Nếu thương chiến Mỹ – Trung là tác nhân thúc đẩy xu hướng dời chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc thì dịch bệnh COVID-19 đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn. Và đây là cơ hội cho Việt Nam.
Ngày 3-5, Nhật Bản công bố chương trình hỗ trợ trị giá 2,2 tỉ USD khuyến khích các doanh nghiệp nội địa dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc về lại Nhật hoặc chuyển sang các nước Đông Nam Á.
Chất xúc tác đại dịch
Giới quan sát nhận định đại dịch COVID-19 đã khiến các quốc gia nhận diện rõ nguy cơ khi các chuỗi cung ứng của họ quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp đã chững lại khi COVID-19 bùng phát từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng dịch bệnh thực chất chỉ là chất xúc tác cho một diễn biến đã bắt đầu từ lâu, ngay cả trước khi thương chiến Mỹ – Trung bùng nổ.
“Việc di dời chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc thực chất bắt đầu từ trước thương chiến Mỹ – Trung, khi mức lương tại Trung Quốc đã tăng sau một khoảng thời gian. Cả cuộc chiến thương mại và đại dịch hiện nay đều đang kích thích quá trình vốn đã khởi động này” – ông Stephen Olson, cựu chuyên gia đàm phán của Mỹ và hiện đang làm việc tại Quỹ Hinrich Foundation, trả lời Tuổi Trẻ ngày 8-5.
Bên cạnh xu hướng vốn có, ông Olson cho rằng tác động từ dịch COVID-19 sẽ rõ ràng hơn ở một số lĩnh vực cụ thể như dịch vụ y tế, thiết bị bảo hộ và dược phẩm.
Nhật Bản không phải quốc gia duy nhất hành động trong thời gian gần đây. Hồi tháng 4, Chính phủ Ấn Độ đã liên hệ với hơn 1.000 doanh nghiệp để đề nghị các hỗ trợ hấp dẫn đối với những nhà sản xuất muốn rời khỏi Trung Quốc, theo Economic Times.