Tuesday, November 5, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNgăn chặn TQ khiêu khích: Mỹ tăng cường tàu chiến hỗ trợ...

Ngăn chặn TQ khiêu khích: Mỹ tăng cường tàu chiến hỗ trợ các nước ven Biển Đông

Mỹ đã điều thêm hai tàu chiến hoạt động gần tàu thăm dò West Capella (Malaysia) ở Biển Đông. Đây là hành động nhằm thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với tàu West Capella, trong bối cảnh tàu Malaysia bị các tàu hải quân, hải giám và tàu cá Trung Quốc đe dọa trong những tháng gần đây dù đang hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.

Viện Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho hay, các tàu Trung Quốc còn nhắm tới cả các tàu cung ứng hỗ trợ cho tàu West Capella khi đang hoạt động ở khu vực ngoài khơi Malaysia. Trước hành động trên của Trung Quốc, Mỹ đã điều tàu chiến USS Montgomery và tàu tiếp vận USNS Cesar Chavez thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ tới gần tàu thăm dò West Capella của Malaysia.

Phát biểu về hoạt động của tàu chiến Mỹ, Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương (7/5) của Mỹ cho biết, “Mỹ cam kết duy trì trật tự dựa trên các quy định ở Biển Đông. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền tự do trên biển và quy định luật pháp”. Cũng theo ông Aquilino, Trung Quốc phải chấm dứt hành động bắt nạt các nước Đông Nam Á để độc chiếm dầu mỏ, khí đốt và đánh cá ở ngoài khơi. Hàng triệu người dân trong khu vực đang phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên này để sinh sống.

Sự xuất hiện đầy sức mạnh của tàu chiến Mỹ ngoài khơi Malaysia cho thấy cam kết của Washington đối với khu vực trước hành động bắt nạt của Bắc Kinh trên Biển Đông. Được biết, trong nhiều ngày từ 20/4, tàu đổ bộ tấn công USS America (LHA-6) mang theo các tiêm kích tàng hình F-35 và trực thăng cùng đơn vị thủy quân lục chiến tuần tra với 2 tàu hộ tống gồm tàu khu trục USS Barry và tuần dương hạm USS Bunker Hill tổ chức tập trận gần khu vực căng thẳng giữa Trung Quốc và Malaysia. Nhóm tàu chiến Mỹ tiến gần tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc, đi kèm với đội tàu hải cảnh, tàu đánh cá, được gọi là lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc. Mới đây, Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ cho biết, 4 oanh tạc cơ B-1B cùng binh sĩ Mỹ đã được điều động tới căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam vào ngày 1/5. Trong đó, 3 máy bay ném bom B-1B bay thẳng tới căn cứ Andersen, còn chiếc thứ tư bay tới vùng biển gần Nhật Bản để tham gia chương trình huấn luyện cùng lực lượng hải quân Mỹ trước khi tới đảo Guam. Cũng trong tuyên bố trên, các máy bay ném bom của Mỹ sẽ còn tham gia vào “những sứ mệnh ngăn chặn chiến lược để củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”.

Theo giới truyền thông, mục tiêu của lực lượng hàng hải hỗn hợp, nhưng có sự phối hợp chặt chẽ của Trung Quốc là West Capella, tàu thăm dò dầu khí thuộc sở hữu của Petronas, tập đoàn năng lượng quốc doanh của Malaysia. Nó đã hoạt động gần rìa ngoài của vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của Malaysia, ngoài khơi Sarawak, kể từ cuối năm 2019. Sự việc trở nên căng thẳng khi tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc được hộ tống bởi các tàu hải cảnh, và dân quân hàng hải xuất hiện để cản trở hoạt động của tàu thăm dò Malaysia. Mục đích rõ ràng của Trung Quốc là đe dọa và phá hoại hoạt động thăm dò của Malaysia, ép buộc các quốc gia Đông Nam Á khác chấp nhận khai thác chung (ngoài biển) với Trung Quốc.

Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang ép các nước Đông Nam Á phải hợp tác với Bắc Kinh trong các hoạt động thăm dò dầu khí trên Biển Đông. Giới phân tích cho rằng, Hải quân Mỹ cần một phương tiện có thể hiện diện ở Biển Đông lâu và ít leo thang hơn. Tàu chiến duyên hải được xem là phương tiện phù hợp, nhưng chương trình này đang vấp phải sự chỉ trích vì khả năng chiến đấu khiêm tốn và các vấn đề về độ tin cậy.

Bắc Kinh đã nhiều lần thực hiện những cuộc khảo sát kiểu “ép buộc” như vậy, xâm lấn dần về phía nam, dù thực tế Trung Quốc không có cơ sở theo luật pháp quốc tế để có thể tuyên bố quyền tài phán. Bắc Kinh đã đơn phương tuyên bố cái gọi là “đường chín đoạn”, chiếm tới 80% diện tích Biển Đông, từ lâu bị phần lớn cộng đồng quốc tế bác bỏ.

Trước những hành động phi pháp của Trung Quốc, Chính quyền Malaysia (23/4) mới đưa ra phản ứng chính thức. Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Hishammuddin kêu gọi giải quyết vấn đề biển Đông bằng giải pháp hòa bình, song nhấn mạnh nước này quyết bảo vệ lợi ích và quyền lợi của mình tại đó; cho rằng mặc dù luật pháp quốc tế bảo đảm tự do hàng hải, sự hiện diện của tàu chiến và các tàu khác trên biển Đông có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng, dẫn đến những tính toán sai lầm có thể gây ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và sự ổn định khu vực. Ngoài ra, ông Hishammuddin còn cho biết Malaysia sẽ tiếp tục liên lạc cởi mở với mọi bên liên quan, trong đó có Trung Quốc và Mỹ. Trước đó, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Anifah Aman đã viết thư cho Thủ tướng Tan Sri Muhyiddin Yassin kêu gọi đáp trả hành vi của tàu Hải Dương địa chất 08. Ông Datuk Seri Anifah Aman khẳng định đây không phải lần đầu tàu Trung Quốc “xâm nhập” EEZ của Malaysia và nhấn mạnh việc bảo vệ, thúc đẩy các lợi ích chiến lược quốc gia phải là nguyên tắc chủ đạo và Malaysia phải quyết đoán trong việc bảo vệ lợi ích, quyền lợi quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Malaysia cần có một lập trường kiên định dựa trên các quy tắc là giải pháp hiệu quả nhất để đối phó với hành vi của Trung Quốc trên biển Đông, đồng thời kêu gọi Thủ tướng Yassin cân nhắc thành lập một tổ chức đặc biệt để giải quyết các vấn đề hàng hải Malaysia, trong đó có vấn đề Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới