Saturday, December 28, 2024
Trang chủBiển nóngNgăn Trung Quốc đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông

Ngăn Trung Quốc đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông

Là một cường quốc nằm bên bờ Thái Bình Dương, Nga có những lợi ích chiến lược lâu dài tại Biển Đông – vùng biển trọng yếu hàng đầu của đại dương rộng lớn nhất thế giới này – nên không muốn bất cứ cường quốc nào dùng sức mạnh để biến Biển Đông thành “ao nhà”.

Sự ngang ngược phi lý của Trung Quốc

Trang mạng Infox.ru của Nga mới đây đã đăng bài viết “Biển Đông dậy sóng vì Covid-19” trong đó nhấn mạnh, Trung Quốc đã sử dụng cả hành động quân sự lẫn chính trị để tiếp tục gây sức ép lên các quốc gia láng giềng trong bối cảnh toàn cầu đang đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra. Bài báo bày tỏ lo ngại cho rằng, nếu đạt được mục đích thì trong tương lai không xa, Trung Quốc có thể làm thay đổi toàn bộ môi trường địa chính trị ở khu vực Đông Nam Á.

Tác giả bài báo đã vạch rõ sự ngang ngược phi lý của Trung Quốc khi đòi hỏi chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông, tương đương hơn 2,2 triệu km2, hoàn toàn phớt lờ lợi ích của các quốc gia láng giềng trong khu vực. Không chỉ giàu tài nguyên thiên nhiên, Biển Đông còn là một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới; hàng năm, giá trị hàng hóa được vận chuyển qua vùng biển này lên tới 3.400 tỷ USD.

Bài báo vạch rõ, ngoài việc nhắm tới các mục tiêu chiến lược quân sự thuần túy, Trung Quốc còn có tham vọng kiểm soát tuyến hàng hải với các dòng chảy thương mại phục vụ cho không chỉ chính Trung Quốc mà còn các quốc gia Đông Á khác như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, tác giả bài báo nhấn mạnh, những yêu sách của Bắc Kinh đối với Biển Đông không phù hợp với các chuẩn mực của luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) được chính Trung Quốc phê chuẩn năm 1996, cũng như phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) đưa ra ngày 12-7-2016 trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines, mà theo đó khẳng định rằng Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào đối với những tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. 

Thế nhưng, bất chấp tất cả, Trung Quốc thời gian qua vẫn liên tiếp có những động thái hung hăng và ngang ngược về cả chính trị và sức mạnh hòng đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Về chính trị, Trung Quốc có hàng loạt việc làm vi phạm chủ quyền hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó có những bước leo thang mới như thành lập những cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”; công bố cái gọi là danh xưng tiêu chuẩn của 25 đảo và rạn san hô cùng 55 thực thể ở Biển Đông mà phần lớn những đảo, rạn san hô và thực thể này nằm trong hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.

Đồng thời với đó, Trung Quốc dùng sức mạnh của hải quân, hải cảnh (cảnh sát biển)…  để “bắt nạt” các bên khác trong khu vực ở Biển Đông, trong đó hành động nguy hiểm bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ là cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá của Việt Nam… Đồng thời, Trung Quốc có những hành gi gây căng thẳng, gây hấn trên các vùng biển mà các nước thành viên ASEAN là Philippines, Malaysia, Indonesia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình

Tất cả những việc làm ngang ngược và phi lý trên của Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch hoành hành tại khu vực cũng như trên thế giới đều chỉ hướng tới một cái đích duy nhất là áp đặt chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Điều này không chỉ đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở Biển Đông mà còn đe dọa lợi ích của tất cả các bên liên quan, từ các quốc gia nằm quanh Biển Đông tới các cường quốc thế giới có lợi ích chiến lược tại vùng biển này, nhất là các cường quốc Thái Bình Dương như Mỹ, Nga… 

Ai cũng thấy rất rõ nguy cơ hiển hiện là nếu Trung Quốc áp đặt được sức mạnh của họ, biến Biển Đông thành “ao nhà” thì Bắc Kinh sẽ đặt lợi ích sống còn, lợi ích chiến lược của tất cả các bên liên quan khác trong tầm khống chế, kiểm soát của họ. Với các cường quốc, nếu để Biển Đông nằm trong sự kiềm tỏa của Trung Quốc sẽ chẳng khác nào giúp Bắc Kinh thêm sức mạnh, lợi thế để ganh đua cạnh tranh ra toàn Thái Bình Dương cũng như trên toàn cầu.

Trước đó, trang mạng “Tin tức quốc gia” của Nga trong bài viết “Trung – Mỹ đối đầu: Cuộc chiến giành quyền kiểm soát Biển Đông” hồi tháng 5 vừa qua bày tỏ sự lo ngại về việc Trung Quốc có tham vọng kiểm soát toàn bộ Biển Đông thông qua kế hoạch xây “hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm” tiếp theo ở bãi cạn Scarborough cũng như hàng loạt căn cứ quân sự với hạ tầng đi kèm có khả năng tiếp nhận máy bay và tàu  chiến được xây dựng trên cơ sở bồi đắp các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép.

Sau khi xây dựng hệ thống các căn cứ quân sự ở trung tâm Biển Đông và thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), Trung Quốc hoàn toàn có khả năng mở rộng sức mạnh quân sự ra toàn tiểu khu vực và nếu Bắc Kinh áp đặt được quyền kiểm soát đối với vùng biển này thì tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi hàng năm có lưu lượng hàng hóa trị giá lên đến hàng nghìn tỷ USD đi qua, sẽ bị đe dọa.

Trong khi đó, Nga trong rất nhiều năm tuyên bố giữ lập trường trung lập trong cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nhưng cũng không hề muốn các tuyến hàng hải quốc tế ở Biển Đông bị một quốc gia nào đó kiểm soát. Hiện, xuất khẩu dầu của Nga từ cảng Kozmino ở vùng Viễn Đông sang Đông Nam Á phải đi qua Biển Đông.

Trong đó, xuất khẩu sang Malaysia chiếm 6,5%, Thái Lan 5,7%, Philippines 5,3% và Singapore 4,5% tổng lượng xuất khẩu của Nga. Việc hội nhập vùng Viễn Đông của Nga với châu Á – Thái Bình Dương do đó phụ thuộc nhiều vào việc đảm bảo tự do hàng hải ở Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng. Bên cạnh đó, Việt Nam – đối tác chiến lược toàn diện của Nga – và Nga đang có các dự án lớn về năng lượng đang triển khai trên thềm lục địa của Việt Nam.

Là quốc gia nằm bên bờ Thái Bình Dương, Nga quan tâm sâu sắc đến việc giải quyết các tranh chấp ở khu vực Biển Đông trên cơ sở nguyên tắc không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, và sự tôn trọng lẫn nhau của tất cả các bên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. Nhà Việt Nam học người Nga Vladimir Kolotov sau khi cho rằng hành động của Trung Quốc thời gian qua tại Biển Đông là phản tác dụng, làm leo thang tình hình căng thẳng và đe dọa sự ổn định ở khu vực Đông Á đã cho rằng, vấn đề Biển Đông cần được giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế. Với vai trò trung lập, Matxcơva có thể đóng vai trò trung gian nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới