Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ điều máy bay tuần tra do thám căn cứ quân sự...

Mỹ điều máy bay tuần tra do thám căn cứ quân sự Du Lâm của TQ

Theo The Drive, máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon của Mỹ vừa có chuyến bay gần đảo Hải Nam, xung quanh khu vực căn cứ hải quân của Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo thông tin trên, tài khoản Twitter Golf9 chuyên theo dõi lộ trình di chuyển của máy bay phát hiện ra chiếc P-8A mang số hiệu 169010 của Hải quân Mỹ bay qua Biển Đông, vòng qua đảo Hải Nam, bay cách bờ biển đảo Hải Nam gần 50km và bay qua căn cứ Hải quân Du Lâm của Trung Quốc, rồi tiến vào Vịnh Bắc Bộ. Chiếc P-8A sau đó quay đầu và rời khỏi khu vực theo lộ trình cũ.

P-8 Poisedon là máy bay do thám hiện đại của Hải quân Mỹ, được sử dụng trong nhiệm vụ giám sát các hoạt động cải tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. P-8 Poseidon được trang bị tháp pháo cảm biến hồng ngoại và quang điện, hệ thống radar giám sát trên biển AN/APS-154, hệ thống phát tín hiệu thông tin. Golf9 chỉ ra rằng chiếc 169010 là một trong ít nhất 7 chiếc P-8A được trang bị AN/APS-154 có khả năng chụp ảnh chi tiết cả ngày và đêm, trong nhiều điều kiện thời tiết, đồng thời có thể phát hiện mục tiêu di động. 

Một nhà quan sát quân sự cho biết đây không phải là lần đầu tiên máy bay Mỹ xuất hiện trong khu vực. Tuy nhiên, khác với các lần trước, việc chiếc P-8A chủ động bật tín hiệu nhận diện cho thấy quân đội Mỹ đang muốn gởi thông điệp tới Trung Quốc. Hồi cuối năm ngoái, Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, tướng Charles Q. Brown Jr., đã tiết lộ rằng Mỹ thường xuyên triển khai các máy bay ném bom, máy bay tuần thám như P-3/P-8, U-2 và kể cả máy bay không người lái RQ-4 đến Biển Đông nhưng thường kín tiếng với báo chí nên ít người biết đến.

Trong khi đó, bình luận về động thái mới của Mỹ, chuyên gia quân sự Trung Quốc Zhou Chenming cho rằng, Mỹ đang “đùa với lửa” khi gửi tàu chiến tới gần Trung Quốc vào thời điểm nhạy cảm như hiện nay. 

Hải Nam là mục tiêu mà các chuyên gia Mỹ nhắm đến khi thiết kế và lắp đặt AN/APS-154. Hòn đảo này từ lâu được biết đến như mục tiêu tình báo của quân đội Mỹ và cộng đồng tình báo Mỹ. Trong đó, căn cứ tàu ngầm đảo Hải Nam là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Căn cứ này nằm ở bờ đông của đảo Hải Nam, thuộc hạm đội Nam Hải, có các cửa vào cho tàu ngầm với chiều rộng hơn 23 m. Các tàu ngầm nguyên tử này được trang bị tên lửa đạn đạo JL-2 có tầm bắn 7200 km và có thể cải tiến tầm bắn lên đến 12.800 km. Căn cứ tàu ngầm này là một mối lo an ninh cho các nước ASEAN cũng như Ấn Độ. Chi tiết về căn cứ này đã được nhiều cơ quan báo cáo nhưng các hình ảnh vệ tinh thu được tháng 2 năm 2008 bởi Jane’s Intelligence Review và Federation of American Scientists (FAS) lần đầu cho thấy một cửa hang rộng vào một căn cứ ngầm và một chiếc tàu ngầm lớp Jin tại căn cứ này. Căn cứ này có sức chứa 20 tàu ngầm phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Với năng lực của căn cứ này thì Trung Quốc có thể kiểm soát tuyến eo biển Malacca và Biển Đông và phong tỏa các hoạt động thương mại ở trên tuyến này trong trường hợp có khủng hoảng xảy ra cũng như hạn chế can thiệp quân sự của Hoa Kỳ đối với vấn đề Đài Loan. Về vị trí địa lý, căn cứ tàu ngầm này chỉ cách trung tâm thành phố Tam Á vài cây số, ngay kề bên quận nghỉ dưỡng du lịch quốc gia vịnh Á Long. Mặc dù đã có từ lâu, căn cứ tàu ngầm Du Lâm trên đảo Hải Nam chỉ đến cuối thập niên 2000 qua tin tình báo và vệ tinh do thám người ta mới biết Trung Quốc đã xây dựng thêm những sơ sở dưới mặt đất đào sâu vào trong lòng núi, dùng cho các tàu ngầm nguyên tử.

Theo giới chuyên gia, căn cứ Du Lâm có giá trị chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc. Căn cứ này là sự bổ sung hoàn hảo cho các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông. Các hòn đảo nhân tạo đều được trang bị vũ khí, khí tài để thực hiện chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) để ngăn cản hoặc kìm chân Mỹ nếu nước này tiến vào phạm vi ảnh hưởng của Bắc Kinh. Các loại tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa lớp Tấn ở căn cứ Du Lâm có thể ngăn cản Mỹ tấn công Trung Quốc bằng vũ khí hạt nhân, cũng như ngăn cản bất cứ cuộc xung đột nào. Cuối cùng, Du Lâm không chỉ có các tàu ngầm hạt nhân, mà còn có các hạm tàu mặt nước, tàu ngầm tấn công thông thường, thậm chí là cả tàu sân, buộc lực lượng hải quân các nước khác trong khu vực phải dè chừng các hành động hung hăng của Trung Quốc và chịu đựng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Nhiệm vụ kép của Du Lâm – ngăn chặn phương Tây và cưỡng chế các nước còn lại – càng làm tăng giá trị chiến lược của căn cứ này.

Cả Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn chưa lên tiếng bình luận về các thông tin trên. Trong quá khứ, các máy bay do thám Mỹ từng hoạt động gần xung quanh đảo Hải Nam và chạm trán với các chiến đấu cơ của Trung Quốc. Sự việc lần này nếu được xác nhận sẽ được đặt chung bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang căng thẳng trên nhiều lĩnh vực, từ cách xử lý ban đầu về đại dịch COVID-19, thương mại đến sở hữu trí tuệ, nhân quyền và Biển Đông. Trước đó, hai nước từng nhiều lần căng thẳng về việc máy bay Mỹ tuần tra, áp sát đảo Hải Nam. Trong đó, năm 2015, hai tiêm kích J-11 của Trung Quốc đã áp sát máy bay EP-3 của Mỹ ở khoảng cách 15m ngoài khơi Hải Nam. Bắc Kinh sau đó lên tiếng chỉ trích và yêu cầu Washington ngừng các hành động do thám “đe dọa an ninh Trung Quốc”. Năm 2001, một máy bay do thám của Mỹ đã va chạm với chiến đấu cơ Trung Quốc ngoài khơi Hải Nam khiến phi công Trung Quốc thiệt mạng. Máy bay Mỹ sau đó phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay trên đảo Hải Nam. 24 thành viên phi hành đoàn bị bắt giữ và chỉ được trả về Mỹ sau khi Washington lên tiếng lấy làm tiếc về sự cố.

RELATED ARTICLES

Tin mới