Tuesday, December 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ cảnh báo sẽ sử dụng vũ lực thống nhất với Đài...

TQ cảnh báo sẽ sử dụng vũ lực thống nhất với Đài Loan

Giới chức Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố khẳng định Bắc Kinh muốn “thống nhất hòa bình”, song cảnh cáo sẽ sử dụng tất cả các biện pháp, bao gồm vũ lực để ngăn chặn Đài Loan độc lập.

Trung Quốc chuẩn bị dư luận trước khi tấn công Đài Loan

Trong báo cáo trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội Trung Quốc khóa 13, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (22/5) khẳng định Trung Quốc sẽ kiên quyết phản đối và ngăn chặn mọi hoạt động ly khai, tìm kiếm độc lập của Đài Loan; cho biết Bắc Kinh sẽ khuyến khích dân Đài Loan tham gia phản đối Đài Bắc đòi độc lập và thúc đẩy hòn đảo này thống nhất với Trung Quốc.

Phát biểu trong sự kiện kỷ niệm 15 ngày ban hành Luật Chống ly khai ở Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc) Lật Chiến Thư tuyên bố nước này sẽ sử dụng mọi biện pháp để ngăn chặn sự độc lập của Đài Loan. Tuy nhiên, các hành động “không hòa bình” chỉ là giải pháp sau cùng cho vấn đề Đài Loan. Trước đó, Chủ nhiệm Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc Lưu Kết Nhất cho biết nguyên tắc “Một quốc gia, hai chế độ” và “thống nhất hòa bình” là cách tốt nhất để thống nhất Đài Loan với Trung Quốc; khẳng định rằng các nỗ lực của nước ngoài nhằm cản trở “sự thống nhất” giữa hai bờ eo biển Đài Loan nhất định sẽ thất bại.

Trong buổi lễ kỷ niệm, Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc Lý Tác Thành cho biết một khi không còn cách nào khác để ngăn Đài Loan độc lập, Bắc Kinh sẽ chọn cách tấn công quân sự; khẳng định “nếu khả năng thống nhất hòa bình không còn nữa, lực lượng vũ trang nhân dân của cả nước, bao gồm cả người dân Đài Loan, sẽ thực hiện tất cả các bước đi cần thiết để kiên quyết đập tan mọi âm mưu hay hành động ly khai”. Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc nhấn mạnh “không hứa sẽ bỏ qua việc sử dụng vũ lực và bảo lưu việc thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để làm ổn định và kiểm soát tình hình ở eo biển Đài Loan”.

Đáng chú ý, truyền thông Trung Quốc liên tục có các phóng sự về việc sử dụng vũ lực “thống nhất” với Đài Loan. Theo đó, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) bắt đầu phát sóng bộ phim tài liệu “Pháo kích Kim Môn 1958” liên quan đến cuộc đối đầu quân sự giữa hai bên eo biển, gây nên sự chú ý. Truyền thông chính thức của Trung Quốc nhấn mạnh rằng bộ phim tài liệu này “lần đầu tiên đã thể hiện sâu sắc, toàn diện và có quyền uy về câu chuyện bên trong sự kiện pháo kích Kim Môn khi xưa”. CCTV nhấn mạnh rằng bộ phim tài liệu thể hiện quá trình hình thành quan điểm “một Trung Quốc”, cho thấy hai bên eo biển cùng thuộc một nước Trung Quốc và tất yếu lịch sử là đất nước cuối cùng sẽ được thống nhất. Bộ phim tài liệu dựa trên câu chuyện chính là vụ Trung Quốc đại lục nã pháo sang đảo Kim Môn ngày 23/8/1958. Nó được chia thành các phần “Bối cảnh quốc tế và trong nước về vụ pháo kích Kim Môn”, “Cuộc đấu tranh ngoại giao chống Mỹ”, “Câu chuyện bên trong việc trung ương ra quyết sách”, “Quá trình tác chiến pháo kích Kim Môn”…

Theo CCTV, đoạn phim tài liệu thể hiện Trung Quốc đại lục “thông qua việc pháo kích Kim Môn để cảnh cáo các lực lượng nước ngoài nhúng tay can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, làm gia tăng mâu thuẫn giữa chính quyền Quốc Dân Đảng và Mỹ, tìm ra quân bài chiến lược của Mỹ giúp cho phòng thủ Đài Loan, thể hiện mưu lược quân sự và trí tuệ chính trị của Mao Trạch Đông và trung ương”. Bộ phim tài liệu này mất hai năm để hoàn thành, không chỉ được quay trực tiếp tại các đảo Giác Vũ và Kim Môn ở tiền tuyến, mà còn phỏng vấn hơn 30 cựu binh của PLA từng tham chiến thời điểm đó.

Bên cạnh đó, quân đội Trung Quốc tái hiện dinh lãnh đạo Đài Loan tại căn cứ huấn luyện chiến thuật Chu Nhật Hòa tại vùng Nội Mông cách thủ đô Bắc Kinh 400 km về phía Đông Bắc với tỷ lệ như thật và sử dụng vào tập trận. Với mô hình này, binh sĩ Trung Quốc có thể diễn tập nội dung tấn công, đột kích dinh lãnh đạo Đài Loan.

Sự đáp trả của Đài Bắc

Phát biểu tại lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Đài Loan nhấn mạnh: “Quan hệ Đài Loan – Trung Quốc đã có những bước ngoặt mang tính lịch sử. Cả hai bên đều có nhiệm vụ tìm cách cùng tồn tại lâu dài và ngăn chặn gia tăng đối kháng và khác biệt. Tôi muốn nhắc lại các từ ‘hòa bình, bình đẳng, dân chủ và đối thoại’. Chúng tôi sẽ không chấp nhận chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’ của Bắc Kinh nhằm hạ giá trị của Đài Loan và làm suy yếu tình trạng hiện tại giữa hai bờ eo biển. Chúng tôi sẽ nhanh chóng có những hành động về vấn đề này”. Bà cho biết sẽ nỗ lực hết sức để duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực eo biển Đài Loan và sẵn sàng tham gia đối thoại với Trung Quốc và đóng góp cụ thể hơn cho an ninh khu vực. Trong bài phát biểu, bà Thái Anh Văn cũng nhấn mạnh Đài Loan sẽ tiếp tục mọi nỗ lực nhằm tham gia vào các tổ chức quốc tế và tăng cường mối quan hệ với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong lĩnh vực kinh tế, bà Thái Anh Văn cho biết “Đài Loan cần tiếp tục hành động sớm để cứu trợ và phục hồi kinh tế, và làm bất cứ điều gì cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định”.

Không những vậy, bà Thái còn nói về cuộc chiến của Đài Loan chống lại đại dịch Covid-19 – điều đã nhận được sự đánh giá cao của nước lớn và cả sự ủng hộ của họ để Đài Loan trở thành quan sát viên tại Hội đồng Y tế Thế giới – bất chấp áp lực từ Bắc Kinh. Bên cạnh đó, trong bốn năm tới, Đài Loan sẽ tiếp tục đấu tranh để tham gia vào các tổ chức quốc tế, tăng cường hợp tác cùng có lợi với các đồng minh và củng cố mối quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu và các nước cùng chí hướng khác.

Bên cạnh đó, Đài Loan hiện đang tìm cách tăng cường năng lực quân sự, nhất là năng lực tác chiến chống ngầm và phòng không. Ngoài việc mới mua ngư lôi hạng nặng Mark 48 Mod 6AT của Mỹ, Đài Loan được cho là đang tìm cách mua hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ chế tạo. Harpoon là tên lửa chống hạm chuyên biệt đầu tiên của hải quân Mỹ, ra mắt lần đầu năm 1977. Tên lửa có tầm bắn tối đa 280 km tùy phiên bản và nền tảng phóng, đạt tốc độ 865 km/h và có thể bay cách mặt biển vài mét trong khi tiếp cận mục tiêu. Mỗi quả đạn mang đầu nổ 220 kg, đủ sức đe dọa nhiều loại tàu chiến hiện nay. Trước đó, Đài Loan cũng đã mua 66 tiêm kích F-16V trị giá 8 tỷ USD từ Mỹ.

Đài Loan là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất của Trung Quốc. Vùng lãnh thổ này được coi là một phần không thể tách rời của “Một Trung Quốc”. Trung Quốc và Đài Loan đã bị chia cắt năm 1949, sau một cuộc nội chiến, và kể từ đó đến nay Bắc Kinh luôn khẳng định mục tiêu kiên quyết thống nhất Đài Loan vào Trung Quốc. Bắc Kinh công khai ý định sẵn sàng dùng vũ lực đối với Đài Loan nếu khu vực này tìm cách đòi độc lập với Trung Quốc. Vì thế, Đài Loan vẫn luôn canh cánh cái gọi là “mối đe dọa từ Trung Quốc” đối với hòn đảo này.

Năm 2005, Quốc hội Trung Quốc ban hành Luật Chống ly khai và đặt cơ sở cho các hành động quân sự để ngăn chặn và dập tắt nỗ lực đòi độc lập của chính quyền Đài Bắc. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã căng thẳng hơn từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử vị trí lãnh đạo vùng lãnh thổ này từ năm 2016. Bà Thái Anh Văn công khai thực hiện nhiều bước đi nhằm đối phó với Trung Quốc như tăng chi tiêu quân sự, tăng cường mua sắm vũ khí và mở rộng hợp tác với các nước lớn, đặc biệt là đồng minh Mỹ. Bắc Kinh đương nhiên không thể chấp nhận một Đài Loan ngày càng thách thức khi hòn đảo này luôn luôn được Trung Quốc coi là một vùng lãnh thổ của họ.

Tình hình càng nghiêm trọng khi Mỹ cũng tăng cường giúp đỡ cho Đài Loan, đặc biệt trong vấn đề vũ khí, quân sự. Quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều lần lên xuống thất thường và bị gián đoạn bởi việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Mỗi lần Mỹ cung cấp vũ khí cho Vùng lãnh thổ Đài Loan thì nước này đều vấp phải những phản ứng hết sức mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Gần đây, căng thẳng càng leo thang khi Trung Quốc ngăn cản Đài Loan tham gia vào các hoạt động của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chống COVID-19 và tăng cường tập trận gần vùng lãnh thổ này. Đài Loan cũng tăng cường năng lực quân sự của mình, trong khi Mỹ – đồng minh lớn nhất của Đài Loan – tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực để gây áp lực lên Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới