Các chiến lược gia của thế giới đã khẳng định, “thế kỷ XXI là thế kỷ của Châu Á – Thái Bình Dương, quốc gia nào muốn đứng chân ở châu Á – Thái Bình Dương thì nhất thiết phải khống chế được Biển Đông, bởi chiếm cứ được Biển Đông có nghĩa là chiếm cứ được Tây Thái Bình Dương nói riêng, toàn bộ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung”. Với vị trí quan trọng như vậy nên nhiều nước lớn trong và ngoài khu vực đã đưa Biển Đông vào trong chiến lược hoặc chính sách của mình. Song, xuất phát từ tham vọng và tính toán lợi ích riêng của từng nước, nên việc bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông đang đứng trước nhiều thách thức không nhỏ, trong khi cơ hội hợp tác bắt đầu có sự suy giảm.
Các chiến lược gia cũng cho rằng, cục diện Biển Đông đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó tập trung vào các yếu tố cơ bản sau: (1) Chiến lược và chính sách của các bên tranh chấp trực tiếp, trong đó tính chất phi lý và tham vọng quá mức của Trung Quốc về chủ quyền của họ ở Biển Đông thông qua yêu sách “đường chín khúc” đã khiến cho các nước nhỏ khác trong khu vực kịch liệt phản đối và vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2013 là một minh chứng cho những phản ứng tích cực đó; (2) Từ những tranh chấp chủ quyền và ranh giới biển ở khu vực, Biển Đông đã và đang trở thành một trong những “tâm điểm” của cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc; (3) Chủ nghĩa dân tộc cực đoan gia tăng trong mỗi quốc gia đã làm giảm đi dư địa chính sách của các chính phủ, đồng thời thúc đẩy tính toán trên cơ sở lợi ích vị kỷ quốc gia; (4) Các quốc gia ven biển phải đối phó với một loạt thách thức an ninh phi truyền thống nghiêm trọng, như sự cạn kiệt nguồn cá, ô nhiễm môi trường và sự suy thoái hệ sinh thái biển, nạn buôn lậu, buôn bán ma túy, cướp biển có vũ trang, các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, buộc các nước này phải tăng cường thực thi pháp luật và trong quá trình đó không loại trừ việc sử dụng các biện pháp mạnh tay và vũ lực quá mức.
Chính sự tương tác của các nhân tố trên khiến cho tình hình Biển Đông đang thay đổi theo hướng căng thẳng, rủi ro tiếp tục tăng lên, từ đó tạo ra các thách thức rất lớn đối với môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông, cụ thể:
Thứ nhất, nguy cơ xung đột trên Biển Đông ngày càng gia tăng. Nhân tố làm nên nguy cơ này không ai khác mà chính là Trung Quốc. Theo đó, Bắc Kinh chủ trương: Sử dụng tổng hợp và linh hoạt các biện pháp chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự, cả “cứng” và “mềm”, từng bước giành quyền kiểm soát Biển Đông, lấy Biển Đông làm “bàn đạp” để mở rộng ảnh hưởng ở khu vực, bảo đảm cho Trung Quốc có vai trò quyết định ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, phục vụ cho việc thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”, đưa Trung Quốc trở thành “cường quốc hải dương”, tiến tới trở thành “cường quốc thế giới” vào giữa thế kỷ XXI. Để thực hiện chủ trương đó, Trung Quốc đã công khai và ráo riết theo đuổi yêu sách “đường chín khúc” phi pháp, khi đuối lý và bị thế giới phản đối thì chuyển qua yêu sách “Tứ Sa”; tìm mọi cách né tránh luật pháp quốc tế để thực hiện các bước đi ngang ngược ở Biển Đông, cự tuyệt sự trao đổi thẳng thắn, thiện chí của một số nước để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, khiến nhiều bên tranh chấp bất mãn. Việc Trung Quốc áp dụng chiến thuật “vùng xám” với sự tham gia của các lực lượng cảnh sát biển, dân quân biển được trang bị tàu cá có vũ trang để hỗ trợ cho các hoạt động xâm lấn trên các vùng biển thuộc chủ quyền các nước như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia, cùng với đó là bồi đắp, xây mới các đảo nhân tạo thành các căn cứ quân sự và đưa các loại vũ khí hiện đại ra bố trí trên đó khiến cho các nước rất lo ngại và buộc phải cân nhắc các biện pháp bổ sung ngoài biện pháp ngoại giao, hòa bình để phòng ngừa các tình huống bất ngờ đến từ Trung Quốc. Chính các biện pháp mang tính chất “răn đe” nói trên của Bắc Kinh đã thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực. Trong hơn 10 năm qua, khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung, Đông Á nói riêng, trở thành khu vực có lượng nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới, chiếm 42% tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí toàn cầu trong năm 2018, vượt xa con số 32% của khu vực Trung Đông, vốn được coi là điểm “nóng” nhất về an ninh của thế giới những năm gần đây.
Thứ hai, lòng tin chiến lược giữa các nước bị suy giảm, gia tăng sự chia rẽ giữa các nước trong khu vực. Có thể thấy, chưa bao giờ từ khóa “lòng tin chiến lược” trong quan hệ quốc tế lại được đề cập nhiều như hiện nay. Mặc dù tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” và rằng, Trung Quốc sẽ duy trì hòa bình, không quân sự hóa Biển Đông, thúc đẩy hợp tác với các nước để “cùng thắng”… Nhưng, trái ngược với tuyên bố đó, Bắc Kinh lại sử dụng mọi biện pháp, thủ đoạn trong hoạt động tuyên truyền về yêu sách “chủ quyền” Biển Đông theo “đường chín khúc”; đẩy mạnh luật hóa, dân sự hóa các hoạt động ở Biển Đông; tăng cường hoạt động tuần tra, chấp pháp nhằm mở rộng quyền kiểm soát thực tế trên Biển Đông; đẩy mạnh thăm dò khai thác dầu khí, trong khi lại cứng rắn phản đối các nước khai thác, thăm dò trong phạm vi thuộc chủ quyền các nước, thậm chí hạ đặt và đưa giàn khoan thăm dò dầu khí vào ngay trong khu vực thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một số nước; tăng cường sức mạnh và mở rộng hoạt động của lực lượng hải quân trên các vùng biển có tranh chấp nhằm “răn đe” đối phương; bồi đắp, mở rộng, xây dựng các công trình quân, dân sự trái phép trên quần đảo Trường Sa với quy mô và tốc độ chưa từng có nhằm hỗ trợ cho các đòi hỏi “chủ quyền” và mở rộng khả năng kiểm soát toàn bộ Biển Đông; bắt giữ, đâm chìm tàu cá các nước; thực hiện chính sách ngoại giao vừa lôi kéo, vừa gây sức ép, chia rẽ các nước ASEAN, ngăn chặn “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông… Chính sự trỗi dậy “không bình thường” trên của Trung Quốc đã khiến cho các nước mất niềm tin với những gì Bắc Kinh tuyên bố. Nhiều cường quốc đã phải điều chỉnh chính sách, chuyển từ can dự sang cạnh tranh quyết liệt hơn với Trung Quốc, điển hình trong đó là Mỹ. Sau khi xác định “Trung Quốc là đối thủ số 1”, Mỹ đã triển khai chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, từng bước hình thành “Tứ giác kim cương” gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc để xây dựng đồng minh, đối tác nhằm bao vây, hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Theo báo cáo “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 01/6/2019, Mỹ đã triển khai hơn 2.000 máy bay, 200 tàu chiến và tàu ngầm cùng 370.000 binh sỹ ở khu vực, lên kế hoạch mua 10 tàu khu trục và triển khai tên lửa đạn đạo trong giai đoạn từ 2020 – 2024 để chuẩn bị cho kịch bản xung đột tại Biển Đông. Có thể thấy, Mỹ và Trung Quốc đang thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, đỗ lỗi cho nhau về nguyên nhân gây ra sự bất an thường trực ở Biển Đông, từ đó liên tục triển khai nhiều biện pháp đáp trả lẫn nhau, khiến cho khu vực này trở thành điểm “nóng” của thế giới.
Cùng với Mỹ, Nhật Bản và các nước như Nga, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU)… cũng tích cực can dự vào Biển Đông nhằm phục vụ cho chiến lược riêng của mỗi nước. Động thái trên cùng với các hoạt động nhằm bảo vệ lợi ích ở Biển Đông của Trung Quốc và các nước trong khu vực, đã và đang làm cho tình hình kinh tế – thương mại, hàng hải tại đây trở nên sôi động hơn, song cũng làm cho vấn đề an ninh ngày càng “nóng” hơn, đẩy khu vực vào vòng xoáy tập hợp lực lượng mới, tạo sức ép rất lớn buộc các nước vừa và nhỏ rơi vào thế phải “chọn bên” nếu không xử lý khéo léo cạnh tranh giữa các nước lớn. Trên thực tế, nội bộ ASEAN đã có sự “rạn nứt” kể từ khi Trung Quốc thực hiện sách lược “bẻ đũa từng chiếc”, tìm cách lôi kéo, gây sức ép với một số nước thành viên để ngăn chặn việc hình thành các lập trường chung gây bất lợi cho nước này.
Ngạn ngữ có câu “có niềm tin là có tất cả, mất niềm tin là mất tất cả”. Sự gia tăng căng thẳng trên Biển Đông có khả năng sẽ tạo ra những phản ứng mang tính dây chuyền, làm chậm hoặc thậm chí chấm dứt các chương trình, hoạt động hợp tác cấp bách. Thực tiễn gần một thập kỷ qua cho thấy, không có nhiều dự án hợp tác biển đáng kể được triển khai giữa Trung Quốc với các bên tranh chấp khác bởi giữa các bên còn tồn tại sự nghi kỵ, lo ngại sâu sắc. Bất chấp việc Trung Quốc và ASEAN ký kết tuyên bố về “Thế kỷ bảo vệ môi trường biển và ven biển ở Biển Đông” ngày 13/11/2017, nhưng đến nay vẫn chưa có chương trình hay sáng kiến cụ thể nào được các bên chấp thuận, chứ chưa nói đến các hoạt động có ý nghĩa thực chất. Tuyên bố vẫn chỉ là tuyên bố mà thôi.
Thứ ba, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang bị xói mòn nghiêm trọng, có nguy cơ tạo ra những bất ổn cục bộ. Như đã biết, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là bản hiến pháp về biển và đại dương, là cơ sở pháp lý cao nhất để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán cũng như các lợi ích khác của các quốc gia; là căn cứ để giải quyết các tranh chấp, bảo đảm hòa bình, ổn định cho các khu vực; các nước tham gia ký kết và phê chuẩn phải có nghĩa vụ tuân thủ đầy đủ Công ước. Nói cách khác, UNCLOS 1982 là nền tảng của trật tự trên biển toàn cầu trong 25 năm qua và đã thiết lập một hệ thống quy tắc, luật lệ trong sử dụng biển và đại dương, hài hòa quyền, lợi ích và trách nhiệm giữa các quốc gia có biển và không có biển, giữa các cường quốc và các nước vừa và nhỏ. Năm 1996, Trung Quốc phê chuẩn Công ước và sử dụng nó để đòi hỏi quyền và bảo vệ các lợi ích của mình. Tuy nhiên, vượt qua thời kỳ “giấu mình chờ thời”, khi mạnh lên, Bắc Kinh đã lộ rõ ý đồ, tìm cách áp đặt một trật tự riêng cho Biển Đông, từ chối quyền và lợi ích hợp pháp của các nước khác. Cách hành xử “bất nhất” và thiên về hành động “cơ bắp”, cường quyền của Bắc Kinh khiến cho các nước vừa và nhỏ trong khu vực cảm thấy lo ngại, không còn tin vào hệ thống luật pháp quốc tế, cũng như cam kết của các cường quốc.
Thực tế cho thấy, Bắc Kinh đã bỏ qua UNCLOS 1982 khi bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hoặc cố tình giải thích sai UNCLOS 1982 để vẽ đường cơ sở thẳng ở Hoàng Sa nhằm tạo ra EEZ cho riêng mình và đang có ý đồ áp dụng đối với Trường Sa. Đây là một thách thức pháp lý trên biển rất nghiêm trọng và nó chưa dừng lại ở đó. Từ đầu năm 2020 đến nay, ngoài việc xâm phạm EEZ của Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam, tổ chức tập trận quân sự để “răn đe” các nước, Trung Quốc còn ngang nhiên công bố thành lập hai “quận” Tây Sa và Nam Sa trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể ở Biển Đông, trong đó có nhiều thực thể nằm dọc theo “đường chín khúc” mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố “chủ quyền” và rất gần đất liền Việt Nam; gửi công hàm cho Liên hợp quốc để trực tiếp hoặc gián tiếp tuyên bố bảo vệ yêu sách “đường chín khúc”. Rõ ràng, tham vọng xâm chiếm phần lớn diện tích Biển Đông của Trung Quốc là mối đe dọa thật sự đối với chủ quyền các nước chứ không phải là một sự “thổi phòng” như Bắc Kinh thường cáo buộc.
Thực tế trên cũng cho thấy, Trung Quốc đang tỏ ra bất chấp các luật lệ và chuẩn mực hành xử của quốc tế hiện nay, chứng tỏ pháp luật quốc tế chưa đủ mạnh để kiềm chế, điều chỉnh hành vi của nước này, thậm chí còn bị “bẻ cong” để phục vụ cho tham vọng “bành trướng” của họ. Tuy nhiên, việc Trung Quốc coi thường hay lạm dụng lỗ hổng của luật pháp quốc tế để phục vụ cho lợi ích riêng sớm muộn cũng sẽ vấp phải hệ lụy bởi đó là điều “lợi bất cập hại”, như cổ nhân đã dạy “gieo nhân nào sẽ gặp quả nấy”. Chính cách hành xử của Trung Quốc đã buộc các nước phải xem xét lại hệ thống pháp lý quốc tế hiện hành, đánh giá lại quan hệ của họ với Bắc Kinh, áp dụng chiến lược cạnh tranh thay vì can dự, hợp tác như trước đây. Các trung tâm quyền lực như Mỹ, Nhật Bản và EU đang điều chỉnh chính sách, nhìn nhận Trung Quốc là “thách thức” hơn là “cơ hội”.
Do Biển Đông có vị trí, vai trò quan trọng, nên ngoài các khó khăn, thách thức như đã nêu, có hai lĩnh vực thuận cho các nước trong khu vực cùng bắt tay hợp tác để giải quyết, đó là nghề cá và bảo vệ môi trường biển vì đây là nguồn lợi, là di sản chung cho tiến trình phát triển của tất cả các nước chứ không riêng của một nước nào, khác với hợp tác khai thác tài nguyên chung vì còn liên quan đến chủ quyền của từng quốc gia, vốn đang xảy ra nhiều tranh chấp.
Nhiều công trình đã đánh giá, Biển Đông là 1 trong 5 khu vực có lượng cá đánh bắt lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 12% sản lượng cá toàn cầu. Tuy nhiên, toàn bộ nghề cá ở Biển Đông, vốn sử dụng hàng triệu lao động (khoảng 3,7 triệu người) và giúp nuôi sống hàng trăm triệu người, đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng trữ lượng cá ở Biển Đông đã cạn kiệt khoảng 70 – 95% kể từ những năm 1950 và tỷ lệ khai thác đã giảm 66 – 75% trong vòng 20 năm qua. Sự suy giảm nguồn cá ở Biển Đông do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Số lượng tàu đánh cá quá lớn (chiếm hơn 50% tổng số lượng tàu cá thế giới); hoạt động đánh bắt được ưu tiên hơn là bảo tồn, phát triển; xuất hiện nhiều hình thức đánh bắt mang tính hủy diệt như thuốc nổ, lưới quét; ô nhiễm môi trường biển… Đặc biệt, việc phá hoại diện tích lớn hệ thống san hô đã đe dọa nơi cư trú, phát triển của các giống loài, làm suy giảm nghiêm trọng đến đa dạng sinh học biển. Trước thực tế đó, các quốc gia ven Biển Đông không có sự lựa chọn nào khác là phải hợp tác với nhau trên cơ sở hệ thống pháp luật hiện có để duy trì và phát triển nguồn lợi thủy sản vì lợi ích của các thế hệ tương lai. Tuy nhiên, hợp tác phải dựa trên cơ sở nghiên cứu kỹ càng, công bằng, phù hợp với thực tiễn quốc tế hiện đại. Các hành vi đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên các vùng biển không phù hợp với luật pháp quốc tế sẽ càng làm phức tạp thêm tình hình.
Về bảo vệ môi trường biển, có thể nói, hiện nay ô nhiễm môi trường biển đang trở thành vấn nạn ở Biển Đông. Đa số các nguồn ô nhiễm, đầu độc biển và đại dương đều xuất phát từ các hoạt động trên bờ. Tốc độ phát triển kinh tế nhanh, cộng với ý thức bảo vệ môi trường biển thấp kém dẫn đến ô nhiễm biển ven bờ nghiêm trọng, rác thải nhựa theo các dòng sông chảy ra biển ngày càng nhiều. Nếu không có sự hợp tác bảo vệ môi trường biển và phát triển nguồn lợi ngư nghiệp thì Biển Đông sẽ có “nhiều nhựa hơn là cá”. Bên cạnh đó, biển ngày càng bị ô nhiễm do lượng chất thải đổ vào nó thông qua nhấn chìm hợp pháp và bất hợp pháp ngày càng nhiều. Rõ ràng, vấn đề môi trường biển ở Biển Đông liên quan chặt chẽ đến hành vi ứng xử khác nhau của con người. Đặc biệt, nhằm thực hiện tham vọng chủ quyền biển, đảo, Trung Quốc đã phá hủy quy mô lớn các thực thể tự nhiên ở các quần đảo ngoài khơi Biển Đông và xây dựng đảo nhân tạo ở đó. Hậu quả vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn nếu các hành vi hủy hoại môi trường và tài nguyên biển như vậy không được ngăn chặn.
Thực tiễn đó cho thấy, các bên cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại những thách thức và rủi ro đối với môi trường biển, từ đó tìm kiếm các giải pháp mang tính chia sẻ và có sự đồng thuận cao giữa các quốc gia hữu quan. Sự hợp tác này cần được xác định và thực thi trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, bình đẳng, hướng tới góp phần giữ gìn di sản chung.
Nhìn chung, Biển Đông sẽ còn có nhiều diễn biến phức tạp, các tranh chấp khó có thể giải quyết trong trung hạn. Trong bối cảnh tham vọng chính trị cường quyền gia tăng, hơn lúc nào hết, các nước trong khu vực cần tận dụng các công cụ pháp luật và chính trị sẵn có để tập hợp lực lượng, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế; kiên quyết, kiên trì dựa vào luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 để đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình ở Biển Đông, đồng thời triệt để tận dụng mọi cơ hội để đối thoại, hợp tác hướng đến bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng.