Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTướng Vịnh: ASEAN đều lo ngại về “những cách hành xử mới...

Tướng Vịnh: ASEAN đều lo ngại về “những cách hành xử mới xuất hiện gần đây trên Biển Đông”

Sau Hội nghị trực tuyến quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng (15/5) cho biết, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến tập trung, như đề nghị các nước trong khu vực ủng hộ hình thành COC trên góc độ quốc phòng; COC phải đảm bảo nguyên tắc cơ bản là tuân thủ luật pháp quốc tế; đồng thời phải công nhận Biển Đông là vùng biển mở, không đóng với bất kỳ quốc gia nào; không công nhận thực trạng mới của những quốc gia đơn phương xây dựng hay tuyên bố vi phạm luật pháp quốc tế, phương hại đến chủ quyền và lợi ích của các nước khác

Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, các nước đều có chương trình định sẵn. Nhưng bước vào năm 2020, Covid-19 xuất hiện, đặt ra nhiệm vụ kép trong hợp tác quốc phòng ASEAN. Vấn đề đầu tiên rất cấp bách là hợp tác quốc phòng để chống Covid-19, nhìn nhận đây là thách thức an ninh phi truyền thống, ảnh hưởng đến khu vực và từng quốc gia. Đồng thời, dù Covid-19 gây ra những cách trở thì hợp tác quốc phòng ASEAN không để bị gián đoạn, mà phải hoàn thành đầy đủ các nội dung đã được thống nhất. Đây là nhiệm vụ kép mang tính đột xuất và rất khó khăn, để Việt Nam vừa chống Covid-19, vừa làm tốt vai trò chủ nhà ASEAN. Vì vậy, trong Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tháng 2/2020, Việt Nam đã đề nghị ra Tuyên bố chung về hợp tác quốc phòng trong phòng, chống Covid-19; khẳng định dịch bệnh không chỉ là vấn đề y tế mà còn là vấn đề an ninh phi truyền thống, nếu không đẩy lùi sẽ ảnh hưởng đến an ninh của từng quốc gia và khu vực. Dù dịch bệnh là vấn đề của chính phủ, y tế, xã hội, kinh tế nhưng quốc phòng luôn xác định là lực lượng nòng cốt, bằng các việc như tẩy độc, khử khuẩn trên diện rộng, nuôi dưỡng người bị nghi nhiễm… Bên cạnh đó, Việt Nam đã đưa các nhận thức trên thành hành động cụ thể, đóng góp tích cực cho an ninh khu vực. Và không chỉ tạo ra quyết tâm chung, Việt Nam còn trực tiếp giúp đỡ các nước ASEAN phòng, chống dịch bệnh. 

Tình hình Biển Đông gần đây có những diễn biến mới, phức tạp hơn. Đây cũng là quan điểm của các nước ASEAN bởi nhiều nước như Brunei, Philippines, Indonesia… đều cùng bày tỏ là trong khi tập trung chống dịch bệnh, các nước không thể quên những thách thức an ninh khác đang hiện hữu trong khu vực. Trong đó, an ninh biển là vấn đề được nhiều nước quan tâm, gồm cả nước không có biển hoặc vùng biển không có tranh chấp. Các nước lo ngại về những cách hành xử mới xuất hiện gần đây trên Biển Đông, như: Đơn phương tuyên bố các khu vực chủ quyền mà không dựa trên cơ sở pháp lý nào. Hoặc việc quân sự hoá các đảo, đá ở Trường Sa (thuộc Việt Nam), đưa trang thiết bị quân sự ngăn cản hoạt động lao động hoà bình trên biển. Những hành vi này rõ ràng đã đi ra ngoài các nguyên tắc, luật chơi chung của khu vực và thế giới mà các nước đã cam kết, đặc biệt là vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh lấy ví dụ về việc một tàu công vụ lại đâm chìm một tàu cá của ngư dân là hành động không thể chấp nhận được. Đây là vấn đề các nước đều nêu lên và bày tỏ quan ngại. Việt Nam đồng tình với quan điểm đó. Nhưng chúng ta phải làm gì để không tái diễn tình trạng này, để các nước đều yên tâm rằng trong vùng biển khu vực, mọi ngư dân đều có lợi ích, mọi hoạt động lao động hòa bình trên biển đều được bảo vệ? Chúng ta phải theo đuổi cùng các nước ASEAN và Trung Quốc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác tất cả các nước, để mỗi nước đều thu được lợi ích chính đáng tốt nhất trên vùng biển quốc tế. Đây là mong muốn chung của các nước khu vực, trong đó có Việt Nam. 

Tướng Vịnh tin tưởng rằng, kiên trì trong đấu tranh với những cách hành xử và phát ngôn có tính chất đơn phương, không trên cơ sở luật pháp quốc tế, chúng ta sẽ đạt được thoả thuận, nguyên tắc để đảm bảo an ninh trên biển. Đặc biệt là không được để ngư dân, những người lao động bình thường gặp nguy hiểm trên vùng biển của chúng ta cũng như vùng biển quốc tế. 

Hiện Bộ Quốc phòng Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến tập trung, như đề nghị các nước trong khu vực ủng hộ hình thành COC trên góc độ quốc phòng. COC phải đảm bảo nguyên tắc cơ bản là tuân thủ luật pháp quốc tế; đồng thời phải công nhận Biển Đông là vùng biển mở, không đóng với bất kỳ quốc gia nào; không công nhận thực trạng mới của những quốc gia đơn phương xây dựng hay tuyên bố vi phạm luật pháp quốc tế, phương hại đến chủ quyền và lợi ích của các nước khác. Hay chúng ta đề xuất xây dựng Bộ quy tắc tránh va chạm của tàu công vụ, gồm tàu cảnh sát biển, hải cảnh, kiểm ngư, hải quân khi gặp nhau; không đưa ra những hành xử, quyết định có thể gây xung đột. Đồng thời, Bộ quy tắc này còn được mở rộng với các máy bay công vụ. Việt Nam nỗ lực theo đuổi vấn đề này và nhận được sự ủng hộ của các nước trong khu vực. 

Về những khó khăn, thách thức của Việt Nam và các nước ASEAN, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng thách thức quốc phòng thì có thách thức riêng cho từng nước và thách thức chung của tất cả các nước. Theo đó, mối quan tâm đầu tiên và lớn nhất hiện nay của các nước ASEAN là sự cạnh tranh chiến lược của các nước lớn, cụ thể là của Mỹ và Trung Quốc. Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh toàn cầu, trong đó khu vực Đông Nam Á và châu Á Thái Bình Dương chịu ảnh hưởng trực tiếp. Nếu mối quan hệ giữa hai nước này tốt đẹp, hoà thuận, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích của các quốc gia thì tình hình an ninh khu vực sẽ tốt lên. Nhưng đáng tiếc là mối quan hệ hiện nay không được như nhiều người mong muốn. Đây là mối lo ngại và thách thức rất lớn. 

Thách thức thứ hai là chúng ta đang sống trong xã hội văn minh, nên cần tuân thủ luật pháp và nguyên tắc chung để bảo vệ lợi ích loài người, trong đó có từng quốc gia. Bây giờ không phải là thời thích thì mang quân sang nước khác hoặc muốn làm gì cũng được. Nhưng thời gian vừa qua có những nước vì lợi ích cục bộ, đã không tuân thủ luật pháp quốc tế, không coi trọng quyền và lợi ích chính đáng của các nước khác.

Thứ ba, hiện nay lợi ích quốc gia dân tộc đều được các nước đặt lên hàng đầu. Việt Nam cũng vậy. Nhưng bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc đồng thời phải tôn trọng lợi ích của các quốc gia, dân tộc khác. Nhiều nước trong khu vực lo ngại, trong bối cảnh nước nào cũng vươn lên tìm kiếm lợi ích lớn nhất cho riêng mình, thì liệu có tôn trọng lợi ích nước khác hay không. Đặc biệt là cách ứng xử của các nước lớn với nước nhỏ, bởi các nước ASEAN đều là nước nhỏ. Chủ đề này các nước đều nêu ra trong các cuộc họp quốc phòng khu vực. 

Trước những thách thức đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã rất chủ động hợp tác để đảm bảo an ninh khu vực và toàn cầu. Chúng ta theo đuổi mục tiêu là tạo diễn đàn, cấu trúc hợp tác trong ASEAN và ASEAN mở rộng, vì mục tiêu chung là đảm bảo hòa bình trong khu vực và tuân thủ luật pháp quốc tế. Việt Nam gương mẫu hành động vì hoà bình, an ninh khu vực, như trong Sách trắng quốc phòng 2019 đã nêu: “Việt Nam coi an ninh đất nước mình gắn liền với an ninh khu vực và thế giới”. Thời gian qua, Việt Nam đã làm tất cả những gì có thể để những mục tiêu đó từng bước được củng cố vững chắc hơn, trước tình hình luôn có sự thay đổi của an ninh khu vực. 

Để thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa các nước ASEAN, trong vai trò Chủ tịch ASEAN nên Bộ Quốc phòng là chủ tịch hai cấu trúc an ninh lớn là hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (10 nước khu vực Đông Nam Á) và ASEAN mở rộng (18 nước). Theo kế hoạch, Việt Nam có nhiều hoạt động, nhưng vì dịch Covid-19 nên một số bị gián đoạn. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng quyết tâm sẽ thực hiện đầy đủ và đảm bảo chất lượng những nội dung đã đề ra. Một trong những nội dung rất quan trọng trong năm nay là làm sao ra được Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về hợp tác quốc phòng (Tuyên bố chung ADMM), theo chủ đề “gắn kết và chủ động thích ứng”; trong đó cần nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết, thống nhất trong các vấn đề an ninh khu vực, không vì lợi ích riêng của từng nước mà bỏ quên thách thức chung. Các nước phải có tầm nhìn khu vực. Thứ hai là Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (Tuyên bố chung ADMM+) về tầm nhìn chiến lược an ninh khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hai bản Tuyên bố này sẽ có những vấn đề mang tính nguyên tắc là sự hợp tác, vì hoà bình, an ninh, tuân thủ luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, không có hành động hoặc tuyên bố đơn phương gây phương hại lợi ích quốc gia khác. 

Bên cạnh đó, trên cương vị chủ tịch các hoạt động quốc phòng – quân sự ASEAN 2020, Việt Nam tích cực xúc tiến để hình thành Cộng đồng Tình báo quốc phòng ASEAN, nhằm tạo cơ chế chia sẻ thông tin về các thách thức an ninh khu vực như: Chống khủng bố, thiên tai, môi trường và các thách thức an ninh phi truyền thống khác. Tôi tin tưởng rằng, với sự chủ động, tích cực của Việt Nam, cấu trúc hợp tác này sẽ được thành lập trong năm nay và hoạt động hiệu quả.

RELATED ARTICLES

Tin mới