại dịch Covid-19 và cách hành xử của Bắc Kinh với các nước láng giềng. Bên cạnh đó, chuyên gia Hornung cho rằng để đánh lạc hướng sự chú ý của thế giới, Trung Quốc đã viện trợ cho hàng trăm quốc gia các vật tư y tế, gồm hàng chục triệu khẩu trang, hàng triệu bộ xét nghiệm và máy thở, bao gồm 1.000 máy thở cho bang New York, Mỹ. Đây là những tin tức tốt, nhưng không vì thế mà người ta có thể tin rằng Trung Quốc sẽ không có hành vi xấu với các nước láng giềng đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo nhà phân tích Hornung, trong khi các nước láng giềng “đau đầu” để ngăn chặn dịch bệnh, khắc phục các vấn đề về kinh tế, y tế, xã hội phát sinh thì Trung Quốc dường như đang lợi dụng sự xao lãng của các nước. Thông qua việc sử dụng “ngoại giao khẩu trang”, Trung Quốc muốn cố gắng để khiến các nước quên đi trách nhiệm của Bắc Kinh trong đại dịch toàn cầu.

Chuyên gia James Kraska, Giáo sư Luật Hàng hải quốc tế tại Đại học Hải chiến Mỹ nhận định việc Trung Quốc ngang nhiên thành lập cái gọi là “khu Tây Sa” và “khu Nam Sa” đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS 1982. Theo đó, cái gọi là “khu Tây Sa” và “khu Nam Sa” mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố thiết lập trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành vi gây bất ổn nghiêm trọng cho khu vực bởi nó vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc xâm phạm đến lãnh thổ, quyền chủ quyền và sự độc lập về chính trị của một quốc gia khác. Việc triển khai lực lượng quân đội để tiến hành những hành vi nói trên đã vi phạm Điều 2.4 Hiến chương Liên Hợp Quốc mà chính Trung Quốc cũng đã từng vi phạm vào năm 1974 khi nước này tiến hành đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Rõ ràng, những hành vi gây bất ổn cho hoà bình và an ninh khu vực của Trung Quốc có thể làm gia tăng nguy cơ chạy đua vũ trang giữa các quốc gia trong khu vực cũng như kéo theo sự tăng cường hiện diện quân sự tại các quốc gia ngoài khu vực. Bên cạnh đó, cái gọi là “khu Tây Sa” và “khu Nam Sa” của Trung Quốc còn vi phạm hàng loạt các điều khoản của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Đáng chú ý nhất là Điều 56 UNCLOS, trong đó cho phép các quốc gia ven biển thiết lập Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong EEZ, các quốc gia ven biển mà trong trường hợp này là Việt Nam có quyền đánh bắt cá, khai thác các nguồn tài nguyên, trong đó có dầu mỏ và khí đốt. Hành động này của Trung Quốc còn vi phạm điều 87 và 58 của UNCLOS trong đó khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực cũng như phần lớn các điều khoản trong Phần V và Phần VI của UNCLOS liên quan đến EEZ cũng như thềm lục địa của Việt Nam trong vùng biển này. Chuyên gia James Kraska cũng cho rằng Phán quyết của PCA về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông hồi năm 2016 có thể được áp dụng trong trường hợp này. Chiếu theo nội dung phán quyết của PCA, có thể thấy rõ Trung Quốc đã rất phi lý khi ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là khu “Nam Sa” và khu “Tây Sa”. Phán quyết của PCA nêu rõ, UNCLOS bao trùm toàn bộ khuôn khổ pháp lý trên đại dương và việc một quốc gia tuyên bố thiết lập các khu vực hành chính ngay trong khu vực thuộc chủ quyền hợp pháp của một nước khác đã vi phạm nghiêm trọng nội dung phán quyết năm 2016 của PCA.Ngoài ra, Trung Quốc đang lợi dụng việc các nước phải tập chung chống lại đại dịch Covid-19 hòng đạt được “những mục tiêu chiến lược” mà nước này đề ra trên Biển Đông. Đó cũng chính là lý do những hành vi sai trái của Trung Quốc chưa vấp phải nhiều sự phản đối mạnh mẽ như trước đây. Các nước trong và ngoài khu vực mong muốn duy trì thượng tôn pháp luật trên biển cũng như Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS ở Biển Đông cần có những phản ứng mạnh mẽ hơn nữa. Hơn thế nữa, các nước trong khu vực, trong đó có Malaysia, Philippines và Việt Nam nên đàm phán để đạt được “quan điểm chung” liên quan đến vấn đề Biển Đông trước khi cùng truyền đạt quan điểm chung này tới Trung Quốc. Điều này là bởi, Trung Quốc vẫn đang thực thi chính sách “chia để trị” đối với các nước và cách duy nhất để các nước có thể phản ứng hiệu quả hơn với những hành vi sai trái của Trung Quốc là đoàn kết chặt chẽ với nhau. Ngoài ra, việc các nước trong khu vực có thể đoàn kết chặt chẽ với nhau sẽ tạo điều kiện để các nước ngoài khu vực như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ có thể hỗ trợ tốt hơn nữa quá trình đàm phán với Trung Quốc của các quốc gia nói trên.

Học giả Hunter Stires, Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử biển John B Hattendorf, Học viện Hải chiến (Mỹ, 4/5) lại cho rằng mục đích của lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc là thiết lập một trật tự đóng kín và không tự do, lấy Trung Quốc làm trung tâm ở Biển Đông. Để biến tầm nhìn của mình thành hiện thực, Trung Quốc đã tiến hành áp đặt ý chí và luật pháp trong nước lên ngư dân và thuyền viên các nước Đông Nam Á khác ở Biển Đông. Trong khi đó, chuyên gia Timothy R.Heath (Viện RAND, Mỹ) và chuyên gia Carl O.Schuster, Đại học Hawaii, (Mỹ) đánh giá Mỹ đang có sách lược quân sự mới để đối phó Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cụ thể, việc Mỹ đưa máy bay ném bom trở về lục địa Mỹ và có thể xuất kích từ Mỹ để đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái bình Dương sẽ khiến đối phương bất ngờ, và khó đoán định mục tiêu cụ thể.

Đáng chú ý, học giả Derek Grossman, viện RAND, nhận định việc Việt Nam áp dụng phương pháp “than vãn” công khai và “hợp tác và đấu tranh” hiện nay không làm Trung Quốc dừng các hành động cứng rắn. Về song phương, ông đánh giá Việt Nam có thể: dọa kiện Trung Quốc ra một tòa án quốc tế (ông cho rằng Việt Nam đang cân nhắc nghiêm túc ý định này); ngừng kiểm soát báo chí đưa tin về các hành động cứng rắn của Trung Quốc; hạ cấp quan hệ xuống dưới “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” để thể hiện quan hệ song phương đang bị ảnh hưởng; học Indonesia đáp trả cứng rắn lại Trung Quốc. Về đa phương, Việt Nam có thể: thúc đẩy ASEAN đàm phán COC theo hướng có lợi cho Việt Nam và kéo dài thời gian làm Chủ tịch ASEAN; quốc tế hóa hơn nữa vấn đề Biển Đông; tăng cường hợp tác quân sự với các nước khác như Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Anh… Ông cho rằng Việt Nam có rất nhiều lựa chọn, nhưng điều quan trọng là Việt Nam quyết định đi xa tới mức nào.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (5/5) lên án Trung Quốc đang lạm dụng cách hành xử hung hăng trên Biển Đông và đẩy mạnh chiến dịch tung thông tin sai lệch để né trách nhiệm về đại dịch COVID-19. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper lên án các hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian qua. Theo ông Mark Esper, “trong lúc Trung Quốc tăng tốc chiến dịch tung thông tin sai lệch để đổ lỗi và đánh bóng hình ảnh của họ, chúng tôi tiếp tục nhìn thấy cách hành xử hung hăng từ phía Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trên Biển Đông, từ đe dọa tàu hải quân Philippines đến làm chìm tàu cá của Việt Nam và đe dọa những nước khác không được tiến hành hoạt động phát triển dầu khí xa bờ”. Trước các hành động hung hăng này, Mỹ đã điều động hai tàu hải quân tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông vào tuần qua. Các hoạt động này của Mỹ nhằm gửi thông điệp Washington sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải và thương mại cho tất cả quốc gia dù lớn hay nhỏ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhận định nhiều nước đang tập trung cho hồi phuc sau đại dịch. Trong bối cảnh đó, “những đối thủ chiến lược của Mỹ” đang tìm cách lợi dụng khủng hoảng vì lợi ích riêng dù khiến những nước khác chịu thiệt; đồng thời cáo buộc Trung Quốc không minh bạch từ thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát; nhấn mạnh nếu Trung Quốc minh bạch hơn, mở cửa hơn, thẳng thắn hơn trong việc cung cấp cho các nước quyền tiếp cận, báo cáo, cung cấp quyền tiếp cận không chỉ với những người ở thực địa mà còn với những điều Bắc Kinh có được về virus để các nước tìm hiểu, có lẽ Mỹ lúc này đang trong một vị thế rất khác. Không nhưng vậy, Bộ trưởng Esper kêu gọi Trung Quốc cho phía Mỹ tiếp cận với những ca nhiễm sớm, giới nghiên cứu và các nhà khoa học Trung Quốc. Ông cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách tận dụng cơ hội để thúc đẩy thông điệp nước này là “người tốt”. Ông đề cập đến việc Trung Quốc hỗ trợ khẩu trang và vật tư y tế cho nhiều nơi, nhưng trong nhiều trường hợp các trang thiết bị lại kém chất lượng và không đáp ứng được kỳ vọng. Bên cạnh đó, những ràng buộc là rất lớn trong nhiều trường hợp. Họ nói với một quốc gia rằng bạn có thể lấy số khẩu trang này “nhưng hãy công khai ca ngợi Trung Quốc tốt như thế nào, họ đang làm hiệu quả ra sao”; cho rằng Bắc Kinh đang cố đánh bóng hình ảnh nhưng sau hậu trường lại răn đe, điển hình là các đe dọa trả đũa nhắm vào Australia.

RELATED ARTICLES

Tin mới