Sau vụ đụng độ đẫm máu ở biên giới, Trung Quốc và Ấn Độ đã có cuộc điện đàm khẩn cấp ngoại trưởng tối 17-6, thống nhất sẽ giảm căng thẳng. Song giới phân tích lo ngại tình hình khó lắng dịu, thậm chí có khả năng tiếp tục leo thang.
Hãng tin AFP ngày 18-6 dẫn các nguồn tin cho biết Ấn Độ đã triển khai lực lượng bán quân sự đến khu vực ở Himalaya đối diện Tây Tạng, trong khi đang tổ chức tang lễ cho các binh sĩ thiệt mạng. Trong khi đó, Đài CCTV của Trung Quốc phát hình ảnh xe tăng và binh lính Trung Quốc tập trận bắn đạn thật tại Tây Tạng.
Dù vậy Đài NDTV của Ấn Độ cùng ngày cho biết quân đội hai bên đã có cuộc đối thoại tại thung lũng Galwan, vòng đối thoại thứ hai trong tháng này.
“Sự toàn vẹn và chủ quyền của Ấn Độ là điều tối thượng và không ai có thể ngăn chúng ta bảo vệ nó. Ấn Độ muốn hòa bình, nhưng nếu có khiêu khích, chúng tôi sẽ đáp trả tương xứng.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trên truyền hình tối 17-6, nhấn mạnh cái chết của các binh sĩ nước này sẽ “không vô ích”.
Đổ lỗi cho nhau
Trong cuộc điện đàm tối 17-6, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar thống nhất hạ nhiệt căng thẳng “càng sớm càng tốt”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Vương Nghị đã yêu cầu “Ấn Độ thực hiện một cuộc điều tra toàn diện” và trừng phạt những người có trách nhiệm. Bắc Kinh cho rằng New Delhi chịu trách nhiệm hoàn toàn bởi binh lính nước này đã vượt qua Đường kiểm soát thực tế (LAC).
Ông Vương đã gửi phản đối thông qua ông Jaishankar, cảnh báo những vụ việc như trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ song phương và Bắc Kinh sẽ có “các bước đi phù hợp”.
Ngược lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava nói rằng “việc đưa ra các tuyên bố phóng đại và không vững chắc” sẽ không làm hạ nhiệt căng thẳng.
New Delhi đổ lỗi cho Trung Quốc muốn dựng một cấu trúc ở thung lũng Galwan bên đường LAC ở phía Ấn Độ. Khi xảy ra tranh cãi, “phía Trung Quốc có hành động đã được lên kế hoạch và suy tính trước” và điều này trực tiếp dẫn đến bạo lực và thương vong.
Cần giải pháp ngoại giao
Cuộc điện đàm căng thẳng giữa hai ngoại trưởng sau khi thỏa thuận đạt được trong cuộc đối thoại quân sự ngày 6-6 bị phá vỡ gây thêm nhiều lo ngại.
Dù khả năng xảy ra chiến tranh đến nay vẫn rất thấp, căng thẳng giữa hai quốc gia cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân này vẫn có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát.
Đài CNN dẫn nghiên cứu của Trung tâm Belfer, Đại học Harvard (Mỹ) đánh giá năng lực quân sự của Ấn Độ tại các môi trường núi cao không thua kém Trung Quốc, với khoảng 270 chiến đấu cơ và các lực lượng mặt đất cũng được củng cố.
“Những ngày tới sẽ rất dông bão” – tờ Business Insider India dẫn lời nhà cựu ngoại giao Ấn Độ Rajiv Bhatia đánh giá. Theo giới phân tích, hai bên cần dùng đến ngoại giao với các đặc sứ để giải quyết vấn đề biên giới.
“Tôi không nghĩ đối thoại quân sự sẽ đem lại giải pháp. Phải tìm giải pháp trong lĩnh vực chính trị và ngoại giao” – trung tướng về hưu của Ấn Độ DS Hooda nói, giải thích rằng quân đội hai bên sẽ không dễ dàng nhượng bộ khi đụng đến vấn đề lãnh thổ.
Trong khi đó, Đài CNN bình luận vấn đề biên giới sẽ đẩy Ấn Độ về phía các đối thủ của Trung Quốc như Mỹ, Nhật Bản và Úc trong khi tờ Times of India ngày 18-6 đăng bài viết “Mục đích của Trung Quốc ở Nam Á là hạn chế thách thức từ Ấn Độ và cản trở quan hệ Mỹ – Ấn”.
Vụ việc diễn ra trong bối cảnh cân bằng sức mạnh tại khu vực đang xoay chuyển, trong đó Mỹ tìm cách tăng cường quan hệ với Ấn Độ để đối phó với Trung Quốc.
Các quan chức của Washington liên tục cảnh báo New Delhi về Trung Quốc và tuyên bố sẽ ủng hộ Ấn Độ về quân sự.
Dù vậy theo các nhà quan sát sẽ khó có sự thay đổi lớn nào từ phía Ấn Độ trừ phi quan hệ Ấn – Trung xuống cấp đến mức không thể cứu vãn, bởi việc New Delhi ngả vào vòng tay Washington sẽ gây thiệt hại lớn cho cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc, đặc biệt là về kinh tế.