Sunday, December 22, 2024
Trang chủQuân sựNguy cơ căng thẳng biên giới Ấn Độ - TQ kéo dài...

Nguy cơ căng thẳng biên giới Ấn Độ – TQ kéo dài sau vụ đụng độ

Một vụ đụng độ dẫn đến chết người xảy ra ở khu vực biên giới Ấn Độ – Trung Quốc giữa lúc hai bên đang hướng tới giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp biên giới kéo dài nhiều thập niên qua.

Quân đội Ấn Độ xác nhận vụ đụng độ xảy ra tại thung lũng Galwan ở vùng Ladakh trong khu vực tranh chấp Kashmir vào tối 15.6, khiến 3 quân nhân nước này thiệt mạng, bao gồm một đại tá.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava nói vụ đụng độ xảy ra là hậu quả của việc Trung Quốc cố đơn phương thay đổi hiện trạng tại khu vực biên giới tranh chấp, theo Reuters. “Cả hai bên đều chịu tổn thất nhưng lẽ ra có thể tránh được nếu Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận trước đó về giảm căng thẳng”, ông Srivastava lưu ý.
Nguy cơ căng thẳng biên giới Ấn Độ - Trung Quốc kéo dài sau vụ đụng độ - ảnh 1

Lính Ấn Độ đứng gác tại khu vực dọc biên giới với Trung Quốc

AFP

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc lính Ấn Độ đã vượt qua biên giới hai lần trong ngày 15.6, “khiêu khích và tấn công binh sĩ Trung Quốc, dẫn đến cuộc ẩu đả nghiêm trọng”. “Chúng tôi một lần nữa yêu cầu phía Ấn Độ kiềm chế các binh sĩ ở khu vực biên giới”, ông Triệu nói. Tiếp đó, quân đội Trung Quốc yêu cầu Ấn Độ chấm dứt hành động khiêu khích và đối thoại để giải quyết các bất đồng.
Trên Twitter, Tổng biên tập tờ Hoàn cầu Thời báo, ông Hồ Tích Tiến cho rằng phía Trung Quốc cũng chịu tổn thất sau vụ ẩu đả nhưng không rõ có bao nhiêu người chết hay bị thương. Trong khi đó, cũng trên Twitter, nữ phóng viên Vương Văn Văn của tờ báo này cho rằng có 5 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng và 11 người bị thương.
Nguy cơ căng thẳng biên giới Ấn Độ - Trung Quốc kéo dài sau vụ đụng độ - ảnh 2

Lính Ấn Độ đứng gác tại khu vực dọc biên giới với Trung Quốc

Ảnh chụp màn hình SCMP

Đây là vụ đụng độ chết người đầu tiên kể từ năm 1975 tại khu vực biên giới Ấn Độ – Trung Quốc. Truyền thông Ấn Độ cho rằng quân đội Trung Quốc vẫn còn hiện diện tại một số khu vực ở thung lũng Galwan sau vụ đụng độ và đang kiểm soát một số khu vực ở phía bắc hồ Pangong Tso, vùng Ladakh. Trước đó, một số binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã bị thương ở Ladakh sau vụ ẩu đả và ném đá vào ngày 9.5.
Diễn biến trên xảy ra sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tuần rồi thông báo đã đạt được “sự đồng thuận tích cực” với Ấn Độ về việc giải quyết căng thẳng tại biên giới. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng nhấn mạnh hai bên sẽ tiếp tục duy trì các cam kết về liên lạc thông qua kênh ngoại giao lẫn quân sự để giải quyết tình hình và đảm bảo hòa bình ở khu vực biên giới.
“Nếu hai bên không có cách xử lý phù hợp thì điều này có thể leo thang thành một thứ gì đó lớn hơn nhiều so với chúng ta tưởng tượng ban đầu”, chuyên gia Harsh V Pant thuộc tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation (Ấn Độ) nói với AFP, đồng thời gọi những tuyên bố của Trung Quốc là” đáng lo ngại”.
“Với cơ sở hạ tầng và năng lực quân sự tốt hơn, Trung Quốc có lẽ đang cố gây áp lực với Ấn Độ để thách thức cách phản ứng từ New Delhi”, ông Pant nhận xét.

Căng thẳng biên giới kéo dài

Ấn Độ – Trung Quốc có một số tranh chấp tại khu vực biên giới dài khoảng 3.500 km, còn được gọi là Đường kiểm soát thực tế (LAC), và hai bên chưa bao giờ nhất trí về độ dài của LAC. Ấn Độ khẳng định LAC dài 3.500 km. Bắc Kinh không đưa ra con số cụ thể nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng LAC chỉ dài 2.000 km, bao gồm cả một số khu vực do Ấn Độ kiểm soát ở Jammu, Kashmir, Ladakh cùng những vùng khác.
Chiến tranh biên giới Ấn Độ – Trung Quốc đã bùng nổ từ ngày 1.10 – 21.11.1962, trong đó Trung Quốc chiếm được một số vùng lãnh thổ từ Ấn Độ, theo AFP. Sau đó, một vụ đụng độ chết người xảy ra vào năm 1967, với hơn 80 binh sĩ Ấn Độ và ước tính khoảng 400 lính Trung Quốc tử trận.
Vụ đụng độ năm 1967 thường được nhớ đến là tiếng súng nổ cuối cùng tại biên giới Ấn Độ – Trung Quốc. Tuy nhiên, vào năm 1975, bốn binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng sau khi bị lính Trung Quốc phục kích trong lúc họ tuần tra dọc theo LAC tại khu vực thuộc bang Arunachal Pradesh (Ấn Độ), theo tờ The Hindu. Năm 2017 từng chứng kiến cuộc đối đầu kéo dài 72 ngày sau khi lực lượng quân sự Trung Quốc di chuyển vào cao nguyên tranh chấp Doklam ở biên giới Trung Quốc – Ấn Độ – Bhutan.
Nguy cơ căng thẳng biên giới Ấn Độ - Trung Quốc kéo dài sau vụ đụng độ - ảnh 3

Binh lính Ấn Độ dừng chân tại một địa điểm trước khi lên đường đến vùng Ladakh ngày 16.6

Reuters

Kể từ đầu tháng 5.2020, một cuộc đối đầu xảy ra giữa hàng trăm binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ở vùng Ladakh. Cụ thể, sau vụ ẩu đả hôm 9.5, hai bên bắt đầu triển khai thêm nhiều binh sĩ đến khu vực biên giới. Vào ngày 12.5, các máy bay trực thăng quân sự Trung Quốc đã bay gần LAC sau khi một phi đội chiến đấu cơ Su-30 của Ấn Độ xuất hiện gần đó.
Đến ngày 6.6, các tướng lĩnh Trung Quốc – Ấn Độ hội đàm, nhất trí không làm leo thang tranh chấp biên giới thành xung đột. Tuy nhiên, trong cùng ngày hôm đó, tờ Hoàn Cầu Thời báo đưa tin Trung Quốc huy động hàng ngàn lính dù, xe bọc thép tham gia cuộc tập trận gần biên giới với Ấn Độ.
Nguy cơ căng thẳng biên giới Ấn Độ - Trung Quốc kéo dài sau vụ đụng độ - ảnh 4

Khu vực Ladakh, nơi xảy ra tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc

BBC

Các chuyên gia quân sự nhận định cuộc đối đầu gia tăng trong những tháng gần đây có thể xuất phát từ việc Ấn Độ đã và đang xây dựng các tuyến đường, sân bay để thu hẹp khoảng cách với cơ sở hạ tầng vượt trội của Trung Quốc ở khu vực dọc theo biên giới. Cụ thể, tại Galwan, Ấn Độ đã hoàn thành một con đường dẫn đến một sân bay hồi tháng 10.2019 và Bắc Kinh đã yêu cầu New Delhi ngừng tất cả các công trình xây dựng.
Giáo sư B.R. Deepak thuộc Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) dự báo căng thẳng trong tranh chấp biên giới sẽ leo thang vì Trung Quốc khó có thể nhượng bộ. “Người Trung Quốc đang nắm giữ ưu thế nên họ khó có thể nhượng bộ nếu như điều kiện Bắc Kinh đưa ra không được Ấn Độ đáp ứng, bao gồm việc yêu cầu Ấn Độ ngừng công trình xây dựng ở biên giới”, theo ông Deepak.
RELATED ARTICLES

Tin mới