Saturday, September 21, 2024
Trang chủBiển nóngÝ đồ độc chiếm Biển Đông của TQ càng lộ rõ hơn...

Ý đồ độc chiếm Biển Đông của TQ càng lộ rõ hơn trong lúc đại dịch Covid-19

Mưu đồ độc chiếm Biển Đông là xuyên suốt và nó càng được giới cầm quyền Bắc Kinh thể hiện rõ hơn trong lúc toàn thế giới đang ứng phó với đại dịch Covid-19 qua những hành động hung hăng mới của họ thời gian gần đây. Các nhà quan sát đã cảnh báo về những hành động gây hấn mới của Bắc Kinh ở Biển Đông sau dịch Covid-19. Thế mà ngay khi cả thế giới đang còn lao đao vì dịch bệnh và Trung Quốc cũng chưa thoát khỏi dịch bệnh (một số ổ dịch mới đã lại xuất hiện ở Trung Quốc, thậm chí ngay ở Bắc Kinh) giới cầm quyền ở Bắc Kinh đã tiến hành một loạt các hành động gây hấn mới ở Biển Đông chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua.

Cộng đồng quốc tế đang vừa phải đối đầu với dịch bệnh lại vừa có những lo ngại về tình hình bất ổn trên Biển Đông do các hành vi hung hăng của Trung Quốc. Đặc biệt giới phân tích quốc tế hết sức quan ngại trước việc ngày 18/4/2020, Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” thuộc thành phố “Tam Sa” mà Trung Quốc đã tuyên bố thành lập trái phép ở Biển Đông năm 2012.

Là một người Việt sống tại Nga, tôi đã có dịp trao đổi với ông Grigory Loksin thuộc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn Lâm khoa học Nga về những hành động nói trên của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Grigory Loksin cho rằng hành vi hung hăng này cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng lợi dụng cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên thế giới do đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) gây ra để thiết lập quyền kiểm soát hoàn toàn Biển Đông và biến nó thành “ao nhà” của họ.

Theo ông Loksin, Trung Quốc không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động của nước này là vi phạm thô bạo Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 mà Trung Quốc đã ký và phê chuẩn. Việt Nam có các bằng chứng để khẳng định chủ quyền đối với các đảo này ở Biển Đông. Việt Nam đã nhiều lần khẳng định quan điểm này trong các tuyên bố liên quan; điều này một lần nữa được thể hiện trong một công hàm của Việt Nam gửi Liên hợp quốc ngày 30/3/2020 và trong một tuyên bố phản đối của Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 19/4/2020. 

Ông Lokshin nhận định, đằng sau sự khiêu khích mới của Trung Quốc là một kế hoạch lâu dài để thâu tóm ba nhóm đảo ở Biển Đông, gồm “Tây Sa” (tức Hoàng Sa), “Nam Sa” (tức Trường Sa) và “Trung Sa” (bãi cạn Scarborough và bãi Macclesfield). Mưu đồ của Trung Quốc là cố chứng minh tính hợp pháp của cái gọi là “đường lưỡi bò”, vốn đã bị Tòa Trọng tài thường trực Quốc tế phán quyết là hoàn toàn bất hợp pháp. Tất cả những điều bịa đặt của các chính trị gia và tuyên truyền viên Trung Quốc từ lâu đã bị hầu hết các chuyên gia chân chính coi là vô lý về mặt pháp lý, giống như “các quyền lịch sử” ở Biển Đông mà họ đã nghĩ ra để biện minh cho các yêu sách bất hợp pháp của mình.

Về các hành động gây hấn mới của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Grigory Lokshin hết sức bất bình trước việc giới lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định lợi dụng sự sao nhãng của toàn bộ cộng đồng thế giới hiện đang dồn tâm sức vào thảm họa khủng khiếp là dịch bệnh Covid-19 vốn xuất phát từ chính Trung Quốc và đã lan rộng đến hầu hết các nước. Và trong thời điểm khó khăn đối với mọi người, Trung Quốc lại đang thực hiện các hành động khiêu khích rõ ràng ở Biển Đông nhằm mục đích thúc đẩy chủ nghĩa bành trướng của nước này trong khu vực.

Ông Lokshin cho rằng khó có thể tưởng tượng được rằng, đất nước từng là “tâm chấn” của đại dịch toàn cầu Covid-19 lại lợi dụng chính dịch bệnh này để gây áp lực lên Việt Nam, Malaysia và Indonesia. Việc Trung Quốc điều các tàu khảo sát, được hộ tống bởi hàng chục tàu tuần tra, tiến vào các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia nói trên cho thấy quan điểm hung hăng không thể hòa giải của chính quyền Trung Quốc và các nỗ lực đe dọa của nước này không chỉ đối với Việt Nam, mà cả các nước ASEAN khác, mặc dù các cuộc đàm phán để đi đến ký kết Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông đang diễn ra.

Theo ông Lokshin những hành động này của Trung Quốc khiến tình hình trong khu vực càng trở nên phức tạp và căng thẳng hơn. Khu vực này vốn đã tồn tại những mối đe dọa lâu nay về di cư bất hợp pháp, buôn lậu, đánh bắt cá trái phép, khủng bố và cướp biển. Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi những mối đe dọa này. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông càng thêm phức tạp do các hoạt động gây hấn của Bắc Kinh, Việt Nam và các nước ASEAN khác đang buộc phải chuyển hướng các lực lượng và phương tiện đáng kể để đối phó với các hành động khiêu khích của Trung Quốc.

Để chống lại các hành động sai trái của Trung Quốc, ASEAN cần phát huy vai trò trung tâm trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực, trước hết cần tạo sự thống nhất giữa các nước ASEAN trên các vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Ba nước có liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông là Việt Nam, Malaysia và Philippines cần có sự phối hợp chặt chẽ với các nước Indonesia và Singapore để đưa ra các quan điểm chung chống lại các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Với tư cách là chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Hà Nội cần nỗ lực phát huy vai trò đi đầu trên vấn đề Biển Đông bởi đây là lợi ích thiết thân của Việt Nam.

Đồng thời, Việt Nam còn là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong năm 2020-2021.Việt Nam cần tranh thủ cơ hội này để khẳng định vị thế của mình và giành được sự ủng hộ của hầu hết các quốc gia trong cộng đồng thế giớitrong cuộc đối phó với mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Quan điểm trên của ông Lokshin, ở chừng mực nào đó, có thể không trùng với quan điểm chính thức của Liên bang Nga do thời gian gần đây trước sức ép của bao vây, cấm vận Nga cần tranh thủ quan hệ với Trung Quốc nên thường tránh lên tiếng chỉ trích những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Là một người Việt đã từng học tập và hiện sinh sống ở Nga, có quan hệ gần gũi với các bạn bè Nga. Mặc dù đang phải cùng người dân Nga nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-29, song hết sức căm phẫn trước những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông, tôi xin giới thiệu với bạn đọc ý kiến của một nhà nghiên cứu, chuyên gia chân chính của Nga về những diễn biến gần đây ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới