Để tránh sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã giấu thông tin và tìm cách lấp liếm nguồn gốc dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, cũng chính vì dịch bệnh mà ngoại giao Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn, các kế hoạch, chương trình nghị sự ngoại giao của giới chức Bắc Kinh gần như bị hủy bỏ hết.
Cuộc chiến về nguồn gốc dịch bệnh
Nguồn gốc virus SARS-CoV-2 tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi quốc tế những ngày qua. Vụ việc tiếp tục bị đẩy lên cao trào khi Mỹ tuyên bố có bằng chứng cho thấy loại virus này xuất phát từ 1 phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Ngay lập tức, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề nghị Mỹ đưa ra bằng chứng, trong khi truyền thông Trung Quốc cũng có những phản ứng “khá gay gắt” với tuyên bố này của Mỹ.
Sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ rằng có “1 lượng chứng cứ lớn” cho thấy virus SARS-CoV-2 xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace khẳng định, Trung Quốc cần giải đáp các câu hỏi liên quan đến chia sẻ và sự minh bạch thông tin về dịch COVID-19 với thế giới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Anh cũng nhấn mạnh, hiện giờ chưa phải là lúc để “mổ xẻ” vai trò của Trung Quốc trong đại dịch COVID-19. Theo ông, điều này nên để sau khi thế giới kiểm soát được dịch bệnh và nền kinh tế trở lại bình thường. Ông nhấn mạnh, Trung Quốc cần cởi mở và minh bạch về những gì họ biết, cả những thiếu sót lẫn những thành công của nước này.
Tranh cãi về nguồn gốc virus tiếp tục trở nên căng thẳng hơn khi truyền thông đăng tải 1 bản báo cáo dài 15 trang được cho là của Cộng đồng tình báo 5 nước gồm Anh, Mỹ, Canada, Australia và New Zealand, cáo buộc Trung Quốc đã cố ý giấu hoặc hủy bằng chứng về dịch COVID-19.
Đáp trả những cáo buộc của Mỹ và phương Tây, truyền thông Trung Quốc cũng đã ngay lập tức đăng tải nhiều bài viết công kích các cáo buộc của Mỹ nhằm vào nước này, yêu cầu Mỹ trình ra chứng cứ. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã đăng bài một bình luận khá “gay gắt”, chỉ trích các chính trị gia Mỹ đang gấp rút đổ lỗi cho Trung Quốc khi nỗ lực chống dịch bên trong nước Mỹ đang là “một mớ hỗn độn”. Bài bình luận này cũng trích dẫn lại nhiều nguồn tin đánh giá virus SARS Co-V2 có nguồn gốc tự nhiên và không phải do con người tạo ra. Thời báo Hoàn cầu cũng vừa đăng tải một bài viết khẳng định những tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ là “hoàn toàn vô căn cứ”. Theo Tờ báo này, nguồn gốc của virus là một câu hỏi khoa học. Tuy nhiên, nó đã bị chuyển thành một cuộc tấn công “ác ý” bởi các mưu đồ chính trị, tình báo và ngoại giao”.
Ngoại giao bế tắc
Diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 gây ra đã khiến các chương trình nghị sự ngoại giao của Trung Quốc gián đoạn và dự đoán tiếp tục ảnh hưởng tới nhiều cuộc gặp trực tiếp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhiều nguyên thủ các nước trong những tháng tới. Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), năm ngoái, các cuộc gặp mặt trực tiếp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và những người đồng cấp là nền tảng ngoại giao của Trung Quốc. Chỉ trong 2019, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thăm tổng cộng 13 quốc gia châu Âu, châu Á và Nam Mỹ, cũng như tham dự năm hội nghị quốc tế và đem lại nhiều kết quả đáng chú ý. Cụ thể, tháng 6/2019, sau cuộc hội đàm tại Nhật Bản bên lề Hội nghị cấp cao G-20, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo một “lệnh ngừng bắn” tạm thời chiến tranh thương mại. Hay như chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới châu Âu trong tháng 3/2019 cũng mang về bản ghi nhớ với Italy – quốc gia đầu tiên trong Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) – chính thức gia nhập Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Tuy nhiên, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) cuối tháng 12 năm ngoái và nhanh chóng sau đó lan rộng ra gần 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến ít nhất 3,4 triệu người mắc bệnh và trên 240.000 người tử vong, hàng loạt kế hoạch công du của Chủ tịch Trung Quốc tới các nước khác cũng như các cuộc hội tụ nguyên thủ, lãnh đạo các nước tại Bắc Kinh đều bị hủy bỏ.
Cụ thể, chuyến thăm Nhật Bản dự kiến đầu tháng 4 của ông Tập Cận Bình đã được thông báo phải hoãn do dịch COVID-19. Theo kế hoạch ban đầu, nhà lãnh đạo Trung Quốc có cuộc gặp Nhật Hoàng Naruhito và Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe. Cuộc hội nghị thượng đỉnh giữa Bắc Kinh và Brussels vào cuối tháng Ba vừa qua cũng cùng chung cảnh, khiến ông Tập Cận Bình lỡ cơ hội gặp các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) mới. Bên cạnh đó, nguy cơ làn sóng lây lan dịch bệnh thứ 2 trong năm nay có thể trì hoãn nhiều chương trình nghị sự ngoại giao, khiến kế hoạch biến 2020 thành “Năm châu Âu” của Trung Quốc phần nào ảnh hưởng.
Trung Quốc hy vọng các các hội đàm về đầu tư sẽ có kết quả trong cuộc hội nghị thượng đỉnh tháng 9 năm nay, khi ông Tập Cận Bình dự kiến lần đầu tiên gặp gỡ đủ 27 lãnh đạo các nước thành viên EU tại Leipzig, Đức. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, giới quan sát cho rằng mục tiêu đó khó có thể đạt được. Họ cho rằng sự cấp bách trong việc giải quyết vấn đề dịch bệnh và vực dậy chuỗi cung ứng toàn cầu có thể phủ bóng hội nghị tháng 9, trong khi kết quả không được như mong muốn vì không có đủ thời gian cho các bên thương thảo về thỏa thuận đầu tư.
Một vấn đề khác đối với ngoại giao Trung Quốc đang phải đối mặt là Bắc Kinh đang bị nhiều quốc gia đổ lỗi vì khiến virus SARS-CoV-2 lây lan. Theo một nguồn tin ngoại giao, trọng tâm trong chương trình nghị sự ngoại giao của Trung Quốc trong năm nay có thể chuyển sang giảm bớt thiệt hại. Trước những cáo buộc “che giấu dịch bệnh” của Mỹ và một số quốc gia phương Tây, các đại sứ quán Trung Quốc trên khắp thế giới đã lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ Bắc Kinh trước sự thù địch quốc tế đang gia tăng. Bắc Kinh khẳng định họ minh bạch trong việc xử lý cuộc khủng hoảng y tế lần này và tích cực hợp tác với các nước khác trong nỗ lực kiểm soát, bao gồm gửi vật tư y tế đến các nước, tổ chức các hội nghị video để chia sẻ kinh nghiệm với các bác sĩ nước ngoài và tài trợ thêm cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 khiến quan hệ của Trung Quốc với những quốc gia còn lại trên thế giới thêm phức tạp. Kết quả là, điều này sẽ làm giảm khả năng gặp mặt trực tiếp của Chủ tịch Tập Cận Bình với lãnh đạo các nước phương Tây. Bên cạnh đó, COVID-19 sẽ kéo theo sự thay đổi trong quan hệ Trung-Nga và làm gia tăng cẳng thẳng với các quốc gia châu Phi.