Wednesday, January 8, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaPhản ứng thế giới sau khi TQ thông qua Nghị quyết về...

Phản ứng thế giới sau khi TQ thông qua Nghị quyết về luật an ninh áp dụng cho Đặc khu hành chính Hong Kong

Ngày 28/5/2020, Quốc hội Trung Quốc (NPC) đã thông qua “Nghị quyết về Thiết lập, Cải thiện Hệ thống Pháp luật và Cơ chế thực thi cho Đặc khu hành chính Hong Kong để Bảo đảm An ninh” được cho là mở đường cho việc ban hành luật an ninh ở Hong Kong, trong đó cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài ở đặc khu. Ngay sau khi thông tin trên được công bố, các nước đã ra phản ứng.

Mỹ, Anh, Canada, Australia chỉ trích TQ vi phạm nghĩa vụ với Hong Kong

Mỹ, Anh, Canada và Australia hôm 28/5 đã ra tuyên bố chung “bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc đại lục quyết định áp luật an ninh mới đối với Hong Kong”. Theo tuyên bố, luật mới sẽ “cắt giảm quyền tự do của người Hong Kong, làm xói mòn đáng kể quyền tự trị của Hong Kong cũng như chế độ khiến thành phố trở nên phồn thịnh. Quyết định áp luật an ninh mới với Hong Kong của Trung Quốc đại lục mâu thuẫn trực tiếp với các nghĩa vụ quốc tế của nước này theo các nguyên tắc mang tính ràng buộc pháp lý trong Tuyên bố chung Trung – Anh đã được đăng ký với Liên hợp quốc. Dự luật an ninh sẽ làm suy yếu mô hình một quốc gia, hai chế độ”, tuyên bố chung cho hay. Bốn quốc gia này cho rằng trong lúc thế giới tập trung vào đại dịch toàn cầu, đòi hỏi phải tăng cường niềm tin vào chính phủ và hợp tác quốc tế, động thái rủi ro chưa từng có của Bắc Kinh gây tác động ngược lại. “Chúng tôi cũng vô cùng lo ngại rằng hành động này sẽ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ sâu sắc hiện có trong xã hội Hong Kong”, tuyên bố nêu thêm. “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Trung Quốc hợp tác với chính quyền đặc khu và người dân Hong Kong để tìm ra dàn xếp thỏa đáng, tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc theo Tuyên bố chung Trung – Anh”.

Chính phủ Anh cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về dự luật an ninh cho Hong Kong của TQ

“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về dự luật an ninh của Trung Quốc. Chúng tôi đã nói rất rõ ràng rằng dự luật an ninh này có nguy cơ làm suy yếu nguyên tắc một quốc gia hai chế độ”, Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm nay cho hay, thêm rằng Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về vấn đề này tối 27/5. “Các bước do chính phủ Trung Quốc thực hiện đe dọa trực tiếp đến tuyên bố chung Trung – Anh”, người phát ngôn của Thủ tướng Anh nói thêm, đề cập thỏa thuận năm 1984 giữa Anh và Trung Quốc rằng mức độ tự trị cao của Hong Kong sẽ được duy trì trong 50 năm, kể từ khi thành phố được trao trả năm 1997.

Phản ứng của giới chuyên gia học giả các nước

Giới quan sát cho rằng việc luật an ninh Hong Kong được mở rộng, không chỉ nhắm tới cá nhân, mà còn điều chỉnh các tổ chức như cơ quan truyền thông, doanh nghiệp quốc tế có thể là lý do khiến Pompeo từ chối công nhận rằng Hong Kong vẫn còn duy trì quyền tự chủ. Quyền tự chủ của Hong Kong là điều kiện quan trọng để thành phố này được hưởng trạng thái thương mại đặc biệt với Mỹ, giúp đặc khu không phải chịu các mức thuế mà Washington áp với Bắc Kinh. Nhờ đặc quyền này, thành phố còn được mua các công nghệ nhạy cảm, đảm bảo trao đổi tự do giữa đồng USD và đôla Hong Kong. Cư dân Hong Kong cũng tránh được những hạn chế về thị thực áp dụng cho cư dân Trung Quốc đại lục.

Theo Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong được thông qua cuối năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ có trách nhiệm xác nhận về quyền tự chủ của Hong Kong mỗi năm, nhằm xem xét những ưu đãi đối với đặc khu. Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ là người quyết định có tước vị thế đặc biệt của Hong Kong hay không. Động thái của Pompeo được đánh giá là bước đi quyết liệt của Mỹ nhằm chống lại nỗ lực gây ảnh hưởng của Trung Quốc đại lục với Hong Kong, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra những hậu quả khôn lường cho tất cả các bên. Theo bình luận viên Alex Ward của Vox, bên mất mát nhiều nhất với quyết định này chính là Hong Kong, khi thành phố có thể đánh mất vị thế trung tâm tài chính toàn cầu. “Trạng thái đó thực sự quan trọng đối với nền kinh tế Hong Kong. Rõ ràng nó còn liên quan mật thiết tới khả năng bảo vệ bản sắc riêng biệt của đặc khu”, Jacob Stokes, nhà phân tích về Trung Quốc tại Viện Hòa bình Mỹ, nhận định hồi tuần trước. “Điều trớ trêu là việc tước trạng thái đặc biệt của Hong Kong lại gây tổn thất cho đặc khu thay vì cứu lấy nó”, Daniel Russel, cựu quan chức ngoại giao trong chính quyền Barack Obama, nhận xét. Susan Shirk, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ khác, cũng đồng tình rằng “bên thua lớn sẽ là người dân Hong Kong, không phải các chính trị gia ở Bắc Kinh hay Washington, những người gây ra tình huống khó khăn này”.

Theo bình luận viên Edward Wong của NY Times, việc Hong Kong mất trạng thái đặc biệt cũng sẽ tác động sâu rộng lên thương mại toàn cầu, đồng thời thay đổi cách vận hành của các công ty nước ngoài cũng như chính Trung Quốc. Với hệ thống tư pháp độc lập và thượng tôn pháp luật khá mạnh mẽ, Hong Kong là cửa ngõ cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn làm ăn với Trung Quốc mà không cần bận tâm về các rủi ro chính trị hay luật pháp. Do đó, Bắc Kinh dựa vào “cửa ngõ” này để giao dịch với các nước khác. Nhiều công ty đại lục huy động vốn bằng cách niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong. Vì vậy, lợi ích kinh tế, thương mại của Trung Quốc tại Hong Kong có thể biến mất nếu chính quyền Trump theo đuổi phương án tước trạng thái đặc biệt của thành phố, Ho-Fung Hung, giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Johns Hopkins, nhận định.

Bản thân các doanh nghiệp Mỹ cũng có nguy cơ bị tổn hại bởi quyết định này. Trong tuyên bố hôm 26/5, Phòng Thương mại Mỹ, đại diện cho các công ty Mỹ tại Hong Kong, kêu gọi chính quyền Trump “tiếp tục ưu tiên duy trì mối quan hệ tích cực và mang tính xây dựng giữa Mỹ và Hong Kong”. Cơ quan này chỉ ra rằng “những thay đổi sâu rộng” với trạng thái đặc biệt của Hong Kong trong các vấn đề kinh tế và thương mại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả doanh nghiệp Hong Kong và Mỹ, “đặc biệt là các công ty ảnh hưởng tích cực đến những giá trị cốt lõi của Hong Kong”.

Đó là lý do chính quyền Trump nhiều khả năng sẽ cân nhắc vài lựa chọn khác, thay vì tước bỏ hoàn toàn trạng thái đặc biệt của Hong Kong sau khi luật an ninh được quốc hội Trung Quốc thông qua. Nguồn tin giấu tên của NY Times tiết lộ họ đang xem xét áp thuế với hàng hóa từ Hong Kong, những loại thuế mà trước đây đặc khu được miễn. Julian Ku, giáo sư luật tại Đại học Hofstra, cho rằng Mỹ còn có thể lựa chọn chấm dứt hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, bởi luật an ninh mới khiến hệ thống tư pháp tại thành phố trở nên kém tin cậy hơn, hoặc hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Hong Kong, tương tự quy định với Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, bình luận viên Wong cho rằng bất kể quyết định cuối cùng thế nào, tuyên bố của Pompeo vẫn là thông điệp cực kỳ mạnh mẽ gửi tới Bắc Kinh, đặc biệt khi Washington từng cam kết trừng phạt họ vì những sai phạm khi xử lý Covid-19. Động thái này còn thể hiện sự ủng hộ rõ ràng của Mỹ với phong trào phản đối chính quyền tại Hong Kong.

Vì vậy, việc Trung Quốc thông qua luật an ninh mới được ví như “đổ thêm dầu vào lửa” trong mối quan hệ vốn đang căng thẳng vì nhiều vấn đề với Mỹ. “Nếu ai đó nhất định gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ quyết tâm thực hiện tất cả biện pháp đối phó cần thiết. Luật an ninh với Hong Kong hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, không cho phép nước ngoài can thiệp”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói hôm 27/5. Bình luận viên Ward cho rằng cách Bắc Kinh đáp trả sẽ phụ thuộc vào hành động của Washington sau tuyên bố của Pompeo. Trong khi đó, một số nghị sĩ cảnh báo chính quyền Trump không nên lợi dụng vấn đề Hong Kong làm công cụ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. “Phản ứng của Mỹ trước những hành động của chính phủ Trung Quốc phải kiên quyết, rõ ràng và nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, đồng thời hỗ trợ các quyền tự do dân chủ tại Hong Kong theo luật pháp quốc tế. Chính sách của Mỹ với Hong Kong không nên trở thành con tốt trong bất kỳ trò chơi nào giữa Ngoại trưởng Pompeo và Tổng thống Trump với Bắc Kinh”, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel tuyên bố.

RELATED ARTICLES

Tin mới