VN, PLP, Indonesia thừa hiểu rằng, nội dung, những ngôn từ, lời lẽ sâu sắc và lịch thiệp trong công hàm gửi LHQ không làm gia tăng tính pháp lý của phán quyết của PCA. Nhưng tiếng nói cùng lúc của họ tại tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới, như LHQ, chí ít cũng khiến cộng động quốc tế thấy rõ thêm TQ là ai mà gây thù, chuốc oán cho hàng xóm láng giềng đến vậy.
Mỹ gửi công thư lên LHQ phản đối yêu sách của TQ trên biển Đông
Công hàm – đó là từ được nói đến với sự gia tăng đột biến trong vài tháng gần đây khi đề cập vấn đề biển Đông. Thậm chí, có người dùng từ “ồ ạt” để chỉ hiện tượng mới mẻ này.
Cần khẳng định rằng: biển Đông, trong cả chục năm qua luôn là một khu vực nóng. Sức nóng của nó “hút” thêm nhiều quốc gia can dự, kể cả các quốc gia không có yêu sách chủ quyền trực tiếp trên biển Đông, điển hình là Mỹ.
Trách nhiệm hiển nhiên thuộc về TQ, khi năm 2009, nước này đã đơn phương công bố cái gọi là “đường 9 đoạn” để khẳng định biển Hoa Nam (biển Đông) là vùng biển thuộc chủ quyền.
Tiếp đó, Bắc Kinh ngày càng ngang ngược gia tăng hiện diện quân sự trên các đảo chiếm đóng trái phép; bồi đắp, mở rộng, biến các đá, bãi ngầm thành những đảo nhân tạo – thực chất là những công trình quân sự to lớn với vô số thiết bị, khí tài hiện đại.
Những hành động của TQ không hề tử tế hay có ích đối với sự ổn định và hòa bình khiến các quốc gia ASEAN, nhất là các nước cùng có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, như VN, PLP, Malaysia vô cùng lo ngại.
Trong thực tế, hơn cả lo ngại, các nước nêu trên đã và đang là nạn nhân của sự ngang ngược của TQ: TQ chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough của PLP (2012); hạ đặt giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN (2014); thực hiện khảo sát địa chất trái phép tại khu vực bãi Tư Chính của VN (2019); cùng nhiều các hành vi gây hấn thô bạo khác.
Đương nhiên, sự kiên nhẫn nào cũng có giới hạn. Từng có một vụ kiện TQ ra Tòa trọng tài LHQ (PCA) của PLP. Vô số các cuộc phê phán, tranh luận, phản biện của các nước nêu trên và nhiều quốc gia khác bác bỏ thẳng thừng “đường chín đoạn” vô lý của TQ.
Tuy nhiên, TQ, thời điểm này như một gã đô vật côn đồ, bị tư tưởng bá quyền chi phối, nên ngày càng ngang ngược hơn. Ngay cả khi bị PCA bác bỏ đòi hỏi chủ quyền vô lý trên biển Đông, TQ cũng không vì thế mà thức tỉnh. Ngược lại, họ thẳng thừng tuyên bố “không đếm xỉa” phán quyết, cũng không hề giảm sự ngang ngược và ngạo mạn ‘một mình một kiểu”, trước hết là nhắm vào các nước VN, PL, Malaysia, và cả Indonesia.
Cực chẳng đã, cùng với các biện pháp đấu tranh khác, thời gian gần đây, các nước ASEAN cùng sử dụng một giải pháp ngoại giao khác, là gửi công hàm tới LHQ để phản đối TQ.
Sự việc bắt đầu từ ngày 12/12/2019, Malaysia nộp hồ sơ lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) xin công nhận thềm lục địa mở rộng theo Điều 76 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), liên quan đến ranh giới thềm lục địa nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Sau khi Malaysia gửi đệ trình lên CLCS, gần như tất cả các bên liên quan tới tranh chấp này đều gửi công hàm để nhấn mạnh quan điểm của mình đối với đệ trình của Malaysia.
Các nước đã gửi công hàm liên quan tới đệ trình của Malaysia là TQ, PLP, VN và Indonesia. Ngoài TQ, các nước còn lại có những lập trường tương tự khi viện dẫn phán quyết về Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp tuân thủ theo luật pháp quốc tế. Cụ thể:
Ngày 6/3/2020, Philippines đã gửi công hàm lên LHQ để đáp lại công hàm của TQ, khẳng định quan điểm của TQ không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS; đồng thời viện dẫn dẫn phán quyết chống lại TQ năm 2016 của PCA.
Ngày 23/3/2020, VN đã gửi công hàm lên LHQ liên quan tới đệ trình thềm lục địa mở rộng của Malaysia. Dù công hàm của VN không nhắc đến phán quyết của PCA về biển Đông cụ thể, song lập trường của VN đã, đang và luôn luôn kiên định với tất cả những tài liệu mà VN từng chuyển lên LHQ và đệ trình lên các cơ quan quốc tế có liên quan: bác bỏ “đường chín đoạn” TQ đơn phương áp đặt…
Đầu tháng 6/2020, Indonesia đã gửi công hàm lên LHQ. Lần đầu tiên kể từ khi PCA ra phán quyết về biển Đông năm 2016, Indonesia đã viện dẫn phán quyết này trong một đệ trình chính thức trình lên LHQ, khẳng định cái gọi là “đường chín đoạn” của TQ là phi pháp chiểu theo quy định của luật quốc tế.
Cần nhớ, vào đầu năm 2020, khi đó căng thẳng xảy ra giữa lực lượng thực thi pháp luật của Indonesia với các tàu đánh cá trái phép được tàu hải cảnh hộ tống của TQ tiến vào vùng Natuna- vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở biển Bắc, nhưng TQ lại coi là khu vực nằm trong “đường chín đoạn”, Indonesia cũng đã có một công hàm ngoại giao tới Bắc Kinh và tăng cường tuần tra quân sự tại nơi này…
VN, PLP, Indonesia thừa hiểu rằng, nội dung, những ngôn từ, lời lẽ sâu sắc và lịch thiệp trong công hàm gửi LHQ không làm gia tăng tính pháp lý của phán quyết của PCA. Họ cũng không mấy hy vọng TQ tử tế hơn vì những công hàm ngoại giao đó. Nhưng tiếng nói cùng lúc của họ tại tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới, như LHQ, chí ít cũng khiến cộng động quốc tế thấy TQ là ai mà gây thù, chuốc oán cho hàng xóm láng giềng đến vậy.