Monday, December 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ đang chuẩn bị “dân sự hóa” các đảo đá chiếm đóng...

TQ đang chuẩn bị “dân sự hóa” các đảo đá chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông

Việc Trung Quốc đang xây dựng khả năng tự cung tự cấp cho các thực thể nhân tạo chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông nhằm đưa thêm người, gồm cả binh sĩ và “dân thường” ra đồn trú.

Hành động phi pháp quen thuộc

Mới đây, truyền thông Trung Quốc ngang nhiên tuyên truyền về công nghệ trồng rau trên cát ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) đang “đạt được thành tựu lớn”. Hoàn Cầu cho biết binh sĩ Trung Quốc đồn trú trái phép trên đảo Phú Lâm đã thu hoạch được hơn 750kg rau xanh nhờ vào công nghệ trồng rau trên cát. Theo tờ này, hải quân Trung Quốc đã bắt tay với Đại học Trùng Khánh để thử nghiệm công nghệ mới trên một mảnh đất rộng 300m2 ở Phú Lâm và thu hoạch sau một tháng gieo trồng; đồng thời khẳng định sẽ nhân rộng ra các thực thể khác bị nước này chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, hướng tới xây dựng khả năng tự cung tự cấp để đưa thêm người ra ở.

Bên cạnh đó, Hoàn cầu còn dẫn lời Chen Xiangmiao, chuyên gia tại cái gọi là Viện Nghiên cứu Nam Hải (Trung Quốc), ngang ngược cho rằng việc trồng rau sẽ giúp củng cố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông và chứng minh các thực thể này là đảo; nhấn mạnh “Trung Quốc đã có khả năng hỗ trợ đời sống cho người trên đảo, đồng nghĩa sẽ ngày càng có nhiều người đến sinh sống hơn” và “trồng rau là bước đầu, sau đó có thể nuôi heo, nuôi gà tạo thành một chu trình hỗ trợ con người sinh sống. Trong tương lai, mỗi hòn đảo có thể tạo thành một cộng đồng dân cư độc lập”.

Chuyên gia Zachary Haver gần đây đã lưu ý về việc Trung Quốc đang xây dựng khả năng tự cung tự cấp cho các thực thể nhân tạo chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông nhằm đưa thêm người, gồm cả binh sĩ và “dân thường” ra đồn trú; cho rằng đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa cũng như Chữ Thập ở Trường Sa vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ đảo Hải Nam. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đã tăng tốc các nỗ lực đảm bảo khả năng tự cung tự cấp trên các thực thể này. Đây vừa là nơi tiếp liệu, cung cấp nhu yếu phẩm cho các tàu công vụ Trung Quốc vừa là nơi đặt trụ sở của cái gọi là “quận đảo Nam Sa” mà Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố hồi tháng trước. Theo ông Haver, ngoài công nghệ trồng rau trên cát, Bắc Kinh còn ngang nhiên xây trái phép các cơ sở sản xuất điện và khử nước mặn trên Phú Lâm. Chính quyền cái gọi là thành phố Tam Sa mà Trung Quốc tự tiện đặt ra để quản lý Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam gần đây còn chiêu dụ “dân thường” đến sinh sống bằng các khoản trợ cấp và nhà ở miễn phí. Bên cạnh đó, Trung Quốc thường thử nghiệm các mô hình ở Phú Lâm trước khi áp dụng tại các thực thể khác trên Biển Đông. Bắc Kinh đã bắt đầu tiến hành các động thái đáng chú ý ở đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa. Việc mở rộng mô hình ở Phú Lâm sang các thực thể nhân tạo khác tại Trường Sa là chuyện sớm chiều.

Vi phạm luật pháp

Quần đảo Hoàng Sa nằm ở vĩ độ 15045′ đến 17o15′ Bắc, kinh độ 111ođến 113o Đông, cách đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi khoảng 120 hải lý; là một quần đảo đá san hô, cồn, bãi cát gồm hơn 30 hòn đảo, nằm trên vùng biển rộng từ Tây sang Đông khoảng 100 hải lý, từ Bắc xuống Nam khoảng 85 hải lý, diện tích chừng 15.000km2. Đây là vùng biển của Việt Nam đã được cộng động và luật pháp quốc tế thừa nhận.

Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là phi pháp, vi phạm luật pháp quốc tế. Hành động đánh chiếm các đảo trong quần đảo ở Biển Đông bằng vũ lực là một sự vi phạm nghiêm trọng Điều 2, Khoản 4 của Hiến chương Liên Hơp Quốc, trong đó cấm các quốc gia sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác. Nội dung điều khoản này trong Hiến chương Liên Hợp Quốc là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đòi hỏi tất cả các nước thành viên của Tổ chức Liên hợp quốc, trong đó có Trung Quốc, phải tuân thủ. Nguyên tắc này được phát triển và cụ thể hoá trong Nghị quyết 2625 ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong đó quy định:“Các quốc gia có nghĩa vụ không đe doạ hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác, hay (coi đe doạ hay sử dụng vũ lực) như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia”. 

Hành động Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa năm 1956 và chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo này năm 1974 thực chất là một hành động xâm lược lãnh thổ của Việt Nam bằng vũ lực. Theo luật pháp quốc tế việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không tạo ra được chứng cứ pháp lý để khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo, đá mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt. Nghị quyết 2625 của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc được trích dẫn ở trên đã nêu rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe doạ hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.

Phản ứng của Việt Nam

Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần tuyên bố khẳng định: Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Các hành động nêu trên của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, không phù hợp với nhận thức chung quan trọng của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng trên biển cũng như xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, trái với tinh thần và nội dung của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có lợi cho tiến trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng như việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông và khu vực. Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động nêu trên, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có hành động làm phức tạp tình hình; đóng góp thiết thực và tích cực vào phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông và khu vực

Trước việc Trung Quốc ngang nhiên “trồng rau” ở đảo Phú Lâm của Việt Nam, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt (28/5) khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam là sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam và vi phạm luật pháp quốc tế.

Việt Nam đã nhiều lần phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn ngang nhiên lặp đi lặp lại các hành động xem thường luật quốc tế bất chấp là một nước lớn.

RELATED ARTICLES

Tin mới