Theo các phương tiện truyền thông Đài Loan, tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tien Kung-3 có thể đánh chặn tên lửa Trung Quốc đã được thử nghiệm tại căn cứ quân sự Pingtung, nam Đài Loan.
Đài Loan dự kiến sẽ đẩy mạnh phát triển tên lửa có thể tấn công Trung Quốc đại lục trước các mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Bắc Kinh.
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố trong bài phát biểu hôm 20-5 rằng sẽ củng cố phòng thủ lãnh thổ bằng chiến lược chiến tranh phi đối xứng, báo trước quan hệ xuyên eo biển Đài Loan sẽ gập ghềnh trong bốn năm tới.
Trong chiến tranh phi đối xứng, một bên sử dụng vũ khí phi truyền thống để chống lại kẻ thù mạnh hơn. Các nhà phân tích cho rằng việc tăng cường chương trình tên lửa của Đài Loan đồng nghĩa với việc lãnh thổ này có thể ứng phó với Trung Quốc trước khi Mỹ tới giải cứu.
“Danh mục vũ khí trong chiến lược này bao gồm tên lửa, ngư lôi, máy bay và máy bay không người lái. Nhưng cho tới nay, tên lửa là cách hiệu quả nhất để tấn công và đe dọa kẻ thù”, ông Chieh Chung – nhà nghiên cứu cấp cao về an ninh quốc gia tại Đài Bắc – cho biết.
Ông Chieh nói rằng không có gì ngạc nhiên khi Đài Loan muốn đẩy mạnh chương trình phát triển tên lửa để đảm bảo khả năng tấn công nếu cuộc xung đột trên eo biển Đài Loan nổ ra. Thực tế là Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc lớn mạnh hơn và ngân sách quân sự của Đài Loan quá hạn chế để chạy đua vũ trang với Bắc Kinh.
Theo báo South China Morning Post, Viện Khoa học và công nghệ Chung Shan của Đài Loan đã làm việc với quân đội từ năm 1970 để phát triển tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Tên lửa Hsiung Feng-3 của Đài Loan – Ảnh: AFP
Trong chuyến thăm tới viện vào tháng 1, bà Thái Anh Văn đã yêu cầu tăng tốc kế hoạch sản xuất hàng loạt phiên bản cải tiến của Tien Kung-3 và tên lửa siêu thanh Hsiung Feng-3 để tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan.
Tháng trước, viện đã thử nghiệm các tên lửa, bao gồm Tien Kung-3 và một tên lửa có khả năng tấn công mục tiêu trên đất liền.
Theo các phương tiện truyền thông Đài Loan, tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tien Kung-3 đã được thử nghiệm từ ngày 5 đến 23-4 tại căn cứ quân sự Pingtung, phía nam Đài Loan. Hơn nữa, phiên bản mới nhất của Tien King-3 lắp đặt trên tàu đã được thử nghiệm vào ngày 9 và 10-4.
Việc phát triển tên lửa Tien Kung-3 được tiết lộ lần đầu trong phiên họp đánh giá ngân sách năm 2014. Loại tên lửa này thuộc 1 trong 10 hạng mục phát triển vũ khí trong dự án Chiang Kung trị giá 233 triệu USD. Tien Kung-3 dự kiến sẽ đi vào sản xuất hàng loạt vào năm tới, theo báo Liberty Times của Đài Loan.
Chang Cheng – một kỹ sư đã về hưu của Viện Khoa học và công nghệ Chung Shan, cho biết tầm bắn của Tien Kung-3 đã tăng từ 45km lên khoảng 70km, cho phép đánh chặn tên lửa của quân đội Trung Quốc. Nhưng sẽ là sai lầm nếu nhận định nó có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo Dongfeng của Bắc Kinh.
Viện Chung Shan cũng thử nghiệm tên lửa Yun Feng vào ngày 14 và 15-4 tại căn cứ Jiupeng, theo United Daily News.
Các chuyên gia quân sự cho biết tên lửa hành trình Yun Feng có tầm bắn 1.500km, có khả năng tấn công các mục tiêu bên trong Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải hay đập Tam Hiệp.
Su Tzu Yun – nhà phân tích tại Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh Đài Loan, cho biết Yun Feng được triển trai để làm suy yếu khả năng chiến đấu của Trung Quốc.
“Tên lửa này được cho là có thể tấn công các mục tiêu chiến lược, bao gồm sân bay, bến cảng và căn cứ chỉ huy quân sự ở miền trung Trung Quốc. Nó là một phần quan trọng trong chiến tranh phi đối xứng của Đài Loan”, Su Tzu Yun cho biết.
Ngoài ra, Đài Loan được cho là có tên lửa Hsiung Feng-2E với tầm bắn 1.000km, đủ sức đe dọa sông Dương Tử và đồng bằng châu thổ Châu Giang.
Đây là hai khu vực kinh tế lớn của Trung Quốc và bất kỳ cuộc tấn công nào cũng sẽ làm tê liệt hoạt động của nước này.