Sunday, January 5, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiQuân đội Mỹ cải tổ để ứng phó với TQ

Quân đội Mỹ cải tổ để ứng phó với TQ

Tướng Charles Brown, Tư lệnh lực lượng không quân Mỹ tại Thái Bình Dương, nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với đồng minh và đối tác tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trước mối đe dọa từ Trung Quốc.

Sáng 24.6 (theo giờ VN), tướng Charles Brown, Tư lệnh lực lượng không quân Mỹ tại Thái Bình Dương (PACAF), có cuộc họp báo với các phóng viên báo đài trên toàn cầu.

Lo ngại với hành vi của Bắc Kinh

Mở đầu, tướng Brown thừa nhận dịch Covid-19 khiến PACAF không thể tổ chức hoặc tham gia khoảng 50 cuộc diễn tập/năm tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) như trước đây, và buộc Washington phải nghĩ đến những phương án phi truyền thống, trái với thông lệ để vượt qua thách thức này. Ví dụ, PACAF ngày 29.4 tổ chức hội nghị qua truyền hình với sự tham gia của 19 lực lượng không quân và phòng vệ trên không. Việc tăng cường kết nối cũng được thực hiện qua liên kết từ xa, chẳng hạn như cuộc thảo luận qua mạng giữa các lính không quân Mỹ và Thái Lan hồi tuần trước, sắp tới là Indonesia và Bangladesh.

Mỹ có thể điều quân từ Đức đến Indo-Pacific

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien nhận định hàng ngàn binh sĩ Mỹ có thể được điều động đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, theo kế hoạch giảm quân đồn trú tại Đức. Tờ Stars and Stripes hôm qua đưa tin tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước thông báo ý định giảm số binh sĩ Mỹ ở Đức từ 34.500 hiện nay xuống còn 25.000.     Huỳnh Thiềm

Tư lệnh PACAF cũng bày tỏ quan ngại trước các hành vi “bắt nạt” của Trung Quốc tại khu vực trong thời gian qua. Tướng Brown cho biết vào thời điểm ông tiếp nhận quyền chỉ huy PACAF hồi tháng 6.2018, các đơn vị dưới quyền thỉnh thoảng mới trình lên báo cáo về sự xuất hiện của máy bay ném bom H-6 thuộc không quân Trung Quốc.

“Giờ đây, đó là chuyện xảy ra mỗi ngày”, vị tư lệnh cho hay và nói thêm: “Chúng tôi đang tập trung nghiên cứu hành xử của phía Trung Quốc để đưa ra các phương án đối phó và trấn an các đồng minh, đối tác trong khu vực”.
Lính thủy đánh bộ Mỹ hồi tháng 3 đã công bố báo cáo về kế hoạch cải tổ lực lượng vào năm 2030, theo đó tập trung đối phó Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung tâm hợp nhất chiến tranh không quân Mỹ đang thiết kế lực lượng tương lai theo hướng đối đầu với thách thức mà Mỹ đang đối mặt ở Indo-Pacific và đặc biệt là với Trung Quốc.
Về nguy cơ Bắc Kinh muốn lập vùng nhận dạng phòng không tại Biển Đông, tướng Brown cho hay Washington đang quan sát chuyển động của Trung Quốc và đề nghị các nước khu vực cùng lên tiếng.

Đổi mới chiến lược cho oanh tạc cơ

Tướng Brown cũng đề cập chiến lược mới được áp dụng cho phi đội oanh tạc cơ tại Thái Bình Dương. “Chúng tôi đang triển khai máy bay ném bom theo nhiều cách khác nhau, từ việc mở rộng địa điểm hoạt động đến tăng cường khả năng phục hồi sau chiến dịch. Ví dụ, chúng tôi đưa B-1 quay lại khu vực, lần đầu tiên kể từ năm 2018, xuất kích máy bay từ Mỹ và Guam, lần đầu tiên từ năm 2017 đã đưa B-52 đến Alaska”, tư lệnh PACAF phân tích và cho biết giờ đây lực lượng này phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tư lệnh tấn công toàn cầu của không quân, Bộ Tư lệnh Indo-Pacific và Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ. Theo tướng Brown, cách tiếp cận mới mang đến sự linh hoạt và “khó đoán” cho máy bay ném bom Mỹ khi thi hành sứ mệnh tại khu vực trọng yếu trong chiến lược của Mỹ.
Vị chỉ huy cũng khẳng định so với Trung Quốc, Mỹ hiện có đủ máy bay tiếp liệu phục vụ cho sứ mệnh của các chiến đấu cơ nước này tại Thái Bình Dương, và không quân Mỹ đang xúc tiến đưa máy bay tiếp liệu thế hệ mới KC-46 đến khu vực. Về khả năng đưa các khí tài chiến lược, như B-52, quay lại bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng, tướng Brown cho hay quân đội Mỹ đang quan sát tình hình và làm mọi điều để hỗ trợ nỗ lực dàn xếp thông qua kênh ngoại giao.
Bên cạnh đó, tướng Brown đánh giá cao cơ hội hợp tác với không quân VN, chẳng hạn tiếp tục thảo luận về chương trình đào tạo phi công, và những lĩnh vực khác.
RELATED ARTICLES

Tin mới