Cao ủy Australia tại Ấn Độ Barry O’Farrell bày tỏ quan ngại về việc quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp ở Biển Đông và việc sử dụng cưỡng chế các tàu hải cảnh ở khu vực này.
Cao ủy Australia tại Ấn Độ Barry O’Farrell đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về “những hành động quấy phá hoạt động khai thác tài nguyên của các quốc gia khác và việc sử dụng các tàu hải cảnh, còn được gọi là dân quân vũ trang biển, một cách cưỡng chế và gây nguy hiểm”; cho rằng tất cả tranh chấp lãnh thổ cần được giải quyết theo luật pháp quốc tế và các hành vi cưỡng chế có thể dẫn đến leo thang; nhấn mạnh các tàu và máy bay của Australia sẽ tiếp tục hoạt động trong khu vực và hỗ trợ các quốc gia khác triển khai tương tự.
Tuyên bố của cao ủy Australia tại Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có những động thái hung hăng ở Biển Đông trong những tuần gần đây, bao gồm hành vi đâm chìm tàu cá của Việt Nam, xua đuổi tàu chiến nước ngoài và cố ngăn chặn hoạt động thăm dò tại các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia châu Á khác. Theo Economic Times, động cơ của các vụ việc này có khả năng do Bắc Kinh e ngại các doanh nghiệp sẽ rời Trung Quốc và chuyển sang đầu tư vào các quốc gia láng giềng sau đại dịch Covid-19.
Trước đó, Ngoại trưởng Australia Marise Payne (22/3) đã bày tỏ quan ngại về “một số những vụ việc và hành động gần đây” trên Biển Đông, chỉ trích những hành động gần đây của Trung Quốc bao gồm “những nỗ lực nhằm gây rối hoạt động khai thác tài nguyên của các nước khác, tuyên bố thành lập “quận hành chính” mới trên các cấu trúc tranh chấp, đánh chìm một tàu cá Việt Nam”. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Australia Marise Payne tái khẳng định Australia không đứng về bên nào trong tranh chấp, song nước này “có lợi ích mạnh mẽ trong sự ổn định của tuyến hàng hải quan trọng này cũng như những quy tắc và pháp luật liên quan”. Vì vậy, Australia thúc giục tất cả các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển, bảo đảm tự hàng hải và hàng không. Bà Marise Payne cũng nhận định: “Điều quan trọng là tại thời điểm này, tất cả các bên cần kiềm chế các hoạt động gây mất ổn định và giảm bớt căng thẳng để cộng đồng quốc tế tập trung mọi nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19”.
Bên cạnh việc đưa ra các tuyên bố bày tỏ quan ngại và lên án hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, Australia cũng phối hợp với Mỹ tiến hành các cuộc tập trận nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực. Theo đó, tàu khu trục HMAS Parramtta của nước này đã tiến hành tập trận chung với các tàu hải quân Mỹ trên Biển Đông “nhằm củng cố sự ổn định và an ninh trong khu vực”.
Được biết, Australia tuy không tiếp giáp trực tiếp với Biển Đông, song vấn đề an ninh khu vực này có ảnh hưởng trực tiếp đến Australia. Thứ nhất, việc Trung Quốc chiếm đóng, cải tạo phi pháp và trên khai vũ khí trên các thực thể nhân tạo ở Trường Sa, nhất là một số loại tên lửa có khả năng vươn tới một bộ phận lãnh thổ Australia đã đe dọa trực tiếp môi trường hòa bình và ổn định của Australia. Thứ hai, tình hình an ninh khu vực Biển Đông có tác động trực tiếp đến hoạt động giao thông hàng hải và vận chuyển hàng hóa, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề thương mại của Australia. Thứ ba, khi tình hình an ninh khu vực trở nên căng thẳng sẽ kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Khi đó, Australia là nước có lợi ích thiết thực ở Biển Đông sẽ bị kéo theo và ảnh hưởng đến chính sách quốc phòng, nhất là hoạt động của hải quân Australia. Bên cạnh đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và khu vực Biển Đông nói riêng có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Australia. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang ngày càng căng thẳng thì với vai trò là một lớn tại khu vực, Australia có trách nhiệm trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh tại vùng biển này. Việc Australia tích cực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực sẽ tạo thành sự gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Australia với các nước Đông Nam Á.
Do đó, về mặt công khai, Australia tuyên bố sẽ không ủng hộ hoặc liên minh, liên kết với bất kỳ nước nào trong các tranh chấp ở Biển Đông, khẳng định Australia giữ vai trò trung lập, nhưng kêu gọi các nước liên quan giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực không bị ảnh hưởng, lên án các hành động quân sự hóa trong khu vưc. Nhưng trên thực tế Australia vần ủng hộ cách tiếp cận của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Một mặt thông qua các kênh ngoại giao cùng các diễn đàn quốc tế để tạo áp lực yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, chấm dứt các hành động phi pháp ở Biển Đông; mặt khác Australia tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, tích cực tham gia các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Trong bối cảnh tình hình an ninh, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông đang ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trong, Australia đã có những bước đi thực chất nhằm đảm bảo lợi ích của mình, cũng như trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Biển Đông. Thứ nhất, Australia tăng cường hợp tác, chia sẻ với Mỹ trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Australia đã thông qua thỏa thuận cho phép Mỹ triển khai thêm 2.500 quân đóng ở căn cứ quân sự Darwin (phía Bắc Australia); tham gia tập trận, huấn luyện chung với Mỹ và một số nước nhằm nâng cao năng lực tác chiến của hải quân; đẩy mạnh hoạt động tuần tra, giám sát trong khu vực. Thứ hai, Australia thúc đẩy quan hệ hợp tác về kinh tế, an ninh và quốc phòng với các nước châu Á – Thái Bình Dương, nhất là các nước ASEAN nhằm đảm bảo lợi ích của Australia ở Biển Đông không bị đe dọa, ảnh hưởng. Đáng chú ý, Australia nhiều lần khẳng định sự gắn kết trong Hiệp ước phòng thủ (FPDA) của năm nước là Singapore, Australia, Malaysia, New Zealand và Anh. Từ lúc thành lập (1971) cho đến nay, FPDA đã mở rộng quy mô và tính chất hoạt động. Thứ ba, tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, Australia tích cực đưa ra tuyên bố cứng rắn khẳng định lợi ích của mình ở Biển Đông, phản đối các hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực… để gây sức ép, buộc Trung Quốc phải hành động thân trọng, tuân thủ luật quốc tế.