Saturday, November 23, 2024
Trang chủĐàm luận“Tàu cáp ngầm” Tian Yi Hai Gong lại làm dậy sóng Biển...

“Tàu cáp ngầm” Tian Yi Hai Gong lại làm dậy sóng Biển Đông

Một tàu đặt dây cáp xuất phát từ xưởng đóng tàu ở Thượng Hải, Trung Quốc, bắt đầu hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) cách đây hai tuần. Nếu nhận định của các chuyên gia là chính xác, điều này là một bằng chứng mạnh mẽ tố cáo Bắc Kinh gia tăng hành động quân sự hóa biển Đông.

Ảnh vệ tinh và dữ liệu định vị tàu thuyền đã phát hiện chiếc tàu này. Theo hãng tin Mỹ BenarNews ngày 08/6/2020, giới chuyên gia cho rằng, các dây cáp ngầm có thể được dùng vào mục tiêu quân sự, cụ thể là tăng cường khả năng phát hiện tàu ngầm.

Chiếc tàu bí hiểm này rời bến từ thành phố Thượng Hải. Hình ảnh vệ tinh thương mại phát hiện chiếc tàu này làm công việc có liên quan đến cáp ngầm dưới biển, tuy không thể xác định rõ tàu này đang đặt cáp mới, hay sửa chữa, nâng cấp hệ thống cáp hiện có.

“Tàu cáp ngầm” mang tên Tian Yi Hai Gong đã đến Hoàng Sa vào ngày 28/5. Đến nay nó đã hoạt động ít nhất tại ba đảo, đá là đảo Cây (Tree Island), đảo Bắc (North Island) và đảo Phú Lâm (Woody Island). Sau đótàu di chuyển lên phía tây nam ngày 05/6, ghé các đảo Duy Mộng (Drumond), đảo Ba Ba (Yagong) và bãi Xà Cừ (Observation Bank). Cho đến sáng 8/6, chiếc tàu vẫn ngang nhiên tác nghiệp ở phía đông bắc bãi Xà Cừ.

Phía Trung Quốc cho hay, tất cả các địa điểm nêu trên đều là các tiền đồn quân sự của họ ở vùng Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam).

Cách đây bốn năm, vào năm 2016, Trung Quốc đã bí mật đặt cáp ngầm ở Hoàng Sa. Theo hãng tin Anh Reuters, đó là tuyến cáp ngầm nối căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm với đảo Hải Nam. Các chuyên gia quân sự cho rằng, hệ thống cáp quang ngầm nối liền các thực thể ở Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng có thể nhằm mục đích quân sự.

Ông James Kraska, giáo sư tại trường Hải Chiến Hoa Kỳ, nhận định: Hệ thống cáp quang sẽ cho phép truyền tải các thông tin quân sự được mã hóa giữa các tiền đồn khác nhau của Trung Quốc. Hệ thống này sẽ được kết nối với hệ thống cáp dưới biển đã được xây dựng từ trước dọc theo bờ biển phía đông Trung Quốc. Đó là mạng lưới kiểu SOSUS, một hệ thống giám sát âm thanh dưới biển. SOSUS là hệ thống sonar mà Hải quân Mỹ từng dùng để theo dõi hoạt động dưới biển.

Tuyến cáp này còn có “đôi tai” đặc biệt là, phát hiện các âm thanh dưới nước, để theo dõi tàu của đối thủ, nhất là tàu ngầm.

Liên quan đến việc đặt cáp ngầm, các chuyên gia lưu ý một vị trí quan trọng có tên Du Lâm. Đây là một trong những căn cứ phức tạp nhất của hải quân Trung Quốc, được trang bị hệ thống hầm ngầm và bảo trì để phục vụ lực lượng tàu ngầm ngày càng nhiều lên của Trung Quốc. Căn cứ này nằm ở mũi cực nam đảo Hải Nam.

Hệ thống sonar đáy biển giữa đảo Phú Lâm và đảo Hải Nam sẽ giúp phát hiện các tàu ngầm Mỹ, khi tàu Mỹ tìm cách theo dõi căn cứ ở Hải Nam, trong thời bình, hoặc thời chiến.

Những hành động nêu trên của Trung quốc đã thể hiện rõ quyết tâm sắt đá của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: Quân đội phải sẵn sàng chuẩn bị cao nhất cho chiến tranh. Theo đó, phải vươn lên, không thể thua đối phương bất cứ loại trang bị khí tài, vũ khí hiện đại nào. Việc Hải quân Trung Quốc tập trung rải cáp ngầm ở khu vực Hoàng Sa trong bốn năm qua và được thúc đẩy mạnh mẽ trong những ngày vừa qua càng chứng tỏ hành động hiếu chiến của nước này.

Bởi thế, các quốc gia liên quan hơn lúc nào hết phải nêu cao cảnh giác, điều chỉnh phương án tác chiến để không bị bất ngờ trong phòng thủ và chủ động về lực lượng, vũ khí, khí tài hiện đại khi xảy ra chiến tranh.

RELATED ARTICLES

Tin mới