Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngSử dụng vũ trang để bảo vệ chủ quyền biển đảo: Những...

Sử dụng vũ trang để bảo vệ chủ quyền biển đảo: Những kinh nghiệm từ Mỹ và Indonesia

Bên cạnh các tranh chấp về chủ quyền và quyền chủ quyền trên Biển Đông, tình hình cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Trước thực tiễn đó, việc nghiên cứu nâng cao biện pháp vũ trang trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển trở nên hết sức cấp bách. Bài tham luận này nghiên cứu biện pháp vũ trang từ các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế liên quan đến thực thi pháp luật trên biển; đồng thời điểm qua những thực tiễn của lực lượng chấp pháp trên biển của Mỹ và Indonesia. Từ đó, bài viết đúc kết kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp vũ trang trong thực thi pháp luật trên các vùng biển của Việt Nam.

 

1. Biện pháp vũ trang trong thực thi pháp luật trên biển trong pháp luật Việt Nam

1.1. Các quy định của pháp luật Việt Nam về sử dụng biện pháp vũ trang trong thực thi pháp luật trên biển

Nhìn chung, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có tương đối đầy đủ quy định về việc sử dụng biện pháp vũ trang khi thực thi công vụ trên biển bao gồm: ghi nhận vũ trang với tư cách một trong bảy biện pháp chính thức, các loại vũ khí được trang bị và các trường hợp được nổ súng trên biển, …

Biện pháp vũ trang là một trong bảy biện pháp được các lực lượng vũ trang sử dụng để thực thi công vụ, căn cứ vào khoản 1 Điều 12 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018. Theo đó, đặc trưng cơ bản của biện pháp vũ trang là việc sử dụng sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, vũ khí, công cụ, phương tiện… Sức mạnh tổng hợp này được xác định bằng những yếu tố cơ bản như: số lượng, trạng thái tinh thần và trình độ huấn luyện của cán bộ, chiến sỹ; số lượng, chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật và các phương tiện vật chất khác; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ chỉ huy trong chỉ đạo, điều phối các lực lượng, phương tiện…

Khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợnăm 2017 quy định,vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang để thi hành công vụ, bao gồm:

a) Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;

b) Vũ khí hạng nhẹ bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;

c) Vũ khí hạng nặng bao gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;

d) Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí nói trên.

Các trường hợp nổ súng khi thực thi pháp luật trên biển đã được quy định rõ ở Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợnăm 2017 và khoản 2 Điều 14 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018. Thêm vào đó, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào tàu thuyền; phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.

1.2. Những trở ngại khi áp dụng biện pháp vũ trang trong thực thi pháp luật trên biển

Mặc dù về cơ bản đã có hành lang pháp lý, nhưng việc áp dụng biện pháp vũ trang trong thực thi pháp luật trên biển vấp phải không ít trở ngại, điển hình như: phạm vi hoạt động và sự khó khăn đặc thù của không gian biển…

Pháp luật hiện hành chưa quy định phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam trên vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, cụ thể là hoạt động trên vùng biển quốc tế là vùng biển của quốc gia khác, được xác định phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo đó, thực tiễn việc áp dụng quyền truy đuổi tội phạm của lực lượng này ở các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán của Việt Nam vẫn còn bị vướn mắc.

Bên cạnh đó, môi trường đặc thù của không gian biển cũng tạo ra những trở ngại khi áp dụng biện pháp vũ trang. Nếu như trên đất liền, các chiến sĩ công an còn có tâm lý e dè trước việc cưỡng chế tội phạm vì những rủi ro gây thương tích và thiệt hại cho người phạm tội, thì ở không gian biển, nguy cơ sát thương của các biện pháp vũ trang cao hơn rất nhiều nếu đối tượng kiên quyết chống trả. Do đó, thiết nghĩ pháp luật cần bổ sung thêm quy trình sử dụng biện pháp vũ trang trên biển, theo đó vừa đảm bảo không bỏ lọt tội phạm vừa bảo vệ chiến sĩ cảnh sát biển trước những rủi ro khi áp dụng biện pháp vũ trang.

Ngoài ra, Biển Đông có rất nhiều vùng biển có tranh chấp, việc sử dụng biện pháp vũ trang đối với tàu nước ngoài vi phạm cũng là một vấn đề dễ dẫn đến leo thang căng thẳng ở Biển Đông, như cách mà tàu chấp pháp Trung Quốc hiện đang làm ở Biển Đông. Hành động của tàu chấp pháp Trung Quốc còn nhằm để khẳng định yêu sách biển phi lý, tuy nhiên vấn đề này nằm ngoài phạm vi của bài tham luận.

2. Pháp luật quốc tế liên quan đến việc sử dụng vũ lực trong thực thi pháp luật trên biển

2.1. Khái niệm thực thi pháp luật trên biển và biện pháp vũ trang

* Khái niệm thực thi pháp luật

Theo Tài liệu Hướng dẫn về thực thi pháp luật trên biển của Văn phòng Chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc, việc thực thi pháp luật trên biển có nghĩa là các hành động thực thi tất cả các luật hiện hành trên, dưới và trên vùng biển quốc tế và trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Nhà nước thực hiện các hoạt động thực thi đó. Do đó, thực thi pháp luật trên biển bao gồm ủy quyền cho các cơ quan thực thi pháp luật và tàu được ủy quyền để đối phó với các tàu khác, bao gồm cả tàu nước ngoài trong một số tình huống, bằng cách hành động trên biển để thực thi luật pháp có liên quan. Điều này bao gồm các hành động như:

(a) Báo hiệu và dừng tàu nghi ngờ;

(b) Lên tàu nghi ngờ;

(c) Tìm kiếm tàu ​​nghi ngờ và người và hàng hóa trong các tàu đó;

(d) Bắt giữ hoặc bắt giữ người trong các tàu nghi ngờ và/ hoặc chính các tàu nghi ngờ;

(e) Thu giữ vật phẩm trên tàu nghi ngờ;

(f) Chỉ đạo hoặc lai dắt tàu nghi ngờ và người và hàng hóa trong các tàu đó đến cảng quốc gia ven biển hoặc nơi tương tự để điều tra;

(g) Tiến hành các cuộc điều tra đó; và

(h) Sau đó truy tố hoặc các hình thức xử phạt hành chính khác.

Thực thi pháp luật trên biển yêu cầu một số điều kiện tiên quyết phải được tiến hành trước khi thực hiện các hoạt động công vụ. Đặc biệt, khi can thiệp vào các tàu nước ngoài cho các mục đích thực thi pháp luật trên biển, các điều kiện tiên quyết này bao gồm:

(a) Quốc gia ven biển phải ban hành luật áp dụng cho hành vi mà các cơ quan thực thi pháp luật trên biển đang sử dụng làm cơ sở cho các hành động của họ liên quan đến một tàu tình nghi cụ thể;

(b) Quốc gia ven biển phải có thẩm quyền điều chỉnh hành vi trong vùng biển hoạt động tàu tình nghi;

(c) Các cơ quan thực thi pháp luật trên biển phải được ủy quyền theo luật của quốc gia ven biển của họ để thực hiện hành động thực thi pháp luật trên biển đối với tàu nghi ngờ, liên quan đến tội phạm bị nghi ngờ và trong vùng biển xác định; và

(d) Không thể có giới hạn pháp lý nào trong việc áp dụng luật của quốc gia ven biển đối với tàu và người dân là đối tượng của các hành động thực thi pháp luật trên biển của quốc gia ven biển.

* Khái niệm sử dụng vũ lực

Khi thực hiện các hoạt động thực thi pháp luật trên biển, vũ lực có thể cần phải được sử dụng để ngăn chặn và lên tàu nghi phạm, tìm kiếm và giam giữ tàu và người trên tàu, và thu giữ các vật phẩm từ tàu. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật trên biển là một hoạt động kiểm soát thời bình, chứ không phải là một hoạt động của thời chiến. Điều này có nghĩa là các quy tắc áp dụng cho việc sử dụng vũ lực trong xung đột vũ trang không liên quan. Thay vào đó, các quy tắc áp dụng về sử dụng vũ lực áp dụng chung nhất, điều đó có nghĩa là mức độ sử dụng vũ lực không được vượt quá mức tối thiểu cần thiết một cách hợp lý trong các trường hợp, điển hình nhất là tự vệ. Cần lưu ý là hình thức tự vệ này hoàn toàn tách biệt với khái niệm tự vệ của quốc gia theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Nhìn chung, có hai vấn đề then chốt cần xem xét khi sử dụng vũ lực trong thực thi pháp luật trên biển: (1) lý do dẫn đến sử dụng vũ lực và (2) mức độ cho phép của vũ lực.

(1) Về lý do dẫn đến sử dụng vũ lực. Có hai lý do chính có thể dẫn đến việc sử dụng vũ lực của các cơ quan thực thi pháp luật trên biển:

(a) Tự vệ: Việc sử dụng vũ lực hợp lý và cần thiết trong trường hợp bị tấn công hoặc tấn công sắp xảy ra đối với các quan chức thực thi pháp luật hoặc những người khác mà họ có quyền hoặc nghĩa vụ bảo vệ khỏi tác hại đó, để ngăn chặn cuộc tấn công đó hoặc cuộc tấn công sắp xảy ra.

(b) Mục đích thực thi pháp luật: Những mục đích được ủy quyền bởi luật pháp hoặc quy định có liên quan của Nhà nước ủy quyền của cơ quan thực thi pháp luật trên biển và cho phép sử dụng vũ lực để thực hiện nhiệm vụ hoặc mục đích thực thi pháp luật được chỉ định như đã đề cập ở mục trên.

(2) Về mức độ cho phép của vũ lực. Các khái niệm trung tâm để đánh giá mức độ cho phép của vũ lực gồm:

(a) Tấn công: Hành vi bạo lực trong đó có một kỳ vọng hợp lý rằng cái chết hoặc tổn hại cơ thể có thể xảy ra;

(b) Vũ lực không gây chết người: Vũ lực không có ý định hoặc có khả năng gây tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng. Trong tình huống người thực hiện công vụ thiếu niềm tin khách quan hợp lý rằng mối đe dọa gây ra nguy cơ tử vong sắp xảy ra hoặc gây tổn hại cơ thể nghiêm trọng cho người đó hoặc người khác, thì việc sử dụng vũ lực để tự vệ thường bị giới hạn trong lực lượng không chết người;

(c) Vũ lực gây chết người. Vũ lực dự định hoặc có khả năng gây ra cái chết hoặc thương tích nghiêm trọng, bất kể tử vong hoặc kết quả thương tích nghiêm trọng. Việc sử dụng vũ lực gây chết người để tự vệ chỉ có sẵn trong những tình huống mà người thực thi công vụ có niềm tin khách quan hợp lý rằng một mối đe dọa gây ra nguy cơ chết người hoặc gây tổn hại cơ thể nghiêm trọng cho người đó hoặc người khác.

2.2. Giới hạn của việc sử dụng vũ lực trên biển trong quá trình thực thi pháp luật trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và một số án lệ

* Giới hạn của việc sử dụng vũ lực trên biển trong quá trình thực thi pháp luật trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982

Mặc dù giới hạn của việc sử dụng vũ lực trên biển trong quá trình thực thi pháp luật của quốc gia ven biển đối với vùng biển thuộc quyền tài phán của mình là một vấn đề hết sức hệ trọng; tuy nhiên khuôn khổ pháp lý hiện tại của UNCLOS 1982 thì lại đề cập rất mờ nhạt. Và có thể vì nguyên nhân hạn chế bớt bất đồng để đi đến sự nhất trí thông qua UNCLOS 1982 mà các cuộc thảo luận trong Hội nghị Liên hợp quốc về Luật biển lần III (1973-1982) hầu như ít được nhắc đến. Việc để lại những khoảng trống pháp lý đó đã tạo điều kiện cho các quốc gia ven biển và quốc gia khác sử dụng vùng biển có những giải thích trái ngược nhau phục vụ lợi ích quốc gia mình.

Trong hoạt động bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, quốc gia ven biển cũng phải tính đến nghĩa vụ tránh các hậu quả tại hại có thể xảy ra trong khi thi hành các quyền cảnh sát theo quy định tại Điều 225, cụ thể là: (1) không được gây ra nguy hiểm cho an toàn hàng hải; (2) không được gây ra một rủi ro nào cho một con tàu hay dẫn con tàu đó về một cảng hoặc khu neo nguy hiểm và (3) cũng không gây ra rủi ro quá đáng cho môi trường biển. Bên cạnh đó, UNCLOS 1982 cũng quy định chỉ có những nhân viên chính thức có đủ tư cách, cũng như các tàu chiến hay phương tiện bay quân sự hay các tàu thuyền hoặc các phương tiện bay khác có mang những dấu hiệu bên ngoài chứng tỏ rõ ràng rằng chúng thuộc một cơ quan nhà nước và được phép tiến hành công việc đó, thì mới có thể thi hành các việc cảnh sát đối với các tàu thuyền nước ngoài.

Điều 25 (1) UNCLOS 1982 thừa nhận quyền thi hành các biện pháp cần thiết trong lãnh hải của quốc gia ven biển để ngăn cản mọi việc đi qua có gây hại. Tuy nhiên, UNCLOS 1982 lại để ngỏ nội hàm của cụm từ “các biện pháp cần thiết” này. Theo đó, mức độ sử dụng vũ lực trong khuôn khổ của các biện pháp cần thiết phải được xem xét trong từng trường hợp cụ thể.

UNCLOS 1982 không quy định về giới hạn sử dụng vũ lực trong vùng biển đặc biệt này khi mà quốc gia khác được trao nhiều quyền hoạt động hơn trong vùng biển thuộc quyền tài phán của quốc gia ven biển. Ngược lại, Điều 58 (2) UNCLOS 1982 viện dẫn lại Điều 88 như là một nghĩa vụ của các quốc gia khác phải sử dụng biển vào mục đích hòa bình khi hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển.

Đối với các vùng biển tranh chấp, UNCLOS 1982 đưa ra một điều luật đóng vai trò là chìa khóa, Điều 59 quy định về cơ sở giải quyết tranh chấp trong trường hợp UNCLOS 1982 không quy định rõ các quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế, trong đó gồm 03 yếu tố: (1) phải được giải quyết trên cơ sở công bằng; (2) chú ý đến tất cả mọi hoàn cảnh thích đáng; (3) có tính đến thầm quan trọng của các lợi ích có liên quan đối đối với các bên tranh chấp và đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế. Vì vậy việc các lực lượng vũ trang trên biển sử dụng sức mạnh của mình khó có thể được biện minh như đó là hành động thực thi pháp luật.

Trong khi thi hành các luật và quy định của mình, quốc gia ven biển có thể thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp; tuy nhiên, không được bao gồm hình phạt tống giam, trừ khi các quốc gia hữu quan có thỏa thuận khác, và không bao gồm một hình phạt thân thể nào khác.

* Giới hạn của việc sử dụng vũ lực trên biển trong quá trình thực thi pháp luật trong một số án lệ

Có thể thấy rằng, mấu chốt của vấn đề sử dụng vũ lực của các lực lượng vũ trang trên biển trong quá trình thực thi pháp luật là nguy cơ đối với tính mạng và tài sản. Vì vậy, bổ khuyết cho UNCLOS 1982 là các nguyên tắc và quy phạm trong lĩnh vực luật hàng hải, luật hải chiến, luật nhân quyền, luật nhân đạo,… Bên cạnh đó, một số án lệ và tiền lệ cũng làm sáng rõ một số khía cạnh mang tính kỹ thuật hàng hải của vấn đề sử dụng vũ lực trên biển.

Trong vụ I’m Alone, một quan điểm được ghi nhận là việc bắn vào tàu chỉ được chấp nhận khi nhằm mục đích tạm dừng hải trình của nó và sẽ không được chấp nhận nếu nhằm vào mục đích làm chìm nó

Trong vụ Red Crusader, Ủy ban về điều tra vụ việc này ghi nhận việc vượt quá việc sử dụng vũ lực khi chấp pháp dựa trên hai yếu tố: (1) bắn mà không cảnh báo trước; (2) gây nguy hiểm đến nhân mạng trên tàu mà không chứng minh được sự cần thiết và hiệu quả

Trong vụ MV Saiga, ITLOS đã kết luận rằng: chỉ sau khi các hoạt động thích hợp không mang lại hiệu quả thì con tàu truy đuổi có quyền, như là sự chọn lựa cuối cùng, sử dụng vũ lực. Nhưng trong đó, tàu truy đuổi cần cảnh báo trước về vấn đề sử dụng vũ lực và cần nỗ lực không sát hại nhân mạng

Trọng tài adhoc trong vụ tranh chấp giữa Guyana/ Suriname năm 2007 khẳng định rằng việc sử dụng vũ lực trong luật quốc tế có thể được sử dụng trong hoạt động thực thi pháp luật miễn là việc sử dụng vũ lực này là không thể tranh khỏi, hợp lý và cần thiết. Đáng lưu ý là trong vụ việc này hoạt động của các tàu quân sự của Suriname trong vùng biển tranh chấp không được xem là hoạt động thực thi pháp luật mà là hành vi đe dọa sử dụng vũ lực

Trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS đã chỉ định Thuyền trưởng Gurpreet S. Singhota cung cấp những nhận định chuyên gia khách quan về hai sự việc. Thuyền trưởng Singhota đánh giá các tàu Trung Quốc đã hành xử “hoàn toàn coi thường việc tuân thủ và thực thi tinh thần của người đi biển bao gồm thực tiễn của các thủy thủ, nhưng quan trọng nhất là việc đã hoàn toàn coi thường sự cần thiết tuân theo các quy định về chống đâm va”. Thuyền trưởng Singhota đã kết luận rằng các tàu Trung Quốc đã vi phạm Điều 2, 6, 8, 15, 16 của COLREGS. Khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết cuối cùng vào tháng 7/2016, các thành viên đã nhất trí với nhận xét của chuyên gia trên. Trung Quốc đã không tuân thủ các quy định, Trung Quốc vi phạm các quy định về khoảng cách an toàn. Các động thái của Trung Quốc không phải là kết quả của sự vô tình, sự thiếu chú ý mà là của sự coi thường các quy định một cách có chủ ý. Bên cạnh đó, Tòa trọng tài còn khẳng định: khi hoạt động chấp pháp của các tàu xung đột với COLREGS thì các quy định của COLREGS phải được ưu tiên.

3. Bài học kinh nghiệm từ việc sử dụng biện pháp vũ trang trong thực thi pháp luật trên biển của Mỹ và Indonesia

3.1. Việc sử dụng biện pháp vũ trang trong thực thi pháp luật trên biển của Mỹ

Cảnh sát biển Mỹ được quy định là một trong sáu lực lượng vũ trang và trực thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ, căn cứ theo Phần 10, 14 của Bộ luật Mỹ (the United States Code) và Phần 33 của Bộ Luật Liên bang Mỹ (the Code of Federal Regulations)

Ngày 25 tháng 11 năm 2002, Đạo luật An ninh Nội địa Mỹ (Homeland Security Act) đã được Tổng thống George W. Bush ký thành luật, chỉ định Lực lượng Cảnh sát biển được đặt dưới Bộ An ninh Nội địa. Việc chuyển giao quyền kiểm soát hành chính từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ An ninh Nội địa đã được hoàn thành vào năm sau, vào ngày 1 tháng 3 năm 2003. Đây là một bước tiến quan trọng tạo hành lang pháp lý cho Cảnh sát biển Mỹ sử dụng biện pháp vũ trang nhằm trấn áp tội phạm.

Cảnh sát biển Mỹ báo cáo hoạt động trực tiếp với Bộ trưởng An ninh Nội địa. Tuy nhiên, theo mục 3 Phần 14 Bộ luật Mỹ được sửa đổi theo mục 211 của Đạo luật Cảnh sát biển và Giao thông vận tải biển năm 2006, trong tình huống chiến tranh hoặc khi Quốc hội chỉ đạo, hoặc khi Tổng thống chỉ đạo, Cảnh sát biển hoạt động theo Bộ Quốc phòng như là một thành phần trong Bộ Hải quân.

Mục 2 Phần 14 Bộ luật Mỹ cũng ủy quyền cho Cảnh sát biển thực thi luật liên bang. Nhiệm vụ này được xác định rõ hơn trong Mục 89 Phần 14 Bộ luật Mỹ 14, nơi trao quyền thực thi pháp luật cho tất cả các sĩ quan ủy nhiệm của Cảnh sát biển, sĩ quan bảo đảm và sĩ quan cấp thấp. Không giống như các lực lượng khác vốn bị ngăn chặn hoạt động trong thẩm quyền thực thi pháp luật của Mục 1385 Phần 14 Bộ luật Mỹ, Đạo luật Posse Comitatus và chính sách của Bộ Quốc phòng, Cảnh sát biển được miễn và không phải chịu theo những hạn chế trên.

Cảnh sát biển có thẩm quyền pháp lý để mang theo vũ khí trong và ngoài căn cứ. Điều này hiếm khi được thực hiện trong thực tế, tuy nhiên; tại nhiều trạm cảnh sát biển, các chỉ huy có thể có tất cả vũ khí trong kho vũ khí khi không sử dụng. Vụ People v. booth năm 1988 đã cho rằng các sĩ quan chính quy của Cảnh sát biển là những sĩ quan thực thi pháp luật đủ điều kiện được phép mang theo súng cầm tay cá nhân ngoài nhiệm vụ để tự vệ. 

Theo một thống kê năm 2010, Lực lượng Cảnh sát biển Mỹ sử dụng hơn 8.577 nhân viên dân sự trong hơn hai trăm loại công việc khác nhau bao gồm các đặc vụ điều tra, luật sư, kỹ sư, kỹ thuật viên, nhân viên hành chính, thương nhân và lính cứu hỏa liên bang. Việc tuyển dụng nhân viên dân sự làm việc ở nhiều công việc khác nhau trong lực lượng Cảnh sát biển Mỹ cũng là một điểm sáng, qua đó, không có kẽ hở cho sử dụng vũ lực một cách tùy tiện, người có thẩm quyền thực hiện biện pháp vũ trang chỉ có thể những cá nhân chính quy và nắm vững nghiệp vụ.

3.2. Việc sử dụng biện pháp vũ trang trong thực thi pháp luật trên biển của Indonesia

Indonesia có đến 12 cơ quan thực thi pháp luật trên biển và có xu hướng chồng chéo thẩm quyền. Đó là các cơ quan từ các bộ khác nhau của chính phủ, bao gồm cả Hải quân Indonesia. Đã có kế hoạch hợp nhất các cơ quan thực thi pháp luật trên biển khác nhau này để trở thành một “Cơ quan bảo vệ bờ biển Indonesia” duy nhất như Cảnh sát biển Mỹ. Chính phủ Indonesia đang tìm một tình huống cho vấn đề này.

Hiện nay các cơ quan chính thực thi pháp luật trên biển và có thẩm quyền sử dụng biện pháp vũ trang ở Indonesia bao gồm:

(1) Cơ quan an ninh hàng hải

Cơ quan an ninh hàng hải (tiếng Indonesia: Badan Keamanan Laut – BAKAMLA) là một đội tuần tra hàng hải của Indonesia. BAKAMLA là một tổ chức chính phủ, báo cáo trực tiếp với Tổng thống thông qua Bộ điều phối về các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh. Nhiệm vụ của BAKAMLA là tiến hành tuần tra an ninh và an toàn trong vùng lãnh hải của Indonesia và quyền tài phán của Indonesia.

(2) Lực lượng bảo vệ biển và bờ biển

Lực lượng bảo vệ biển và bờ biển (tiếng Indonesia: Kesatuan Penjagaan Laut dan Pantai – KPLP) là một cơ quan của Chính phủ Indonesia có chức năng chính là đảm bảo an toàn cho hoạt động vận chuyển trong Vùng biển Indonesia. “KPLP” có nhiệm vụ xây dựng và thực thi các chính sách, tiêu chuẩn, định mức, hướng dẫn, tiêu chí và thủ tục, cũng như hướng dẫn kỹ thuật, đánh giá và báo cáo về tuần tra và an ninh hàng hải, được thực hiện phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải khác của đất nước. KPLP nằm dưới sự bảo trợ của Tổng cục Vận tải Biển của Bộ Giao thông Vận tải Indonesia (Kementerian Perhubungan).

(3) Đơn vị cảnh sát quốc gia

Cảnh sát quốc gia Indonesia có một đơn vị hoạt động ở vùng nước (tiếng Indonesia: Polisi Perairan viết tắt là “Polair”) chịu trách nhiệm thực thi pháp luật và thực thi an ninh và trật tự của bờ biển và vùng biển nhà nước.

(4) Giám sát tài nguyên biển và thủy sản

Cơ quan giám sát tài nguyên biển và thủy sản (tiếng Indonesia: Pengawasan Sumber Daya Kelautan dan Perikanan – PSDKP) là một cơ quan chính phủ thuộc sự quản lý của Bộ Thủy sản và Thủy sản Indonesia. Chính thức được thành lập vào ngày 23 tháng 11 năm 2000 theo Sắc lệnh của Tổng thống số 165/2000, PSDKP là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các nguồn tài nguyên biển và thủy sản của Indonesia.

Indonesia được cộng đồng quốc tế nhìn nhận như là một trong những quốc gia rất mạnh tay với hiện tượng đánh bắt cá trái phép. Nước này đã phá hủy hàng chục tàu để đánh cá bất hợp pháp trên lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia hàng năm. Điều 69 của Luật số 45/2009 của Indonesia quy định rằng, trong việc thực hiện các chức năng, điều tra viên và/ hoặc Kiểm soát viên thủy sản được quyền thực hiện các hành động đặc biệt dưới hình thức đốt và/ hoặc đánh chìm một tàu cá treo cờ nước ngoài dựa trên bằng chứng ban đầu đầy đủ. Việc này đã hình hành một quy trình pháp lý toàn diện, và đã được sự chấp thuận trước của tòa án.

Từ đó, liên hệ với Việt Nam, một số quy định về trấn áp tội phạm trên biển giữa lực lượng Cảnh sát biển và Bộ đội biên phòng vẫn còn chồng chéo. Do đó, pháp luật cần bổ sung thêm các quy định cụ thể chi tiết về phạm vi hoạt động của hai lực lượng theo hướng trao thẩm quyền nhiều hơn cho lực lượng cảnh sát biển.

Ngoài ra, quy trình sử dụng biện pháp vũ trang một cách toàn diện cần được hình thành để người thực thi công vụ lấy làm cơ sở cho quyết định và cách thức sử dụng vũ lực trên biển sao cho phù hợp với thực tiễn và đảm bảo yêu cầu công tác.

4. Đề xuất kiến nghị

Qua nghiên cứu pháp luật quốc tế cũng như kinh nghiệm của Mỹ và Indonesia, bài tham luận đề xuất một số giải pháp sau nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng biện pháp vũ trang trong công tác đấu tranh với tội phạm trên biển:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về sử dụng vũ lực khi thực thi công vụ trên biển.

Như đã phân tích trên, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện tại còn một số thiếu sót trong các vấn đề như: phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam trên vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia; quy trình sử dụng biện pháp vũ trang trên biển một cách toàn diện; phân tách phạm vi hoạt động của hai lực lượng Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển theo hướng trao thẩm quyền nhiều hơn cho lực lượng cảnh sát biển. Theo đó, cần bổ sung một cách chính xác và kịp thời các quy định pháp luật để tạo cơ sở vững chắc cho người thực thi công vụ.

Thứ hai, chú trọng việc tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện và giáo dục chính trị, tư tưởng và nâng cao nghiệp vụ sử dụng biện pháp vũ trang cho người thực thi công vụ.

Để có thể nâng cao hiệu quả sử dụng biện pháp vũ trang, người thực thi công vụ phải có một thể lực tốt; năng lực, trình độ tác chiến cao; có thể sử dụng thuần thục các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được trang bị; hợp đồng phối hợp giữa các lực lượng phải đồng bộ, nhịp nhàng. Từ yêu cầu này, đòi hỏi cần phải thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện nhằm nâng cao bản lĩnh chiến đấu, năng lực nghiệp vụ, pháp luật, kỹ năng tác chiến phù hợp, thể lực và vũ thuật cho các lực lượng tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Bên cạnh đó, thông qua các công tác huấn luyện, bồi dưỡng, kịp thời phổ biến, quán triệt các lực lượng thực hiện nghiêm yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ khi thực hiện biện pháp vũ trang, tuyệt đối tránh gây mâu thuẫn, xung đột với đối tượng nghi phạm hoặc để xảy ra các tình huống đáng tiếc.

Thứ ba, kết hợp giữa biện pháp vũ trang với các biện pháp công tác khác để nâng cao hiệu quả công tác.

Biện pháp vũ trang chỉ là một biện pháp cụ thể trong bảy biện pháp công tác của lực lượng Cảnh sát biển, chính vì vậy, biện pháp vũ trang có mối quan hệ chặt chẽ với các biện pháp khác. Bên cạnh đó, để có đủ thông tin, tài liệu cần thiết để xây dựng được kế hoạch, phương án tác chiến phù hợp, lực lượng cảnh sát biển cần phải kết hợp sử dụng các biện pháp điều tra, tố tụng, các biện pháp điều tra trinh sát và một số biện pháp mang tính đặc thù khác.

Ngoài ra, có thể đánh giá thêm phương pháp tuyển dụng nhân viên dân sự như Cảnh sát biển Mỹ cho các công tác không trực tiếp đối phó với tội phạm như điều tra, chuyên viên pháp lý, …

Thứ tư, ưu tiên đầu tư trang bị phương tiện, công cụ hiện đại cho lực lượng cảnh sát biển.

Yêu cầu quan trọng nhất khi tổ chức bắt giữ đối tượng phạm tội là đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia bắt giữ và người khác, chính vì vậy, khi đối tượng phạm tội có hành vi hoặc chuẩn bị có hành vi chống lại các lực lượng chuyên trách, thì lực lượng này phải kịp thời có hành động tương xứng để vô hiệu hóa hoặc ngăn chặn sự chống đối của đối tượng trong môi trường đặc thù là không gian biển.

Vì vậy, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cần trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại trước tình hình tội phạm từ phía biển ngày càng tinh vi và phức tạp.

Thứ năm, tăng cường hợp tác chia sẻ kinh nghiệm giữa các lực lượng vũ trang khác trong công tác phòng chống tội phạm; thúc đẩy hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm với các lực lượng cảnh sát biển trong khu vực và thế giới; tích cực chủ động xây dựng cơ chế an ninh biển chung ở Biển Đông trong tình trạng tranh chấp biển chưa giải quyết.

Trong tình trạng tranh chấp phức tạp và có nhiều nguy cơ xảy ra các điểm nóng về tội phạm, các quốc gia ven biển ở Biển Đông cần hợp tác để hình thành một cơ chế bảo vệ an ninh chung, chống lại các tội phạm trên biển, giữ gìn an ninh cho khu vực và cho chính quốc gia mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới