Bộ Thương mại Mỹ (22/5) thông báo sẽ bổ sung 33 công ty, tổ chức Trung Quốc vào “danh sách đen” trừng phạt kinh tế vì hỗ trợ Bắc Kinh thực hiện những hoạt động mà Washington lên án.
Động thái của Bộ Thương mại Mỹ đánh dấu nỗ lực mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc trừng phạt những công ty có thể hỗ trợ hoạt động quân sự của Trung Quốc và gây sức ép lên Bắc Kinh trong vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, chủ yếu sống ở khu tự trị Tân Cương. Theo đó, 7 công ty và 2 tổ chức bị Mỹ đưa vào “danh sách đen” vì đã vi phạm nhân quyền, trực tiếp dính líu vào các vụ bắt giữ hàng loạt, cải tạo tập trung người Duy Ngô Nhĩ. Ngoài ra, Bộ Thương Mại Mỹ cũng liệt kê 24 công ty, tổ chức của chính phủ trong danh sách trừng phạt vì đã mua các trang thiết bị, vũ khí để quân đội Trung Quốc sử dụng vào các hoạt động trấn áp người Duy Ngô Nhĩ. Trong đó có nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, phần mềm nhận diện, vẫn phải mua các chi tiết công nghệ Mỹ. Lọt vào danh sách trừng phạt của Washington còn có CloudMinds, công ty được tập đoàn Softbank hậu thuẫn và đang triển khai một dịch vụ điện toán đám mây giúp vận hành các robot; công ty NetPosa, một trong những công ty về trí tuệ nhân tạo nổi tiếng nhất của Trung Quốc, được cho là có liên quan tới hoạt động giám sát người Hồi giáo tại Trung Quốc. Các đối tượng bị đưa vào danh sách đen sẽ bị hạn chế mua hàng của Mỹ hoặc các sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài theo công nghệ Mỹ.
Được biết, vấn đề người Duy Ngô Nhĩ là một trong những điểm nóng trong quan hệ Mỹ – Trung, cũng như quan hệ phương Tây và Trung Quốc. Trong nhiều năm nay, Mỹ và các nước phương Tây liên tục chỉ trích, lên án và đưa ra các biện pháp trừng phạt Trung Quốc vì đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Ủy ban Chấp hành của Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC, 8/1) đã công bố một báo cáo nghiên cứu thường niên trong đó kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump trừng phạt Trung Quốc về vi phạm nhân quyền, đồng thời thúc giục quan chức Mỹ lưu tâm đến vấn đề nhân quyền liên quan đến Tân Cương khi đàm phán với Bắc Kinh, bao gồm cả đàm phán thương mại. Theo báo cáo nghiên cứu thường niên của CECC cho biết các điều kiện về nhân quyền tại Trung Quốc trong thời gian nghiên cứu từ tháng 8/2018 – 8/2019 đã tồi tệ hơn trước. Báo cáo cũng nêu chi tiết về cách Trung Quốc đối xử với các nhóm tôn giáo thiểu số, các nhà hoạt động nhân quyền và báo chí, trong đó tập trung sâu rộng vào vấn đề tại Tân Cương, nơi được cho là khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang “cải tạo” tại các “trại giáo dục” mà Trung Quốc lập ra. Ủy ban tin rằng tại khu tự trị miền tây bắc Trung Quốc, các nhà chức trách Trung Quốc có thể đang vi phạm nhân quyền. Báo cáo cho rằng, chính quyền Mỹ nên phát triển các quan điểm cụ thể về vấn đề nhân quyền cho quan chức Mỹ tham gia các cuộc đàm phán thương mại, những người thường xuyên liên kết tự do báo chí, ngôn luận với các lợi ích của Mỹ và Trung Quốc. Đồng thời khẳng định, tại Tân Cương, chính quyền Bắc Kinh đã và đang sử dụng camera nhận diện khuôn mặt và các hệ thống giám sát điện thoại di động để kiểm soát chặt chẽ người dân, báo cáo cho biết và nhấn mạnh “chính sách ngoại giao Mỹ phải ưu tiên thúc đẩy nhân quyền và pháp quyền tại Trung Quốc, không chỉ tôn trọng và bảo vệ phẩm giá cơ bản của người dân Trung Quốc, mà còn thúc đẩy tốt hơn về an ninh và thịnh vượng cho toàn nhân loại”. Báo cáo của Ủy ban Chấp hành của Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC) cũng chỉ ra rằng, để giải quyết vấn đề nhân quyền, Washington nên đưa ra các chính sách thắt chặt tiếp cận thị trường Mỹ đối với các công ty Trung Quốc đã đang ủng hộ hoặc cung cấp khả năng công nghệ kiểm soát bao gồm các hệ thống nhận diện gương mặt, công nghệ máy học và sinh trắc học. Ngoài ra, báo cáo của CECC cũng khuyến nghị chính quyền Trump áp đặt trừng phạt lên các doanh nghiệp và quan chức Trung Quốc liên quan tới cách đối xử của họ với người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.
Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, với số phiếu ủng hộ áp đảo 407 và chỉ có 1 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật Duy Ngô Nhĩ 2019, cho phép chính quyền Tổng thống Trump lên tiếng chỉ trích và phản ứng cứng rắn hơn trước hành động của Trung Quốc với người Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương. Dự luật trên đã nêu đích danh Bí thư Tỉnh ủy Tân Cương, ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) và quy trách nhiệm cho ông này trong việc tạo ra các trung tâm giam giữ người thiểu số Hồi giáo, đồng thời kêu gọi trừng phạt thêm các quan chức cấp cao của Trung Quốc chịu trách nhiệm về các hoạt động đối với người Hồi giáo ở Tân Cương. Đây được coi là phiên bản cứng rắn hơn một bản dự luật tương tự đã được Thượng viện Mỹ tán thành hồi tháng 9 năm 2019. Đây cũng là lần đầu tiên một dự luật liên quan đến vấn đề Tân Cương yêu cầu trừng phạt các quan chức cấp cao của Trung Quốc.
Thượng viện Mỹ (11/9/2019) cũng đã thông qua một dự luật về các vấn đề nhân quyền tại Tân Cương. Dự luật nói trên được khởi xướng bởi Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio và Thượng nghị sĩ Dân chủ Robert Menedez. Dự luật “Đạo luật Chính sách nhân quyền Duy Ngô Nhĩ 2019”, yêu cầu chính phủ Mỹ tích cực gây áp lực lên Liên Hợp Quốc và các tòa án quốc tế khác phải hành động về vấn đề nhân quyền tại Tân Cương và kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ xem xét trừng phạt các quan chức chính quyền và các cá nhân chịu trách nhiệm thành lập và duy trì các “trung tâm đào tạo” ở vùng lãnh thổ cực tây của Trung Quốc. Ngoài ra, dự luật cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ công bố đánh giá hằng năm về quy mô và điều kiện của các “trung tâm đào tạo” Tân Cương nhằm giúp các quan chức quyết định mức độ nghiêm trọng của việc thi hành các lệnh trừng phạt hoặc lên án Bắc Kinh. Dự luật được coi là sản phẩm thể hiện sự đồng thuận lưỡng đảng ngày càng tiến bộ tại Quốc hội Mỹ về việc phản đối Trung Quốc về vấn đề nhân nhân quyền.
Đáng chú ý, trong tháng 10/2019, nhóm các nước tại Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu đã lên án Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và những dân tộc Hồi giáo khác ở Tân Cương; kêu gọi Trung Quốc duy trì luật pháp quốc gia và các nghĩa vụ, cam kết quốc tế trong việc tôn trọng quyền con người, bao gồm tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng ở Tân Cương và trên khắp Trung Quốc; khẩn trương thực hiện các khuyến nghị của các chuyên gia Liên hợp quốc về tình hình Tân Cương, gồm cả việc kiềm chế giam giữ tùy tiện người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng Hồi giáo khác. Động thái diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi chấm dứt đàn áp tự do tôn giáo trong một sự kiện khác bên lề cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa đưa ra tuyên bố kêu gọi các quốc gia Trung Á nên từ chối yêu cầu của Trung Quốc trong việc buộc hồi hương các sắc dân thiểu số về Trung Quốc; cho rằng việc Bắc Kinh giam giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở miền tây Trung Quốc không liên quan gì đến chống khủng bố, như Trung Quốc tuyên bố. Thay vào đó, Ngoại trưởng Mỹ coi đây một nỗ lực nhằm xóa bỏ các nền văn hóa và các tôn giáo của người thiểu số.