Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo sẽ có thêm các động thái đáp trả sau khi phản đối Nhật Bản đổi tên đơn vị hành chính quản lý quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Bắc Kinh gọi quần đảo Senkaku là Điếu Ngư, nhưng Tokyo hiện là bên quản lý trực tiếp kể từ năm 1972. Cả Nhật và Trung Quốc đều khẳng định có bằng chứng cho thấy họ đã xác lập chủ quyền với quần đảo này từ hàng trăm năm trước.
Theo Đài NHK, chính quyền thành phố Ishigaki thuộc tỉnh Okinawa của Nhật Bản đã thông qua một nghị quyết đổi tên đơn vị hành chính quản lý Senkaku ngày 22-6. Theo đó, kể từ ngày 1-10 tới, quận đảo Tonoshiro sẽ được đổi sang tên mới là Tonoshiro Senkaku.
Việc đổi tên để tránh nhầm lẫn vì có một địa điểm khác ở thành phố Ishigaki cũng được gọi là Tonoshiro. “Việc đổi tên này chỉ nhằm cải thiện hiệu quả các thủ tục hành chính, không tính đến chuyện giữa nước này với nước kia”, hội đồng thành phố lập luận.
Động thái diễn ra trong bối cảnh các tàu hải cảnh Trung Quốc hiện diện ngày càng nhiều ở vùng biển quanh Senkaku. Cá biệt, có tàu đã lảng vảng tại khu vực trong 70 ngày liên tục. Một số tàu còn tiến vào vùng biển Senkaku để xua đuổi tàu cá Nhật với lý do “thực thi lệnh cấm đánh bắt cá”.
Trung Quốc đã phản ứng giận dữ sau động thái của Nhật Bản. Đài Loan, vùng lãnh thổ có tuyên bố chủ quyền với Senkaku, cũng phản đối Tokyo, theo Hãng tin Reuters.
Trong cuộc họp báo chiều 22-6, người phát ngôn Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi hành động của phía Nhật là “một sự khiêu khích nghiêm trọng đối với chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, một hành động bất hợp pháp, vô lý và không thể thay đổi thực tế rằng quần đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc”.
Hồi cuối tuần trước, Trung Quốc cũng phát đi một tuyên bố cảnh báo Nhật khi biết ý định đổi tên quận đảo quản lý Senkaku. Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cho rằng việc đổi tên hành chính của Tokyo tạo ra nhiều nguy cơ bất ổn và dễ dẫn tới khủng hoảng.
Tuy nhiên, tờ báo trên lại quên rằng cách đây không lâu, chính Bắc Kinh đã ngang ngược đặt tên cho hàng chục thực thể trên Biển Đông và thiết lập trái phép “quận đảo Nam Sa, Tây Sa” để quản lý Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.