Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 18/5 đã chính thức công bố thành lập Lực lượng tác chiến vũ trụ, cho thấy cuộc đua không gian đang ngày càng nóng khi các nước chạy đua giành thế chủ động, các quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đã thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh trên các vệ tinh cũ của mình.
Nhiệm vụ của Lực lượng tác chiến vũ trụ Nhật Bản
Tại lễ thành lập, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono nhấn mạnh việc bảo đảm ưu thế của Nhật Bản trong không gian vũ trụ là vô cùng quan trọng, do đó việc thành lập Lực lượng tác chiến vũ trụ đầu tiên rất có ý nghĩa và cũng nhận được sự kỳ vọng lớn của người dân. Nhiệm vụ chính của lực lượng này là thiết lập hệ thống giám sát vũ trụ nhằm bảo vệ các vệ tinh nhân tạo của Nhật Bản khỏi sự tấn công hoặc gây hại từ vệ tinh của các nước khác cũng như từ các loại rác vũ trụ. Ngoài ra, lực lượng mới được thành lập cũng tham gia giám sát quỹ đạo bay của các loại vệ tinh nhân tạo khả nghi và rác trên vũ trụ.
Bộ trưởng Kono đánh giá lực lượng này sẽ gặp nhiều thách thức trong thực hiện nhiệm vụ, cần nhanh chóng xây dựng biên chế và đào tạo nhân lực để có thể đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong môi trường an ninh mới. Một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản phân tích, việc bảo vệ và giám sát các vệ tinh nhân tạo là rất quan trọng bởi đây là kênh thu thập và truyền tải thông tin quân sự không thể thiếu trong môi trường an ninh hiện nay.
Thành phần trong Lực lượng tác chiến vũ trụ Nhật Bản
Lực lượng tác chiến vũ trụ có biên chế ban đầu 20 người và sẽ tăng lên thành 100 người từ năm 2023, có trụ sở đặt tại căn cứ Fuchu của Lực lượng phòng vệ trên không (ASDF). Nhiệm vụ chính của lực lượng này là thiết lập hệ thống giám sát vũ trụ nhằm bảo vệ các vệ tinh nhân tạo của Nhật Bản khỏi sự tấn công hoặc gây hại từ vệ tinh của các nước khác cũng như từ các loại rác vũ trụ. Ngoài ra, lực lượng mới được thành lập cũng tham gia giám sát quỹ đạo bay của các loại vệ tinh nhân tạo khả nghi và rác trên vũ trụ. Để đáp ứng nhiệm vụ trên, Chỉ huy Lực lượng tác chiến vũ trụ Toshihide Ajiki cho biết, Lực lượng này sẽ nhanh chóng tiến hành huấn luyện trên các thiết bị mô phỏng để phục vụ công tác đào tạo, đồng thời thảo luận về việc chia sẻ thông tin với quân đội Mỹ. Tới đây, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng lên kế hoạch triển khai hệ thống radar giám sát vũ trụ đặt tại tỉnh Yamaguchi, liên kết với Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và quân đội Mỹ để chuẩn bị xây dựng hệ thống giám sát vũ trụ và đưa hệ thống này vào hoạt động từ tài khóa 2023. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã tham gia các cuộc diễn tập mô phỏng tác chiến vũ trụ với Mỹ từ năm 2016 và đang lên kế hoạch đưa binh sĩ tới Trung tâm điều hành không gian hỗn hợp tại căn cứ Vandenberg ở California (Mỹ).
Trước đó, nhiều quốc gia cũng đã thành lập lực lượng không gian
Tháng 12/2019, Tổng thống Donald Trump ký phê chuẩn dự luật ngân sách quân sự – quốc phòng năm 2020 với trị giá lên đến 738 tỷ USD, trong đó chính thức thành lập lực lượng không gian nhằm bảo đảm ngôi vị đứng đầu của Mỹ trên chiến trường mới này. Lực lượng này có nhiệm vụ tấn công từ không gian các mục tiêu mặt đất và đánh chặn các tên lửa đạn đạo của đối phương, kiểm soát toàn bộ không gian gần Trái đất, tuyệt đối bá chủ không gian vũ trụ. Từ tháng 12/2018, Tổng thống Trump ra lệnh thành lập Bộ chỉ huy không gian (SpaceCom). Cuối tháng 8/2019, SpaceCom chính thức ra mắt, chịu trách nhiệm về các hoạt động quốc phòng trong không gian, bao gồm cả cảnh báo tên lửa và vệ tinh. Đây là Bộ chỉ huy chiến đấu thứ 11 của Bộ Quốc phòng Mỹ, cùng với Bộ chỉ huy chiến lược, Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt và các đơn vị khác phục vụ ở những khu vực địa lý cụ thể. Sự ra đời của lực lượng không gian là binh chủng mới kể từ khi không quân Mỹ được thành lập năm 1947; tạo ra lực lượng thứ 6 của Bộ Quốc phòng, tương đương với 5 lực lượng hiện có: Quân đội, Hải quân, Không quân, Thủy quân lục chiến và Cảnh sát biển. Theo kế hoạch, lực lượng không gian bao gồm 16.000 nhân sự, cả quân sự lẫn dân sự, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh không gian – Tướng Jay Raymond, người chỉ huy SpaceCom. Theo Tướng Raymond, Mỹ hiện được coi là quốc gia có thế mạnh về lực lượng không gian trên thế giới với công nghệ và trang thiết bị tối tân. Tổng thống Emmanuel Macron cũng đã phê chuẩn thành lập lực lượng không gian hồi tháng 7/2019 nhằm tăng cường khả năng phòng thủ. Kế hoạch ngân sách quốc phòng giai đoạn 2019-2025 của Pháp dành 4,06 tỷ USD để đầu tư thêm và trang bị mới các vệ tinh. Còn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã công nhận không gian vũ trụ là một phần của chiến trường hiện đại để đầu tư và hình thành lực lượng tác chiến.