Chiến tranh Thế giới thứ hai (1939-1945) là cuộc chiến tranh lớn nhất trong lịch sử nhân loại do liên minh phát xít Đức, Ý và quân phiệt Nhật Bản phát động, tập trung chủ yếu tại chiến trường châu Âu và bao trùm trên hầu hết các châu lục, liên quan đến hơn 70 nước với 1,7 tỷ người, trong đó có tới 110 triệu quân tham chiến.
Trong cuộc chiến trên, Liên Xô vẫn là nước chịu thiệt hại lớn nhất về người và vật chất. Để đi đến Ngày Chiến thắng, nhân dân Liên Xô đã phải hứng chịu những hy sinh, mất mát to lớn nhất, những tổn thất không thể bù đắp nổi. Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 27 triệu người Liên Xô, trong đó gần 9 triệu chiến sỹ Hồng quân đã ngã xuống cho Ngày Chiến thắng. Nhân kỷ niệm 75 năm chiến thắng phátxít, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ hai, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc mừng lãnh đạo và người dân các nước Mỹ, Anh, Pháp và Đức. Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga luôn lưu giữ ký ức về những đóng góp của quân đội các nước trong phe đồng minh trong chiến thắng này và sẽ không bao giờ quên mối quan hệ đồng minh quân sự của hai nước trong giai đoạn lịch sử đó. Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ ngày nay, cả Moskva và Washington đều ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại những thách thức toàn cầu và tiếp nối truyền thống hợp tác được gây dựng trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ hai, hai nước sẽ có thể làm nhiều hơn nữa để đảm bảo an ninh và sự ổn định quốc tế.
Trong thông điệp gửi Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Putin khẳng định chiến thắng vĩ đại khép lại Chiến tranh Thế giới thứ hai đã trở thành một sự kiện lớn của thế kỷ 20, đánh dấu thời khắc quan trọng của toàn nhân loại. Ông Putin bày tỏ tin tưởng ký ức về liên minh quân sự trong cuộc chiến này sẽ giúp Nga và Anh thúc đẩy đối thoại mang tính xây dựng và sự tương hỗ trong cuộc chiến chống lại các mối đe dọa và thách thức hiện nay.
Cũng trong một bức điện gửi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh tới quan hệ hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới.
Nhân dịp này, Tổng thống Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã trao nhau lời chúc mừng trong cuộc điện đàm ngày 8/5. Tuyên bố của Điện Kremlin cho biết tại cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc gìn giữ ký ức lịch sử về những sự kiện thảm khốc trong những năm tháng chiến tranh. Lãnh đạo hai nước bày tỏ sự tin tưởng rằng cả Moskva và Berlin sẽ không bao giờ quên những người Đức yêu nước đã dũng cảm, kiên cường chống lại nước Đức quốc xã. Tổng thống Putin và Thủ tướng Merkel đều nhấn mạnh Nga và Đức hiện là đối tác cùng nhau giải quyết nhiều vấn đề quốc tế nổi cộm và khẳng định mong muốn xây dựng một mối quan hệ song phương mang tính xây dựng.
Mặc dù lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng bị hoãn do dịch bệnh, Nga vẫn tổ chức lễ duyệt binh trên không hoành tráng với sự tham gia của 75 máy bay. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, 75 máy bay, gồm 55 máy bay phản lực và 20 trực thăng đã bay trên bầu trời Quảng trường Đỏ vào ngày 9/5, tượng trưng cho 75 năm Ngày Chiến thắng Phát xít Đức (1945-2020). Trong thành phần phi đội bay qua Quảng trường Đỏ có các loại chiến đấu cơ vượt âm đa năng hiện đại như Su-35S và Su-30M, cường kích đa năng Su-34, tiêm kích đánh chặn MiG-31, các máy bay vận tải quân sự An-12 và An-26; trực thăng tấn công–trinh sát Ka-52 Alligator, trực thăng tấn công Mi-24, Mi-28 Kẻ săn đêm, và Mi-8 đa năng, cũng như trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26.
Tại Đức, Người phát ngôn của chính phủ Đức (08/5) cho biết Thủ tướng Angela Merkel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân kỷ niệm 75 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2. Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã tưởng nhớ hàng triệu nạn nhân, cũng như đánh giá về sự tàn phá không thể đo đếm được bởi cuộc chiến mà Đức Quốc xã tiến hành. Bên cạnh đó, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh tới vai trò đặc biệt của Mỹ trong quá trình hỗ trợ Đức sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 và mối quan hệ giữa được thắt chặt giữa hai nước trong những năm qua.
Tại Cuba, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel (08/5) đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó nhà lãnh đạo Cuba đã gửi lời chúc mừng tới Tổng thống Nga nhân kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ hai. Thông cáo do Điện Kremlin công bố cùng ngày cho biết, nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo cũng chúc mừng kỷ niệm 60 năm ngày khôi phục quan hệ ngoại giao Nga-Cuba, từng bị gián đoạn vào năm 1952 bởi nhà độc tài Cuba Fulgencio Batista. Sau khi cuộc Cách mạng Cuba thành công năm 1959, lãnh tụ lịch sử Fidel Castro đã thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Moskva vào ngày 8/5/1960. Cũng trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo Nga và Cuba đã thảo luận về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại hai nước và trên thế giới, đồng thời tái khẳng định quyết tâm mở rộng hợp tác giữa các cơ quan liên quan đến lĩnh vực y tế. Tổng thống Putin đã ghi nhận sự đóng góp đáng kể của lực lượng chuyên gia y tế Cuba trong công tác hỗ trợ đối phó dịch bệnh tại nhiều nước hiện nay.
Tại Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu với chủ đề “75 năm sau Chiến tranh Thế giới thứ hai tại châu Âu – Bài học rút ra để ngăn ngừa thảm kịch trong tương lai” tại phiên họp cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: “Cách đây bảy mươi lăm năm, cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử loài người đã khép lại sau khi gây thương đau không kể xiết cho hàng trăm triệu người dân trên thế giới. Nhân dịp này, chúng tôi xin được gửi những lời tri ân tới sự hy sinh, mất mát của các dân tộc Âu, Á, Phi, của những người lính Đồng minh và nhất là của nhân dân Xô Viết đã ngã xuống trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Chiến thắng trước quân phát xít và xâm lược trong cuộc Thế chiến, và trong tất cả các cuộc chiến tranh và xung đột, đã chứng minh rằng mọi hành động bành trướng, quân phiệt và tham vọng chinh phục, thống trị không bao giờ có thể thuyết phục được ý chí của các dân tộc tranh đấu vì độc lập và tự do. Không một thế lực nào có thể dập tắt được khao khát cháy bỏng của mọi dân tộc được sống trong hòa bình và những giá trị chung của nhân loại.
Với Việt Nam, Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc đã mang lại cho đất nước một khởi đầu mới. Việt Nam đã giành được độc lập sau gần một thế kỷ dưới chế độ thực dân. Vươn lên từ đống tro tàn của Thế chiến thứ hai, các quốc gia đã cùng nhau chung tay xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn. Từ những nỗ lực đó, một hệ thống an ninh tập thể dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc đã ra đời. Sự kết thúc của chiến tranh, đáng tiếc thay, không đảm bảo hòa bình được bền vững. Chủ nghĩa thực dân và những hành động xâm lược vẫn tiếp tục tàn phá các quốc gia. Đất nước Việt Nam chúng tôi cũng đã phải nếm trải thêm hàng thập kỷ chiến tranh tàn khốc trước khi giành được thắng lợi cuối cùng là hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước.
Từ những bài học được rút ra từ Chiến tranh Thế giới thứ hai và lịch sử đất nước mình, Việt Nam tin tưởng mạnh mẽ rằng tuân thủ luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác, tình đoàn kết và lòng tin ở cấp độ toàn cầu có ý nghĩa then chốt để gìn giữ ổn định và hòa bình quý giá trên thế giới. Những tôn chỉ, mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc, nhất là các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và giải quyết hòa bình các tranh chấp đã đóng vai trò chủ đạo trong việc ngăn ngừa một thảm họa chiến tranh toàn cầu và góp phần xây dựng nền hòa bình bền vững.
Điều này cũng đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khẳng định trong Tuyên bố Chủ tịch đầu năm nay, theo đó: “HĐBA tái khẳng định cam kết đối với một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ; đây là nền tảng vững chắc cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn”.
Ở châu Á, bài học thành công của ASEAN biến Đông Nam Á từ một khu vực bị chiến tranh tàn phá và chia rẽ sâu sắc thành một khu vực hữu nghị và hợp tác là một minh chứng điển hình. ASEAN cũng đã chứng tỏ vai trò quan trọng của các tổ chức khu vực trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực và trên thế giới”.