Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm qua thúc giục Triều Tiên quay lại đối thoại và tránh gia tăng căng thẳng, sau khi Bình Nhưỡng đe dọa cắt đứt quan hệ và có hành động quân sự.
Căng thẳng nổi lên gần đây làm gia tăng lo ngại Bình Nhưỡng sẽ có hành động khiêu khích quân sự, kéo tụt đà tiến triển quan hệ mà khó khăn lắm hai miền mới đạt được. Ngoài đe dọa cắt đứt liên lạc, báo chí Triều Tiên mấy ngày qua nói đến khả năng đóng cửa văn phòng liên lạc và đáp trả chiến dịch thả truyền đơn qua biên giới của những người chống Triều Tiên ở Hàn Quốc.
“Những lời hứa về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên mà Chủ tịch Kim Jong Un đưa ra với 80 triệu dân không thể rút lại. Triều Tiên không nên cắt liên lạc, tăng căng thẳng và quay lại thời kỳ đối đầu trước đây”, ông Moon nói trong cuộc họp với các quan chức cấp cao Hàn Quốc hôm qua. Ông nhắc lại những thoả thuận mà lãnh đạo hai miền đạt được trong cuộc gặp năm 2018 về việc sẽ “phi hạt nhân hoá hoàn toàn bán đảo Triều Tiên” và dừng “tất cả hành động thù địch”.
“Tôi cũng tiếc khi Hàn Quốc và Triều Tiên cũng như quan hệ liên Triều không đạt được tiến triển như kỳ vọng. Đã đến lúc miền Nam và miền Bắc tìm ra bước đột phá”, ông Moon nói.
Cuối tuần qua, bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, tuyên bố đã đến lúc cắt đứt quan hệ với Hàn Quốc và hành động tiếp theo đối với “kẻ thù” sẽ đến từ quân đội. Trong tuyên bố được KCNA đăng tải, bà nói rằng, tốt hơn là có các biện pháp đáp trả thay vì đưa ra tuyên bố chỉ trích hành động của Hàn Quốc, vì lời nói có thể bị hiểu sai hoặc bỏ qua. “Rác phải được vứt vào thùng. Với việc thực thi quyền lực được lãnh đạo tối cao, đảng và nhà nước giao cho, tôi chỉ đạo cho các bộ phận phụ trách quan hệ với kẻ thù hãy có hành động dứt khoát tiếp theo”, bà nói.
“Nếu chiến dịch thả truyền đơn tiếp tục, bước đi đầu tiên của Triều Tiên có thể là phát đi cảnh báo gay gắt rằng họ sẽ đáp trả bằng cách bắn pháo phòng không”, Yonhap dẫn lời GS Yang Moo-jin (ĐH Nghiên cứu Triều Tiên ở Hàn Quốc). Năm 2014, Triều Tiên bắn các bóng bay rải truyền đơn từ Hàn Quốc, dẫn đến vụ đấu súng với Hàn Quốc. GS Yang cho rằng, Triều Tiên cũng có thể thử tên lửa tầm ngắn hoặc thử hệ thống phóng tên lửa đa nòng.
GS Lim Eul-chul (Viện Nghiên cứu Viễn Đông, ĐH Kyungnam) cũng cho rằng, Triều Tiên có thể bắn pháo phòng không nếu việc rải truyền đơn tiếp diễn. “Mức độ phản ứng của Triều Tiên sẽ phụ thuộc vào hành động của chính phủ Hàn Quốc. Bằng cách tuyên bố sẽ có “bước đi tiếp theo”, họ đang sử dụng chiến tranh tâm lý để tạo căng thẳng nhằm đạt được điều họ muốn”, GS Lim nói với Yonhap.
Nhà nghiên cứu này cho rằng, Bình Nhưỡng có thể tháo bạt phủ dàn pháo đặt ven biển phía tây để thể hiện rằng họ sẵn sàng khai hoả, nhằm gây sức ép lên Seoul. Nhưng ông Lim cũng cho rằng, Triều Tiên khó có khả năng thực hiện những vụ tấn công nghiêm trọng như vụ đánh chìm tàu Cheonan hay pháo kích đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc.