Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTrung tướng Đài Loan: TQ chưa thể lập Vùng nhận diện phòng...

Trung tướng Đài Loan: TQ chưa thể lập Vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông

Trung tướng Ye Gou-huei phụ trách các chiến dịch quân sự và lên kế hoạch tại Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết, chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sớm lập ADIZ Biển Đông do phải xem xét một loạt yếu tố trước khi quyết định tuyên bố.

ADIZ của các nước ở khu vực Hoa Đông

Phát biểu trong một cuộc họp hội đồng lập pháp Đài Loan, Trung tướng Ye Gou-huei, phụ trách các chiến dịch quân sự và lên kế hoạch tại Cơ quan phòng vệ Đài Loan (18/5) cho biết không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông trong tương lai gần. Theo ông, Trung Quốc sẽ phải xem xét một loạt yếu tố trước khi quyết định lập ADIZ. Chẳng hạn, tuyên bố ADIZ của Trung Quốc có thể sẽ chồng lấn lên ADIZ Philippines tuyên bố lập trước đó.

Trước đó, ông Yen Te-fa – lãnh đạo Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết, Trung Quốc đang có kế hoạch lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, dù đến thời điểm này Trung Quốc vẫn chưa thông báo chính thức. Thực ra thông tin Trung Quốc định lập ADIZ đã râm ran trên truyền thông từ giữa năm 2016. Theo thông tin từ truyền thông thì vùng ADIZ mà Trung Quốc định lập sẽ bao gồm vùng trời trên vùng biển đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và một số bãi đá ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Không những vậy, truyền thông Đài Loan cũng đưa ra cảnh báo tương tự, cho rằng việc Trung Quốc đưa máy bay ra Trường Sa có thể là dấu hiệu Bắc Kinh chuẩn bị tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, tương tự hành động đơn phương năm 2013 trên biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, theo giới học giả, nếu xem xét kỹ các yếu tố về bối cảnh và lợi ích chiến lược, thời điểm hiện tại nếu Trung Quốc đưa ra một tuyên bố về ADIZ dù mang tính tối thiểu (tức ở một phạm vi nhỏ nhất, ảnh hưởng ít quốc gia nhất) cũng có thể khiến Trung Quốc chịu thiệt hại. Đầu tiên, uy tín Trung Quốc trước và sau đại dịch COVID-19 đã suy giảm báo động. Việc để bùng phát dịch, thiếu minh bạch thông tin, ngoại giao y tế lợi bất cập hại và leo thang ở các vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã khiến không chỉ châu Á mà cả EU và Mỹ suy giảm trầm trọng niềm tin vào một Trung Quốc cư xử trách nhiệm. Suy giảm uy tín khiến các sáng kiến của Trung Quốc, điển hình là Vành đai-Con đường, có khả năng đổ vỡ. Chính phủ các nước đang kêu gọi doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc để về nước hoặc đầu tư sang quốc gia khác. Trung Quốc cũng trở thành tầm ngắm của nhiều quốc gia trong cuộc điều tra nguồn gốc và nguyên nhân lây lan chóng mặt của đại dịch. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau thời gian tỏ ra “nhẹ tay” với Trung Quốc và gặp áp lực từ Mỹ thì nay đã bắt đầu đánh tiếng điều tra Trung Quốc về đại dịch. Việc Trung Quốc lập ADIZ có thể khiến “giọt nước tràn ly”, kích thích các quốc gia cùng lúc lên tiếng phản đối và trả đũa bằng các biện pháp kinh tế, ngoại giao.

Thứ hai, việc lập ADIZ ở Biển Đông có thể sẽ chọc giận Washington trong bối cảnh nước này không ngừng chỉ trích Trung Quốc leo thang Biển Đông thời gian qua. Việc TQ thiết lập ADIZ tại Biển Đông, cho dù ở phạm vi nhỏ nhất (như chỉ ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), cũng sẽ khiến các quốc gia khác ngoài khu vực lo ngại và hành động răn đe. Đã có những đề xuất về việc Mỹ cùng với Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, EU phối hợp với nhau đảm bảo tự do hàng hải tại Biển Đông, đồng thời giúp các nước nhỏ hơn gia tăng năng lực đảm bảo tự do hàng hải. Việc Trung Quốc đơn phương lập ADIZ sẽ khiến đề xuất này được xúc tiến mạnh hơn. Hệ quả là ADIZ bị xem là bất hợp pháp, không được nước khác tuân thủ, trở thành minh chứng hiệu quả cho yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở khu vực. Đó là chưa kể quá trình “rời khỏi Trung Quốc” của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được thúc đẩy mạnh hơn, càng khiến nền kinh tế TQ bị cô lập, lâm vào quá trình suy thoái.

Thứ ba, khác với ADIZ ở biển Hoa Đông, vốn chỉ xung đột với Nhật Bản, nếu Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông thì chắc chắn gặp phản ứng từ ASEAN hoặc chí ít là phần đông gồm Malaysia, Philippines, Indonesia, Brunei, Việt Nam… Ngay cả khi Trung Quốc chọn vùng biển của một hay hai nước ASEAN để tuyên bố ADIZ thì điều đó cũng khiến phần còn lại bất an. Việt Nam đang làm chủ tịch ASEAN, trong khi Philippines đang đóng vai trò điều phối quan hệ ASEAN- Trung Quốc trong việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC). Việc Bắc Kinh lập ADIZ ở Biển Đông sẽ càng thúc đẩy các nước ASEAN đưa Biển Đông lên bàn nghị sự với các gợi ý gia tăng hợp tác, tạo điều kiện cho phương Tây và các nước thứ ba hiện diện mạnh hơn ở khu vực. Khi đó, phản ứng từ ASEAN không đơn thuần là phản đối ngoại giao, mà còn để lại các hậu quả rõ ràng: Từng nước hoặc tất cả các nước có yêu sách khởi kiện Trung Quốc; ASEAN đẩy mạnh hợp tác kinh tế với phương Tây, gây sức ép Trung Quốc; ASEAN tập trận chung, tuần tra chung đảm bảo tự do hàng không cũng như đánh bắt cá…

Bên cạnh đó, nếu ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố bao gồm cả khu vực Trung Quốc gọi là quần đảo Đông Sa (Pratas) thì khả năng xung đột với Đài Loan và Mỹ càng cao. Mỹ trong vòng hai tháng qua đã gia tăng hoạt động quân sự tại eo biển Đài Loan nhằm củng cố cam kết với vùng lãnh thổ này. Lập ADIZ ở Biển Đông có thể khiến chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh bị tổn thương, bởi vì Mỹ càng có lý do để thúc đẩy Đài Loan độc lập khỏi chính quyền đại lục.

Vùng ADIZ được hiểu là vùng không phận của một quốc gia, mọi máy bay phải khai báo khi đi vào vùng này và chịu sự kiểm soát của nước đó. Cơ quan phòng vệ Đài Loan nhấn mạnh vùng ADIZ thường được một quốc gia thiết lập phù hợp với nhu cầu quốc phòng của mình nhưng luật pháp quốc tế không có nền tảng pháp lý nào cho việc thiết lập ADIZ.

Trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (14/5) khẳng định: “Về thông tin hình ảnh máy bay do thám của Trung Quốc xuất hiện ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, tôi xin khẳng định lại Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị. Trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, Việt Nam đề nghị các bên không có hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

RELATED ARTICLES

Tin mới