Ấn Ðộ và Trung Quốc đã đồng ý rút quân khỏi khu vực vừa xảy ra đụng độ chết người trên biên giới ở vùng núi cao Himalaya, trong khi New Delhi gấp rút mua thêm hệ thống phòng không và chiến đấu cơ từ Nga.
Các chỉ huy quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã đồng ý rút lực lượng khỏi khu vực tranh chấp trên dãy núi Himalaya sau một cuộc đụng độ dữ dội khiến ít nhất 20 binh sĩ thiệt mạng.
AP dẫn nguồn tin từ cả Trung Quốc và Ấn Độ nói các chỉ huy đã đạt được thỏa thuận hôm thứ Hai trong cuộc họp đầu tiên của họ kể từ cuộc đối đầu ngày 15/6.
Cuộc đối đầu ở thung lũng Galwan, một phần của khu vực Ladakh đang tranh chấp là vụ việc chết chóc nhất giữa hai nước trong 45 năm.
Sau cuộc đụng độ, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều được cho là đã tăng cường binh lực lên khu vực biên giới giữa hai nước.
Hãng tin Press Trust of India của Ấn Độ cho biết cuộc gặp đã diễn ra giữa trung tướng Harinder Singh, Tư lệnh Quân đoàn 14, và thiếu tướng Lưu Lâm, Tư lệnh Quân khu Tây Tạng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, hai bên đã có một cuộc trao đổi thẳng thắn về các vấn đề nổi lên trong kiểm soát biên giới hiện nay và đồng ý thực hiện các biện pháp cần thiết để hạ nhiệt tình hình.
Quân đội Ấn Độ nói trong một tuyên bố rằng “các cuộc đàm phán cấp chỉ huy … đã được tổ chức tại Moldo trong bầu không khí thân mật, tích cực và mang tính xây dựng. Hai bên đồng thuận giảm căng thẳng”.
Ông Triệu phủ nhận lời một bộ trưởng Ấn Độ rằng 40 lính Trung Quốc đã chết trong cuộc đụng độ ngày 15/6.
Ấn Độ nói 20 binh sĩ của họ đã chết. Trung Quốc và Ấn Độ nói cả đôi bên đều có thương vong song Bắc Kinh không công bố bất kỳ thông tin nào về thương vong phía Trung Quốc.
Binh sĩ đôi bên đã ẩu đả bằng gậy, đá và nắm đấm ở độ cao 4.270 mét trên mực nước biển, nhưng không có phát súng nào được bắn ra, các quan chức Ấn Độ nói. Binh lính mang súng nhưng không được phép sử dụng, theo thỏa thuận trước đó giữa hai chính phủ.
Ðẩy nhanh hợp đồng mua vũ khí
Trong lúc đôi bên đồng thuận giảm căng thẳng ở biên giới, Ấn Độ đang thúc đẩy Nga đẩy nhanh thực hiện hợp đồng cung cấp hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ tổ chức cuộc gặp trực tuyến ba bên với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar sau khi Moscow nổi lên trong vai trò trung gian chủ chốt làm tan băng mối quan hệ giữa hai nước láng giềng châu Á.
SCMP dẫn một số nguồn tin nói Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đang gặp người đồng cấp Nga tại Moscow, nơi họ dự kiến thảo luận về căng thẳng biên giới Trung-Ấn và mong muốn của New Delhi nhằm đảm bảo nguồn cung khí tài quân sự không bị cản trở và được thực hiện sớm.
Thúc đẩy việc chuyển giao hệ thống phòng không S-400 và các loại tiêm kích Su-30MKI, MiG-29 – là những ưu tiên trong danh sách mua sắm của ông Singh, các nguồn tin cho biết.
Không quân Ấn Độ cần 42 phi đội tiêm kích nhưng hiện chỉ có khoảng 32 phi đội, theo những nguồn tin không muốn nêu tên.
Mỹ trước đó đã cảnh báo Ấn Độ về việc mua hệ thống S-400, nói rằng việc này tác động nghiêm trọng đến quan hệ quốc phòng Washington-New Delhi.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ấn Độ A. Bharat Bhushan Babu từ chối bình luận trước khi các cuộc họp ở Moscow diễn ra.
Cuộc diễu hành Ngày Chiến thắng tại Mátxcơva hôm nay (24/6) sẽ chứng kiến sự hiện diện của cả quân đội Ấn Độ và Trung Quốc.
Có nhiều nguồn thông tin nói Ấn Ðộ đang đặt mua thêm 21 tiêm kích hạng trung MiG-29 và 12 tiêm kích hạng nặng Su-30MKI từ Nga. Ấn Ðộ đang vận hành hơn 250 Su-30MKI, tiêm kích hạng nặng duy nhất trong không quân nước này.