Thời gian gần đây, trên các trang mạng lại xuất hiện nhiều bàn luận về công thư của cố Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng sau khi Trung Quốc một lần nữa nhắc lại công thư này trong công hàm gửi Liên hợp quốc ngày 17/4/2020. Nhiều tác giả đã lên tiếng mạnh mẽ sự bịa đặt của Trung Quốc liên quan đến công thư ngày 14/9/1958 của ông Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên, chưa thấy ai đề cập đến nội dung mấu chốt trong Tuyên bố 1958 của Trung Quốc. Xin phân tích qua nội dung này để bạn đọc hiểu rõ.
Điểm 1 trong Tuyên bố ngày 04/9/1958 của Chính phủ Trung Quốc có đề cập đến, Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo “Tây Sa” (tức Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo “Nam Sa” (tức Trường Sa). Đoạn cuối cùng của điểm một nói rõ “chúng (tức các đảo và quần đảo này) tách biệt với đất liền và các đảo ven bờ của Trung Quốc bởi “công hải” hay “biển cả”.
“Công hải” hay “biển cả” ở đây chính là vùng biển quốc tế. Việc thừa nhận trong một văn bản chính thức (Tuyên bố của Chính phủ) giữa các quần đảo Đông Sa, quần đảo “Tây Sa” (tức Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo “Nam Sa” (tức Trường Sa) tách biệt với đất liền và các đảo ven bờ bởi biển quốc tế đã vô hình trung bác bỏ ngay chính yêu sách “đường lưỡi bò” hay “Tam Sa”, “Tứ Sa” của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Lâu nay Trung Quốc thường đưa ra cái gọi là yêu sách về “quyền lịch sử” rồi “quyền chủ quyền, quyền tài phán” của Trung Quốc trong phạm vi “đường lưỡi bò” hay trong yêu sách “Tứ Sa” mà Trung Quốc vừa mới nêu ra gần đây.
Điều cần nhấn mạnh ở đây là nội dung nói giữa các quần đảo Đông Sa, quần đảo “Tây Sa” (tức Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo “Nam Sa” (tức Trường Sa) và lục địa Trung Quốc tách biệt bởi biển cả được nêu trong một văn bản chính thức có giá trị về mặt pháp lý (Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; được đăng trên các báo của Trung Quốc và được in ấn cùng với các văn bản luật pháp khác của Trung Quốc trong tuyển tập pháp luật Trung Quốc.
Không rõ nhà chức trách Trung Quốc khi đính tấm bản đồ “đường lưỡi bò” cùng công hàm gửi lên Liên hợp quốc năm 2009 hay khi ông Mã Tân Dân (Ma Xinmin), Vụ phó Vụ Luật pháp và Điều ước của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi nêu yêu sách “Tứ Sa” trong cuộc họp kín với các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cuối tháng 08/2017 tại Boston có nghiên cứu Tuyên bố về lãnh hải ngày 04/9/1958 của Chính phủ Trung Quốc hay không?
Theo một số nguồn tin, trong vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi kiện Trung Quốc, Tòa Trọng tài Thường trực La Hay đã sử dụng nội dung này trong Tuyên bố ngày 04/9/1958 như một lập luận để bác bỏ hoàn toàn yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Trong công hàm gửi Liên hợp quốc ngày 17/4/2020, Trung Quốc còn ngang nhiên đề cập “Tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về lãnh hải của Trung Hoa, tuyên bố một lãnh hải rộng mười hai hải lý, và quy định rằng, Quy định này áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bao gồm quần đảo Đông Sa, “Tây Sa” (tức Hoàng Sa), Trung Sa (bãi cạn Scarborough), “Nam Sa” (Trường Sa) và tất cả các đảo khác thuộc Trung Hoa”, song họ cắt xén đi câu cuối nói các quần đảo này “tách biệt với lục địa Trung Quốc và các đảo ven bờ bởi biển cả” bởi lẽ họ ý thức rõ với nội dung này Tuyên bố năm 1958 đã bác bỏ ngay yêu sách “đường lưỡi bò” hay “Tứ Sa” của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Bắc Kinh đã cắt xén nội dung điểm 1 Tuyên bố năm 1958 của Chính phủ Trung Quốc và xuyên tạc, viện dẫn sai lệch công thư ngày 14/9/1958 cố Thủ tướng Việt Nam để lấp liếm cho những yêu sách phi lý của họ ở Biển Đông. Đây là cách làm thuộc về “truyền thống” của họ. Họ thường xuyên bóp méo, xuyên tạc, cắt xén, trích dẫn sai lệch nội dung từ các thỏa thuận song phương, đa phương đến luật pháp quốc tế (Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982) và thậm chí ngay cả các văn bản luật pháp do chính họ soạn thảo thường bị xóa đi những nội dung không có lợi cho chính sách bá quyền, bành trướng của họ.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang lợi dụng đại dịch Covid liên tiếp (trong 3 ngày liền) có các động thái liên quan đến Biển Đông trên các văn bản chính thức như: 17/4/2020, gửi công hàm lên Liên hợp quốc; 18/4/2020 tuyên bố thành lập 2 đơn vị quản lý hành chính đối với “Tây Sa” (Hoàng Sa), “Nam Sa” (Trường Sa) trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”; công bố tên đối với 80 thực thể ở Biển Đông.
Mục tiêu của Bắc Kinh là thông qua các văn bản này để củng cố sự chiếm đóng và yêu sách bất hợp pháp của họ ở Biển Đông, nhưng tính toán và việc làm của Bắc Kinh mâu thuẫn ngay với chính các văn bản mang tính pháp lý của họ. Chẳng lẽ lại có “biển cả” trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò” hay Trung Quốc tự cho mình cái “quyền chủ quyền, quyền tài phán” trên “biển cả” hay sao?
Đây là những câu hỏi liên quan đến điểm yếu cốt lõi trong Tuyên bố về lãnh hải ngày 04/9/2020 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mà tôi mong muốn các nhà nghiên cứu, chuyên gia phân tích hãy cùng mổ xẻ để giới cầm quyền Bắc Kinh bỏ đi cái thói “đổi trắng thay đen”, “gắp lửa bỏ tay người” hay “xuyên tạc sự thật lịch sử”.
Bản tiếng Việt của Tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
1) Bề rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi gần bờ, Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam), và các đảo khác thuộc Trung Quốc, chúng tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo ngoài khơi gần bờ bởi biển cả.
2) Các đường thẳng nối liền mỗi điểm cơ sở của bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi được xem là các đường cơ sở của lãnh hải dọc theo đất liền Trung Quốc và các đảo ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính ra từ các đường cơ sở là hải phận của Trung Quốc. Phần biển bên trong các đường cơ sở, kể cả vịnh Bột Hải và eo biển Quỳnh Châu, là vùng nội hải của Trung Quốc. Các đảo bên trong các đường cơ sở, kể cả đảo Đông Dẫn, đảo Cao Đăng, các đảo Mã Tổ, các đảo Bạch Khuyển, đảo Điểu Khâu, Ðại và Tiểu Kim Môn, đảo Đại Đảm, đảo Nhị Đảm, và đảo Đông Đĩnh, là các đảo thuộc nội hải Trung Quốc.
3) Nếu không có sự cho phép của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tất cả máy bay nước ngoài và tàu bè quân sự không được xâm nhập hải phận Trung Quốc và vùng trời bao trên hải phận này. Bất cứ tàu bè nước ngoài nào di chuyển trong hải phận Trung Quốc đều phải tuyên thủ các luật lệ liên hệ của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
4) Mục (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam), và các đảo khác thuộc Trung Quốc.
Khu vực Ðài Loan và Bành Hồ hiện tại vẫn bị lực lượng vũ trang Hoa Kỳ xâm chiếm. Ðây là hành vi phi pháp, xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ðài Loan và Bành Hồ đang chờ được thu phục. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền dùng mọi biện pháp thích ứng để lấy lại các phần đất này trong tương lai, không cho phép nước ngoài can thiệp.”