Cục quản lý hàng hải Trung Quốc ra “Thông báo về cuộc tập trận quân sự ở khu vực cảng Đường Sơn và Kinh Đường”. Theo đó, PLA sẽ tổ chức cuộc tập trận quân sự kéo dài 2 tháng rưỡi kể ngày 14/5 ở vịnh Bột Hải và một cuộc diễn tập lớn khác ở Bắc Biển Đông cũng sẽ được tổ chức vào tháng 8 tới. Đây là lần đâu Trung Quốc tiến hành tập trận quy mô lớn, thời gian dài trên cả Biển Đông và Hoa Đông.
Động thái của các bên
Cục quản lý hàng hải Trung Quốc tuyên bố các cuộc tập trận quân sự và bắn đạn thật sẽ diễn ra suốt từ ngày 14/5 đến 31/7. Tất cả các tàu thuyền và nhân viên không liên quan phải được sơ tán đến khu vực an toàn trước đó. Trong thời gian diễn tập nghiêm cấm tất cả tàu thuyền ra vào khu vực biển hình quạt với bán kính 25 km trên vịnh Bột Hải.
Ngoài ra, quân đội Trung Quốc cũng dự định tiến hành cuộc tập trận ở khu vực quần đảo Đông Sa. Hiện Quân đội Đài Loan ra tuyên bố khẩn cấp “có thể đảm bảo an toàn cho Đông Sa”. Các học giả Đài Loan cho rằng động thái này của PLA là “có ý làm cho thông suốt tuyến đường ra Thái Bình Dương của tàu sân bay” và “chuẩn bị cho việc tuyên bố Khu vực nhận dạng phòng không Biển Đông”. Được biết, quần đảo Đông Sa là một trong bốn quần đảo lớn trên Biển Đông, nằm ở vị trí 20°43′Vĩ Bắc 116°42′ Kinh Đông ở đông bắc Biển Đông, nằm cách thành phố Sán Vĩ, tỉnh Quảng Đông khoảng 260 km về phía nam, cách Hồng Kông 340 km, cách Đài Bắc 850 km. Hiện quần đảo này do Đài Loan quản lý và kiểm soát trên thực tế, đặt trong thành phố Cao Hùng. Trung Quốc đại lục cũng tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ và vùng biển do Đài Loan quản lý nên họ cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Đông Sa và đặt nó vào tỉnh Quảng Đông. Đây là một yếu điểm chiến lược của hải quân Trung Quốc trên tuyến đường từ đảo Hải Nam dẫn ra Thái Bình Dương thông qua eo biển Bashi.
Trong một động thái mới nhất, một tàu khu trục của Hải quân Mỹ đã bị phát hiện di chuyển qua Biển Hoàng Hải ngoài khơi Thượng Hải vào sáng 15/5. Theo đó, tàu khu trục USS Rafael Peralta lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ được nhìn thấy xuất hiện ở vị trí cách bờ biển phía đông Trung Quốc khoảng 116 hải lý vào khoảng 8h sáng 15/5/2020. Thông tin này được tổ chức Sáng kiến điều tra tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) công bố dựa trên tín hiệu AIS (Hệ thống nhận dạng tự động) của con tàu. Hình ảnh được SCSPI cung cấp cho thấy tàu khu trục nêu trên di chuyển từ Biển Hoa Đông vào Hoàng Hải và có mặt tại vùng biển gần Trung Quốc từ ngày 3/5. Đây là tàu khu trục thứ hai của Mỹ xuất hiện ở Biển Hoàng Hải trong vòng chưa đầy 1 tháng.
Ý đồ của Trung Quốc
Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (14/5), các học giả Trung Quốc dự đoán rằng cuộc tập trận này diễn ra với thời gian dài, trên khu vực rộng lớn, nhiều quân binh chủng tham gia; tiến hành nhiều khoa mục quân sự thực binh như: đổ bộ xuyên chiến khu, đánh chiếm đảo, chống đổ bộ, và phòng không chống tên lửa. Mục tiêu của nó bao gồm uy hiếp ngăn chặn “Đài Loan độc lập”, chuẩn bị cho việc giải quyết vấn đề Đài Loan bằng vũ lực khi cần thiết.
Chuyên gia quân sự Tống Trung Bình của Trung Quốc cho rằng, thời cơ và thời gian diễn tập quân sự của cuộc diễn tập do PLA tổ chức trên biển Bột Hải lần này là “rất không bình thường”. Tống Trung Bình nhận định, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ tổ chức lễ nhậm chức lãnh đạo chính quyền Đài Loan nhiệm kỳ mới vào ngày 20/5 và chính quyền Đài Loan “sẽ tiến xa, tiến nhanh hơn nữa trên con đường giành độc lập cho Đài Loan”. Dự kiến, trọng tâm của cuộc tập trận quân sự này sẽ bao gồm các hoạt động hiệp đồng tác chiến nhiều quân, binh chủng trong điều kiện thực chiến như đổ bộ đường không và đường biển, chiếm giữ đảo, phòng không chống tên lửa, đối kháng điện tử… để đảm bảo rằng một khi chính quyền Đài Loan vượt qua “ranh giới đỏ” của “Luật chống ly khai”, Trung Quốc “sẽ quyết tâm và có khả năng giải quyết vấn đề Đài Loan bằng biện pháp không hòa bình”. Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng, đối với Trung Quốc, “vấn đề Đài Loan là lợi ích cốt lõi và vấn đề Biển Đông là lợi ích trọng đại, đều không thể khoanh tay ngồi nhìn”. Đồng thời, các vấn đề Đài Loan và Biển Đông có liên quan chặt chẽ. Trong tình hình cục diện ở Eo biển Đài Loan và Biển Đông ngày càng phức tạp, Trung Quốc đại lục rất có thể coi hai nơi này là “một bàn cờ” và coi nó như một dự án hệ thống an ninh quốc gia để phối hợp giải quyết.
Ông Vương Vân Phi, một chuyên gia về trang bị hải quân của Trung Quốc, cho rằng, sở dĩ PLA chọn tập trận trên biển Bột Hải lần này là bởi: Thứ nhất, khu vực tập trận là biển nội địa, các tàu chiến, máy bay nước ngoài không thể tiếp cận để do thám trinh sát. Thứ hai, diễn tập có khoa mục quan trọng là bảo vệ thủ đô Bắc Kinh. Bảo vệ Bắc Kinh chủ yếu là phòng không chống tên lửa; các đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ thủ đô có thể thử nghiệm và hoàn thiện phương án tác chiến trong điều kiện gần với thực chiến. Thứ ba, có thể thực hành hầu hết các khoa mục, nhiệm vụ trọng điểm, như: tác chiến chống tàu sân bay của kẻ địch hùng mạnh; tác chiến phòng ngự trên không, tác chiến điện tử, phong tỏa trên biển trên không chống lại kẻ thù mạnh; đột kích hỏa lực, tác chiến bãi biển, tác chiến đổ bộ đa chiều, tác chiến cảng biển đô thị trong hoạt động chống ly khai… Thứ tư, bảo đảm thuận lợi cho việc cơ động lực lượng trên bộ, trên biển, trên không và quân chủng tên lửa.
Bên cạnh đó, một số học giả cũng phân tích cho rằng cuộc tập trận quân sự này chủ yếu là để đối phó với hành động mạo hiểm có thể có của Mỹ chống lại Trung Quốc. Họ cho rằng, “dịch bệnh COVID-19 tại Hoa Kỳ vẫn chưa có dấu hiệu được ngăn chặn. Việc Tổng thống Donald Trump liệu có thể tái đắc cử trong cuộc bầu cử năm 2020 đã xuất hiện biến số lớn. Ông Trump trước nay vốn không chơi bài theo lẽ thường, hiện đang cố gắng truy trách nhiệm và đổ lỗi cho Trung Quốc về dịch bệnh. Nếu Donald Trump không hy vọng tái cử, thật khó để đảm bảo rằng ông ta sẽ không có những hành động điên rồ chống lại Trung Quốc”.
Trong khi đó, Thông tấn xã Kyodo Nhật Bản (12/5) cho rằng, PLA có kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận đổ bộ lớn trên Biển Đông vào tháng 8 với giả tưởng là “chiếm quần đảo Đông Sa đang dưới quyền kiểm soát của Đài Loan”. Cuộc tập trận sẽ được thực hiện bởi Chiến khu miền Nam của PLA, sẽ huy động các tàu đổ bộ, tàu đệm khí, máy bay trực thăng và thủy quân lục chiến, với “quy mô chưa từng có”.
Trước đó, giới học giả khu vực và quốc tế cũng đưa ra nhiều nhận định, đánh giá về hoạt động tập trận của Trung Quốc trên Biển Đông. Tiến sỹ Patrick Cronin (Chủ tịch chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng việc tập trận thường xuyên của PLAN là sự răn đe mà Bắc Kinh muốn gửi đến các nước láng giềng rằng Trung Quốc có nhiều công cụ để áp đặt theo ý riêng. Lâu nay, Trung Quốc vẫn tập trung vào những cách thức phi quân sự, nhưng cuộc tập trận cũng là dấu hiệu cho thấy sự tập trung có thể chuyển hướng sang hình thức sử dụng quân sự. Chính vì thế, các nước láng giềng của Trung Quốc cần nhận thức rõ sự quan trọng của việc cũng phải tăng cường thực lực chống phong tỏa, chống tiếp cận trên biển.
Tiến sỹ Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) cho rằng cuộc tập trận là động thái rất đáng quan tâm. Những năm qua, PLAN thường xuyên tập trận ở vùng biển phía tây Thái Bình Dương, đặc biệt là ở phía đông chuỗi đảo thứ nhất (bắt đầu tại quần đảo Kuril/Chishima, kết thúc ở đảo Borneo/Kalimantan và phần phía bắc của Philippines – NV). Gần đây, các lực lượng tác chiến trên không và trên biển của PLAN đã thể hiện khả năng hoạt động vượt qua chuỗi đảo thứ nhất khi điều động phương tiện đi qua eo biển Miyako, eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, theo ông, các học giả và chiến lược gia Trung Quốc cho rằng hải quân Mỹ vẫn chiếm nhiều ưu thế ở khu vực tây Thái Bình Dương, nên PLAN vẫn còn phải vượt qua nhiều thách thức để có thể hoạt động ổn định, lâu dài ở ngoài chuỗi đảo thứ nhất. Vì thế, thời gian gần đây, PLAN tiến hành nhiều hoạt động nhằm tăng cường sức chiến đấu ở ngoài chuỗi đảo thứ nhất. Để thực hiện điều đó, trong cuộc tập trận trên, PLAN tăng cường tích hợp nhiều lực lượng. Bước thứ nhất là tăng cường khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công công nghệ cao từ Mỹ, có thể là chống lại các hình thức gây nhiễu điện từ. Trong tương lai, PLAN sẽ bổ sung các hoạt động tấn công chiến thuật khi tập trận. Xa hơn nữa, việc tập huấn tác chiến ở khu vực này có thể quy tụ cả tàu sân bay chứ không chỉ giới hạn lực lượng như đội tàu trên.
Tiến sỹ James R.Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải – Đại học Hải chiến Mỹ) cho rằng, cuộc tập trận của PLAN nhằm khẳng định với Mỹ cùng các đồng minh rằng Trung Quốc có khả năng tác chiến bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất, để hoạt động mạnh mẽ ở tây Thái Bình Dương. Lâu nay, Washington cùng các đồng minh cũng tổ chức tập trận ở khu vực này nhằm thể hiện đủ sức đánh bại Bắc Kinh tại đây. Ngay trước cuộc tập trên của Trung Quốc, Mỹ – Nhật cũng tiến hành một cuộc tập trận đổ bộ bên bờ Thái Bình Dương. Đó cũng là thông điệp rằng Mỹ và Nhật Bản đủ sức bảo vệ các đảo mà Tokyo tuyên bố chủ quyền, hay tiến hành đổ bộ tái chiếm.
Trong khi đó, Phó Giáo sư Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) nhìn nhận cuộc tập trận mới đây nói riêng hay những cuộc tập trận thời gian qua nói chung của Trung Quốc đều nhằm củng cố mục tiêu lâu dài là đẩy mạnh sự hiện diện trong khu vực. Ngoài ra, nhìn lại thì lợi thế của Trung Quốc hiện tại là ngoại vi trực tiếp, tức các vùng biển lân cận mà Bắc Kinh đã triển khai vũ khí, tên lửa cùng khí tài chống tiếp cận, nhằm đảm bảo hải quân Mỹ không đến quá gần. Trong tương lai, Trung Quốc có lẽ sẽ tiếp tục điều động hạm đội ra ngoài chuỗi đảo thứ nhất, nhưng thực lực chủ yếu vẫn dựa vào phương tiện chống tiếp cận như vũ khí không gian, máy bay không người lái, tên lửa.