Tạp chí Forbes (12/5) đăng tải hình ảnh vệ tinh chụp hàng chục (thậm chí hàng trăm) tàu Trung Quốc đang hoạt động bất hợp pháp và gây thiệt hại cho hệ sinh thái ở Biển Đông.
Theo đó, hình ảnh vệ tinh cho thấy quy mô hoạt động không thể tưởng tượng của đội tàu Trung Quốc ở Biển Đông. Forbes cho biết, tàu Trung Quốc nạo vét và hút hàng trăm tấn cát, đi về thường xuyên; không chỉ Đài Loan, tàu Trung Quốc còn nạo vét bất hợp pháp tại Philippines. Vào tháng 8/2019, một tàu nạo vét lớn của Trung Quốc bị mắc cạn gần Aparri, Cagayan, trên bờ biển phía Bắc Philippines.
Theo phân tích của Forbes, cát sau khi khai thác được đưa trở lại Trung Quốc, chuyển vào các cảng bao gồm ở tỉnh Phúc Kiến và có thể được sử dụng cho các dự án cải tạo đất rộng lớn, chẳng hạn như mở rộng sân bay Hồng Kông. Không những vậy, việc khai thác “cát đen” ở Philippines được dùng trong các sản phẩm bê tông, thép, đồ trang sức và mỹ phẩm. Nó cũng có thể chứa Magnetite, một loại quặng sắt là mặt hàng có giá trị. Tuy nhiên, khai thác cát đen gây ảnh hưởng đến nguồn cá, dẫn đến tình trạng xói mòn và gây nguy hiểm cho cộng đồng địa phương.
Trước đó, Cảnh sát biển Đài Loan (17/4) thông báo họ đã truy đuổi khoảng 40 tàu nạo vét trái phép tại khu vực phía Bắc Biển Đông. Chủ tịch Hiệp hội Động vật hoang dã và Tự nhiên Đài Loan Jeng Ming-shiou cũng tiết lộ tàu Trung Quốc đang nạo vét hơn 100.000 tấn cát mỗi ngày, diễn ra trong suốt vài năm qua.
Được biết, tàu phun hút cát lớn nhất của Trung Quốc là Tian Jing Hao có công suất 4.500 m3/h hút cát, đá và vật chất từ đáy biển. Theo các chuyên gia của Tòa trọng tài, việc sử dụng kỹ thuật này gây tác động đến hệ thống bãi ngầm ở ba khía cạnh: (1) Trực tiếp phá hủy nơi cư trú ở bãi ngầm do bị vùi lấp; (2) Gián tiếp tác động đến hệ sinh vật tầng đáy như san hô và cỏ biển do sự thay đổi thủy động lực học, gia tăng trầm tích, tăng độ đục của nước biển và gia tăng dinh dưỡng trong nước biển; (3) Gián tiếp tác động đến sinh vật hữu cơ trong nước, như cá và vi sinh vật do việc phát tán trầm tích, chất hóa học và dinh dưỡng cũng như tiếng ồn.
Theo giới phân tích, việc Trung Quốc sử dụng tàu hút cát trái phép trên Biển Đông vi phạm hàng loạt nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển như sau:
(1) Hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường biển theo Điều 192. Điều 192 quy định nghĩa vụ chung cho tất cả các quốc gia: “Các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.” Các quốc gia có nghĩa vụ vụ phải chủ động có biện pháp bảo vệ, gìn giữ , và không được làm xấu đi môi trường biển; bảo đảm các hoạt động trong phạm vi thẩm quyền của mình tôn trọng môi trường của nước khác và môi trường ở vùng biển quốc tế. Nghĩa vụ này yêu cầu chủ động ngăn chặn hoặc ít nhất giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường khi tiến hành các hoạt động xây dựng quy mô lớn. Hoạt động xây dựng đảo quy mô lớn của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa đã gây ra tổn hại đến môi trường, do đó vi phạm nghĩa vụ ở Điều 192.
(2) Hoạt động nạo vét lấy vật liệu cho hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ ở Điều 194(1) khi gây ô nhiễm trầm tích cho môi trường biển. Điều 194(1) quy định: “Các quốc gia, tùy theo tình hình, thi hành riêng rẽ hay phối hợp với nhau, tất cả các biện pháp phù hợp với Công ước, cần thiết để ngăn ngừa, hạn chế và ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển, sử dụng các phương tiện thích hợp nhất mà mình có, và cố gắng điều hòa các chính sách của mình về mặt này”. Ô nhiễm môi trường được định nghĩa ở Điều 1(4), theo đó ô nhiễm môi trường biển là việc con người trực tiếp hoặc gián tiếp đưa các chất liệu hoặc năng lượng vào môi trường biển, bao gồm cả các cửa sông, khi việc đó gây ra hoặc có thể gây ra những tác hại như gây tổn hại đến nguồn lợi sinh vật và đến hệ động vật và hệ thực vật biển, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, gây trở ngại cho các hoạt động ở biển, kể cả việc đánh bắt hải sản và các việc sử dụng biển một cách hợp pháp khác, làm biến đổi chất lượng nước biển về phương diện sử dụng nó và làm giảm sút các giá trị mỹ cảm của biển. Vì vậy, hoạt động hút cát trái phép của Trung Quốc bằng kỹ thuật hút phun đã phóng thích nhiều trầm tích vào nước biển, gia tăng độ đục của nước và gây tổn hại đến môi trường biển, do đó vi phạm nghĩa vụ theo Điều 194(1).
(3) Việc Trung Quốc không có biện pháp để bảo vệ hệ sinh thái và môi trường sống của các loài bị đe dọa vi phạm nghĩa vụ theo Điều 194(5). Điều 194(5) quy định: “Các biện pháp được thi hành theo đúng phần này bao gồm các biện pháp cần thiết để bảo vệ và gìn giữ các hệ thống sinh thái hiếm hoi hay mỏng manh cũng như điều kiện cư trú của các loài và các sinh vật biển khác đang thoái hóa, có nguy cơ hay đang bị hủy diệt.” Các bằng chứng khoa học cho thấy khu vực biển mà các hoạt động hút cát trái phép của Trung Quốc thực hiện là “hệ sinh thái hiếm hoi hay mỏng manh” và là nơi cư trú của các loài đang thoái hóa, có nguy cơ hay đang bị hủy diệt như ngao khổng lồ, đồi mồi và một số loài cá và san hô khác. Hoạt động này của Trung Quốc bằng kỹ thuật hút phun đã phá hủy hệ sinh thái và nơi cư trú của các loài nêu trên, do đó vi phạm nghĩa vụ theo Điều 194(5).
(4) Việc Trung Quốc không có bất kỳ nỗ lực nào để hợp tác hay phối hợp với các quốc gia xung quanh Biển Đông khi thực hiện hoạt động hút cát trái phép đã vi phạm nghĩa vụ hợp tác theo Điều 197 và Điều 123. Việc không có hợp tác hay phối hợp với các nước khác thể hiện qua việc Philippines và các quốc gia xung quanh Biển Đông đã có phản đối với hoạt động xây hút cát của Trung Quốc. Điều 197 quy định về hợp tác trên phạm vi thế giới hay khu vực. Điều 123 quy định về hợp tác giữa các quốc gia trong các vùng biển kín và nửa kín.
(5) Việc Trung Quốc không báo cáo đánh giá tác động môi trường khi thực hiện hoạt động hút cát trái phép đã vi phạm nghĩa vụ ở Điều 206. Điều 206 quy định hai nghĩa vụ: nghĩa vụ thực hiện đánh giá tác động môi trường và nghĩa vụ báo cáo kết quả đánh giá tác động môi trường. Với quy mô và tác động của hoạt động hút cát trái phép của Trung Quốc, rõ ràng rằng có lý do xác đáng để tin rằng hoạt động này có thể làm thay đổi đáng kể và có hại đối với môi trường biển, và do đó Trung Quốc có nghĩa vụ phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.